Ứng dụng cho vay tiền nhanh: Trót sa lầy, khó rút chân

Vũ Lành

(Doanhnhan.vn) – Hàng chục ứng dụng cho vay xuất hiện với các điều khoản cho vay dễ dàng, song lãi phạt "cắt cổ" và đòi nợ như xã hội đen. Trong đó nhiều ứng dụng của nhà đầu tư Trung Quốc.

Tháng 2/2020, anh Bùi Đức Giang, 35 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội gặp khó khăn về tài chính do phải nghỉ việc bởi dịch Covid - 19. Trong lúc không biết xoay sở ra sao, anh Giang tìm tới ứng dụng cho vay tiền online. 

Ban đầu, anh Giang vay khoản 1,5 triệu đồng từ ứng dụng Vđồng, chỉ vài ngày sau là được giải ngân, song chỉ nhận về 1,05 triệu đồng. Đến kỳ thanh toán nợ, tuy chưa trả hết số nợ này nhưng anh đã nhận được tin nhắn mời vay tiền từ một ứng dụng khác, kèm đường link tải về. Một số lần thì anh nhận được điện thoại tư vấn trực tiếp của nhân viên đơn vị phát triển ứng dụng, mời vay tiền từ một ứng dụng khác. 

"Tôi không hiểu tại sao những ứng dụng khác lại biết số điện thoại của mình để liên lạc", anh Giang nói. Chỉ cần cung cấp số điện thoại, chứng minh nhân dân và cho phép truy cập vào danh bạ là anh Giang có thể vay được tiền nhanh là trong vòng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, khoản phí dịch vụ bị trừ thường mất khoảng 20% số tiền vay. 

Ứng dụng cho vay tiền nhanh: Trót sa lầy, khó rút chân - Ảnh 1

 

Bằng cách liên tục vay thêm, chỉ sau hơn 3 tháng, anh trở thành "con nợ" của 45 ứng dụng cho vay khác như Vinvay, Xingnhanh, Andvay, Vaykhonglo... Số tiền gốc anh Giang nhận được vào khoảng 100 triệu đồng, song sau khi đã trả 100 triệu đồng thì anh vẫn còn nợ khoảng 200 triệu. Trong đó, các khoản bị tính phí cao nhất gồm phí dịch vụ (khoảng 20-30%), phạt nộp chậm, gia hạn hợp đồng

Tuy nhiên, điều ám ảnh nhất với anh là khi không trả nợ đúng hạn theo mức lãi suất họ yêu cầu thì bị nhân viên đòi nợ "khủng bố” bằng nhiều hình thức như vu khống trên mạng xã hội, gọi điện làm phiền, thâm chí chửi bới người thân, bạn bè... 

Cũng gặp tình cảnh tương tự, chị Lan (26 tuổi), huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng vay từ ứng dụng Vđồng với số tiền 1 triệu đồng nhưng bị trừ phí dịch vụ 250.000 đồng và chỉ nhận về 750.000 đồng. Tuy nhiên, nếu trả lãi muộn thì chị sẽ bị phạt 120.000 đồng/ngày.

Trong vòng xoáy bị mời chào, chị Lan đã vay thêm hơn 20 ứng dụng khác như Sago, Vinvay, Vay mượn, Doctordong… Hiện số tiền lãi, phạt, gia hạn hợp đồng mỗi tháng của các app cũng lên tới 10 triệu đồng. 

Đỉnh điểm là việc chị Lan vay một ứng dụng số tiền 3,5 triệu đồng, do chưa trả tiền gốc đúng hạn nên chị phải gia hạn hợp đồng vay với giá hơn 1,3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, trong một năm gia hạn, đơn vị phát triển ứng dụng yêu cầu chị Lan gánh thêm tiền phạt do nộp chậm là 320.000 đồng/ngày. Tuy đã nhiều lần yêu cầu nhân viên các ứng dụng tính toán mức lãi suất cụ thể của từng khoản vay, song chị không nhận được câu trả lời. 

Không chấp nhận trả theo yêu cầu, chị cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự anh Giang là bị đưa thông tin cá nhân, bêu rếu trên mạng xã hội. 

Hoạt động cho vay qua ứng dụng là một hình thức cho vay ngang hàng, còn gọi là P2P Lending - mô hình xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Vay ngang hàng là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa.

Tại Việt Nam, mô hình này xuất hiện vào khoảng năm 2017 và nhanh chóng tăng nhanh về số lượng với hàng chục ứng dụng đang hoạt động. Chỉ cần vào kho ứng dụng Google Play, Apple App và tìm kiếm cụm từ "ứng dụng cho vay tiền" hoặc "vay tiền nhanh" thì kết quả trả về là hàng chục ứng dụng như Finizi, Avay, Xudong, Sago, Mofa....

Tuy nhiên, thông tin về các đơn vị phát triển ứng dụng thường không rõ ràng, đầy đủ. Ví dụ trên một số ứng dụng, đơn vị phát triển tự quảng cáo là "một trong những công ty tài chính công nghệ lớn nhất tại Việt Nam hiện nay” hoặc "trực thuộc tập đoàn đa quốc gia"... Tuy nhiên, các công ty này đa số mới thành lập và có địa chỉ trụ sở không rõ ràng. 

Thậm chí, trên nhiều ứng dụng như Ví tò mò, Badong… còn không có thông tin về đơn vị phát triển và quản lý app. Mọi thông tin liên hệ với người cho vay chỉ thông qua số điện thoại, email...

Liên quan đến hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh, nhưng cũng không có quy định cấm với hoạt động này. Cơ quan này cho biết, lĩnh vực P2P Lending được cấp phép hoạt động là khoảng 40 công ty.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, ông Nguyễn Hòa Bình, ngoài các doanh nghiệp Việt  hiện có khoảng 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay của Trung Quốc sau khi mô hình này đổ vỡ tại quốc gia này đã tràn sang Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Bình cho biết có thể có những công ty cho vay của các ông chủ người Trung Quốc nhưng mượn tên cá nhân người Việt Nam trên giấy tờ pháp lý.

Đánh giá về hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập đến những rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp hay còn gọi là hình thức đòi nợ theo kiểu tín dụng đen.

Cuối tháng 4 vừa qua, Công an TP HCM triệt phá đường dây cho vay qua ứng dụng với hơn 60.000 người vay chịu lãi suất lên tới 1.095%/năm. Cơ quan này cho biết đây là mô hình cho vay nặng lãi qua app do người Trung Quốc cầm đầu. Trước đó, PC02 cũng phát hiện một số công ty cho vay ngang hàng do người Trung Quốc làm chủ nhưng thuê người Việt đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, nếu không có chính sách phù hợp để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng sẽ gây ra cạnh trạnh bất bình đẳng tại Việt Nam và gây ra hệ luỵ rất lớn. Bởi vậy, tại dự thảo tờ trình Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng vừa công bố xin ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 7 lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng. 

Tin Cùng Chuyên Mục