Tỷ USD trôi qua tay Vingroup, Vietnam Airlines, BRG chỉ sau 2 tháng vì Covid-19

Nam Giang

(Doanhnhan) - Vingroup lỗ 13.000 tỷ đồng, BRG mất 1.000 tỷ, Vietnam Airlines mất tối thiểu 5 năm mới bù được lỗ phát sinh... là những thống kê chưa đầy đủ về tác động của dịch Covid-19 tới nhóm công ty đang hoạt động trong ngành sản xuất, bán lẻ, du lịch, hàng không...

“Sau dịch bệnh, mất tối thiểu 5 năm mới bù được lỗ phát sinh”

Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) nêu tại buổi đối thoại giữa Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng phó trước tác động của  dịch Covid-19 chiều ngày 16/4/2020. 

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ngành hàng không đang trải qua giai đoạn khó khăn lớn do ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19 đúng vào thời gian cao điểm vận tải. Vị này nêu kiến nghị Chính phủ cần có chính sách giảm thuế tạo, giãn nợ, mong muốn cùng các doanh nghiệp liên quan đến khách sạn, lữ hành triển khai ngay các chương trình phục hồi du lịch sớm; đề nghị các sở ban ngành tạo điều kiện giúp đỡ đối với chế độ người lao động, trong bối cảnh số lượng nhân viên của Vietnam Airlines lớn, tiếp viên 3.000 người, phi công 1.000 người...

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn BRG, chủ tịch Nguyễn Thị Nga, cho biết do là đơn vị kinh doanh đa ngành nên tập đoàn này chịu ảnh hưởng nặng nề. Tính sơ bộ, BRG đã tổn thất 1.000 tỷ đồng; 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu. Lãnh đạo BRG đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giảm thuế cho doanh nghiệp đến 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng...

Bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời điểm doanh nghiệp khó khăn vì xã hội căng mình phòng chống dịch bệnh, đại diện FLC cũng thẳng thắn cho rằng thời hạn gia hạn thuế chỉ 5-6 tháng là chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp. Vị này bày tỏ mong muốn có thể kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Xuất hiện trong buổi gặp gỡ đặc biệt này, phía Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup cũng kể một loạt những khó khăn của doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy (dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy), du lịch khách sạn khó tìm được nguồn khách (ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng). 

“Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh”, đại diện của tập đoàn này cho biết. Trình bày về con số thiệt hại, Vingroup công bố số liệu lên tới 13.000 tỷ đồng. 

Đại diện của Vingroup cũng đề xuất giãn nộp tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú, xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hà Nội, tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp bằng sản phẩm, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất...

Lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn quá cao

Một nội dung lớn khác được nhiều doanh nghiệp đề xuất với lãnh đạo TP. Hà Nội là giảm lãi suất. Bà Nguyễn Thị Lan Hương giám đốc CTCP Việt phúc ( VPEXCO) cho rằng, đối với gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 300.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, đề nghị ngành ngân hàng phân loại các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đưa ra tiếu chí cụ thể đúng với ý nghĩa cứu trợ và cho triển khai trong tháng 4/2020.

Đối với các khoản vay đã có, cần có các biện pháp giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ bằng các tiêu chí cụ thể các doanh nghiệp bị ảnh hưởng duy trì qua khó khăn. Theo lãnh đạo VPEXCO, hiện nay, lãi suất ngân hàng giảm 1,5%, xuống còn 6,5 – 7%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng mức này vẫn là quá cao so với khu vực, do vậy, mong lãi suất ngân hàng giảm hơn nữa cho doanh nghiệp.

Gửi kiến nghị đến lãnh đạo Thành phố, ông Trần Đăng Nam– Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội Hội, mong muốn có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ vay cho doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo việc tránh xung đột lợi ích do Ngân hàng cũng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; đưa ra các chính sách giảm, miễn lãi vay hoặc lãi vay về mức dưới 5%, các mức áp dụng cho các Doanh nghiệp tùy mức độ ảnh hưởng trong giai đoạn khó khăn phòng chống dịch về mức dưới 5%.

Đẩy nhanh hơn quy trình xử lý các thủ tục hành chính có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, tránh việc quy trình xét duyệt, giải quyết quá lâu làm doanh nghiệp không đủ lực để tồn tại;

Hỗ trợ giảm 50% lãi suất ngân hàng cho các khoản vay đến kỳ trả lãi tháng 4, 5, 6 năm 2020 (đề xuất 50% này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25%, ngân hàng giảm 25%) nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh của dịch;

Hỗ trợ doanh nghiệp 50% lãi vay ngân hàng (không phải ngân hàng chính sách) trong tháng 4, 5 và 6 năm 2020 khi vay với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm). “Tính từ thời điểm dịch Covid, nếu doanh nghiệp bị vi phạm thời gian trả nợ thì ko bị tính vào “uy tín tín dụng” của doanh nghiệp”, ông Trần Đăng Nam nói.

Tin Cùng Chuyên Mục