UBND tỉnh Ninh Thuận có sai phạm trong cấp phép dự án điện mặt trời

Theo Tiền phong

Thanh tra Chính phủ xác định, UBND tỉnh Ninh Thuận và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm trong việc bổ sung quy hoạch điện lực và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án điện mặt trời không đồng bộ với khả năng truyền tải của hệ thống hạ tầng truyền tải điện, dẫn đến nhiều nhà máy năng lượng tái tạo bị giảm phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư…

Đề nghị tạm dừng xây mới dự án điện mặt trời

Theo thông báo kết luận thanh tra số 1392 về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2014-2018, TTCP chỉ rõ trong công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án không sử dụng vốn nhà nước tại tỉnh Ninh Thuận còn để xảy ra một số sai phạm như: triển khai thủ tục lựa chọn chủ đầu tư một số dự án chưa thực hiện theo đúng quy trình; việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư có nhiều hạn chế, khuyết điểm.

Đáng chú ý là việc bổ sung quy hoạch điện lực và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án điện mặt trời không đồng bộ với khả năng truyền tải của hệ thống hạ tầng truyền tải điện, dẫn đến nhiều nhà máy năng lượng tái tạo bị giảm phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư dự án… “Trách nhiệm chính thuộc về UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND các huyện, thành phố cùng các sở, ngành có liên quan liên và các chủ đầu tư dự án” – TTCP nhận định.

Một số dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận không đồng bộ với khả năng truyền tải của hệ thống hạ tầng truyền tải điện
Một số dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận không đồng bộ với khả năng truyền tải của hệ thống hạ tầng truyền tải điện

Nhằm hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại, TTCP đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận căn cứ thực trạng hạ tầng lưới truyền tải điện và tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lưới điện truyền tải để tiến hành rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng. Trước mắt đảm bảo 15 dự án đã vận hành thương mại và 5 dự án hoàn thành trong năm 2019 giải tỏa 100% công suất.

Yêu cầu xử lý 7 dự án điện gió

Ngoài ra, TTCP cùng đề nghị địa phương này rà soát, xử lý theo quy định đối với 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối. Rà soát các dự án điện mặt trời đang trình thẩm định bổ sung quy hoạch, đề nghị Bộ Công thương xem xét thẩm định đối với các dự án có khả năng giải tỏa 100% công suất, các dự án bổ sung quy hoạch còn lại căn cứ khả năng giải tỏa 100% công suất, các dự án bổ sung quy hoạch còn lại căn cứ khả năng giải tỏa công suất của hệ thống hạ tầng truyền tải điện đã đầu tư để tiếp tục đề nghị Bộ Công thương thẩm định.

Đối với các dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu và thuộc quy hoạch vùng tưới của các dự án công trình thủy lợi, UBND tỉnh chỉ đạo lấy ý kiến của chủ đầu tư công trình thủy lợi để không ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình thủy lợi.

Đồng thời rà soát các dự án có khả năng cung cấp nước tưới phải kết hợp đầu tư phát triển điện mặt trời và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất.

Mặt khác, cùng với việc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Thuận xác định lại giá thuê đất đối với một số dự án như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Điện lực; Khu du lịch khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải; Khu đô thị mới Đông Bắc K1; Khu đô thị biển Bình Sơn – Ninh Chữ K2… 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục