UNWTO: Du lịch phải mất từ 2 năm rưỡi đến 4 năm để phục hồi

Kinh tế Sài Gòn

Đa số các điểm đến trên thế giới, trong đó có Việt Nam dần nới lỏng các hạn chế đi lại. Du lịch đang từng bước khởi động nhưng Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho rằng, phải mất từ hai năm rưỡi đến bốn năm thì lượng khách du lịch mới có thể phục hồi bằng với thời điểm trước dịch là năm 2019.

Tính cho đến nửa đầu năm nay, ngành du lịch toàn cầu đã mất 440 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 460 tỷ USD Mỹ doanh thu xuất khẩu từ du lịch quốc tế.

Du lịch mất 460 tỷ đô la Mỹ vì đại dịch

Theo báo cáo mới nhất về lượng khách du lịch thế giới của UNWTO, tháng 6, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng khách du lịch trong nửa đầu năm nay đã giảm đến 65% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương ngành du lịch mất 440 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 460 tỷ đô la Mỹ doanh thu xuất khẩu từ du lịch quốc tế.

Khách du lịch quốc tế tại TP HCM trước dịch Covid-19. Ngành du lịch đang dần khởi động mảng du lịch nội địa và trông chờ kết nối lại mảng du lịch quốc tế để có thể hồi phục sau đại dịch.
Khách du lịch quốc tế tại TP HCM trước dịch Covid-19. Ngành du lịch đang dần khởi động mảng du lịch nội địa và trông chờ kết nối lại mảng du lịch quốc tế để có thể hồi phục sau đại dịch.

Con số này nhiều hơn khoảng năm lần so với đợt sụt giảm doanh thu du lịch quốc tế vào năm 2009, thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu.

Tổ chức này cũng cho biết, xu hướng dần khởi động lại du lịch đang diễn ra rộng rãi hơn tại nhiều điểm đến trên thế giới trong vài tuần trở lại đây. Nếu như thời điểm giữa cuối tháng 7 chỉ có 87 điểm đến được nới lỏng các quy định hạn chế đi lại thì đến đầu tháng 9 này đã có 115 điểm đến, chiếm 53% số điểm đến trên thế giới thực hiện việc tương tự.

Theo đó, những yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định giảm bớt các điều kiện hạn chế về đi lại gồm điều kiện vệ sinh, y tế; tỷ lệ lây nhiễm Covid-19; đặc điểm nền kinh tế và phương thức vận chuyển khách du lịch đến điểm đến đó.

Cụ thể, những điểm đến đã và đang được nới lỏng quy định hạn chế đi lại thường là những nơi có điều kiện vệ sinh, y tế ở mức độ cao và rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp.

Trong các nền kinh tế tiên tiến, có 79 điểm đến du lịch đã được nới lỏng các hạn chế trong khi đó chỉ có 47 điểm đến tại các nền kinh tế mới nổi thực hiện điều này.

Đặc biệt, 64% trong số những điểm đến đã được nới lỏng có sự phụ thuộc trung bình hoặc cao vào đường hàng không như là một phương thức vận chuyển đưa khách du lịch đến điểm đến.

Nhận định về xu hướng phát triển trong thời gian tới, tổ chức này cho rằng nếu các hạn chế đi lại được dỡ bỏ dần và khách du lịch có lại sự tin tưởng vì có vắc-xin phòng Sars-CoV-2, virus gây đại dịch hoặc phương pháp điều trị sẳn sàng thì ngành du lịch sẽ có những thay đổi trong năm 2021.

Tuy nhiên, ngay cả viễn cảnh đầy hứa hẹn trên trở thành sự thật, ngành du lịch cũng phải mất 2- 4 năm để có thể có lượng khách bằng với mức của năm 2019, thời điểm Covid-19 chưa ảnh hưởng đến mảng này.

Theo ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UNWTO, du lịch quốc tế an toàn và có trách nhiệm hiện đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Các chính phủ bắt buộc phải hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để đưa du lịch toàn cầu phát triển trở lại. "Hợp tác hành động là chìa khóa", ông nói.

Khách đi tour Côn Đảo của Công ty TST Tourist từ ngày 11 đến ngày 13-9 vừa qua. Ảnh: Minh Mẫn
Khách đi tour Côn Đảo của Công ty TST Tourist từ ngày 11 đến ngày 13-9 vừa qua. Ảnh: Minh Mẫn

Du lịch nội địa là cứu cánh

Khi các hạn chế về du lịch được nới lỏng, nhiều điểm đến trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang tập trung vào việc phát triển du lịch nội địa. UNWTO đánh giá cao tiềm năng của du lịch nội địa trong việc thúc đẩy sự phục ồi kinh tế ở các điểm đến và kỳ vọng mảng này sẽ quay lại nhanh và mạnh hơn mảng du lịch quốc tế.

Nhiều điểm đến đang thực hiện các biện pháp như cho người lao động có thêm ngày nghỉ, cung cấp phiếu ưu đãi du lịch, mua hàng và các hình thức khác để khuyến khích người dân đi du lịch trong nước nhằm phục hồi du lịch nội địa.

UNWTO khuyến khích các quốc gia tập trung vào chiến lược tiếp thị, quảng bá và tăng cường các gói hỗ trợ tài chính để sớm phục hồi thị trường quan trọng này.

Hiện tại, ngành du lịch Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện các chương trình khuyến khích người dân đi du lịch trở lại. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã công bố giảm vé tham quan thu hút khách, doanh nghiệp lữ hành - khách sạn cũng rục rịch đưa ra các gói sản phẩm ưu đãi và tour mới để đón khách trở lại. Doanh nghiệp hàng không cũng tăng tần suất chuyến bay, mở thêm tuyến mới...

Trong đó, Bamboo Airways mở ba đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đến Côn Đảo vào trong tháng 9 này còn Vietnam Airlines cho biết số lượng hành khách và chuyến bay nội địa dự kiến sẽ sớm trở lại tương đương giai đoạn trước dịch bệnh.

Hãng sẽ tiếp tục tăng tần suất bay trên 6 đường bay nội địa gồm giữa Hà Nội và Vinh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Pleiku trong tháng này và tháng 10 tới.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thị trường đang có những thay đổi lớn. Trong đó, sức mua có thể thấp hơn trước do dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, tâm lý lo sợ cũng nặng nề hơn qua hai lần bùng phát dịch. Vì thế, cần cả nỗ lực của doanh nghiệp và chính sách của nhà nước thì du lịch nội địa mới có thể phục hồi sớm..

Cùng với truyền thông về du lịch an toàn, giúp người dân yên tâm hơn, ngành du lịch còn cần những chính sách về tài chính để khuyến khích người dân đi du lịch trở lại. Những hành động và chính sách hỗ trợ cần được đưa ra sớm để doanh nghiệp có thể bắt đầu quảng bá, thu hút khách vào mùa du lịch cuối năm.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục