Ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đời sống

Lê Huy Hải/TTXVN

Kiên Giang đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đời sống xã hội, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, giai đoạn 2011 - 2020, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ của tỉnh tập trung trên 5 lĩnh vực: nông nghiệp, y dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.

Ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đời sống - Ảnh 1

Kết quả vượt trội là nghiên cứu khoa học và công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp, đã góp phần phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng kinh tế đo bằng chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2020 hơn 31%, tăng 5,4% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp phát triển thế mạnh của địa phương. Trong đó, phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể địa phương, phát triển các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế biển của tỉnh.

Qua đó, ngành chức năng ứng dụng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất vào thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp; tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Theo đó, tỉnh tiếp nhận chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng lồng bè trên biển; ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống một số loài thực vật như một số loài nấm có giá trị kinh tế, một số nguồn gen đặc hữu của địa phương.

Tỉnh tập trung ứng dụng các quy trình kỹ thuật để xây dựng mô hình khoa học thí điểm như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc, sản xuất giống và nuôi thương phẩm các loài ghẹ xanh, sò huyết, nghêu lụa, cá bóp, cá thát lát, tôm càng xanh toàn đực… nhằm phát triển các đối tượng nuôi biển.

Tỉnh triển khai các mô hình tôm - lúa, một số mô hình trên nền đất thấp, lúa mùa, mô hình bảo tồn gen động - thực vật như cá ngựa, bí kỳ nam… nhằm sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn gen của địa phương; xây dựng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trên bể lót bạt ứng dụng công nghệ biofloc, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, nhằm phát triển ngành hàng tôm của tỉnh…

Kiên Giang nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các thông số môi trường trong phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, tôm - lúa…; nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới có thời gian sinh trưởng 85 - 100 ngày, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, chống chịu phèn mặn, thích nghi cho sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kết quả đến nay, tỉnh đã đưa ra được bộ giống lúa tác giả GKG khoảng 30 giống lúa có triển vọng, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu mặn tốt, năng suất cao, dạng hình đẹp, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: GKG1, GKG5, GKG9, GKG24, GKG29, GKG35, GKG41…

Trong đó, hai giống lúa GKG1 và GKG9 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức là giống cây trồng nông nghiệp mới, cho phép sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Một số giống khác cho phép sản xuất thử, khảo nghiệm quốc gia theo quy định.

Giai đoạn 2021 - 2030, Kiên Giang tập trung các giải pháp đột phá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ sinh học trên nguyên tắc ứng dụng đồng bộ giải pháp khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cơ giới hóa, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ về kinh phí, xây dựng chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp.

Ngành chức năng tiếp tục đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới bằng phương pháp nuôi cấy túi phấn, ứng dụng công nghệ tế bào như phát triển kỹ thuật nuôi cấy hạt phấn, để rút ngắn quá trình tạo dòng thuần, kết hợp thanh lọc mặn các dòng lúa ở giai đoạn mô sẹo nhằm chọn ra các dòng tái sinh có khả năng chống chịu mặn cao. Ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu và tối ưu hóa quy trình kỹ thuật nuôi cấy các đối tượng cây trồng như: cây chuối, hoa lan, hoa kiểng các loại…

Ngành chức năng nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống năng suất cao, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu đối với các cây trồng chủ lực theo định hướng xuất khẩu như lúa, cây ăn quả…

Ngành chức năng tập trung nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ tạo giống bố mẹ và kỹ thuật nhân giống một số giống nông nghiệp chủ lực sạch bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy trình thâm canh tổng hợp, quản lý sâu bệnh phục vụ sản xuất các đối tượng cây trồng chủ lực tiềm năng của tỉnh.

Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng thực hiện các dự án, đề tài liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học công nghệ vào sản xuất giống các loài thủy sản trọng tâm như: tôm càng xanh toàn đực, giống các loại cá biển; nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản năng suất, chất lượng cao theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả.

Tin Cùng Chuyên Mục