Vận chuyển hàng - 'phao cứu sinh' của doanh nghiệp vận tải

Minh Hữu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, phần lớn các đường bay và tàu khách đều “đóng băng” khiến các doanh nghiệp vận tải phải nhanh chóng chuyển hướng sang vận tải hàng và giao, nhận hàng hóa để cầm cự, giảm thua lỗ.

Đường sắt lập đội shipper giao, nhận hàng tận cửa

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo phương thức “từ nhà đến nhà” đã được ngành Đường sắt đưa vào thực hiện, khai thác từ tháng 8/2019. Khách hàng chỉ cần truy cập website:harapost.vn để đặt vận chuyển trực tuyến hoặc khách hàng có thể đến đặt vận chuyển tại các cửa đăng ký nhận vận chuyển hàng hóa qua harapost ở các ga.

Cũng theo ông Minh, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện chỉ còn chạy một đôi tàu khách SE3/4/ngày. Vì thế, các chuyến tàu hàng hóa có điều kiện rút ngắn thời gian chạy tàu, vận chuyển và trả hàng hóa nhanh do không phải dừng, tránh tàu như trước.

Vận chuyển hàng - 'phao cứu sinh' của doanh nghiệp vận tải - Ảnh 1
Những chiếc tàu bay thân rộng của VNA bình thường để chở khách, giờ được dùng để vận tải hàng

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tàu khách Bắc – Nam mỗi chuyến một ngày hiện chỉ đạt khoảng 400 khách/lượt, giảm nhiều so với trước đây. Do lượng khách ít, hiện Công ty đang chú trọng sang vận chuyển hàng hóa.

Theo đó, tàu hàng có nhiều chuyến riêng, không đi chung với tàu khách. Cụ thể, theo bà Hà, mỗi ngày có 2 chuyến tàu hàng nhanh, một tàu chuyên hàng container từ ga Yên Viên (Hà Nội) đi Ga Sóng Thần (Bình Dương); một tàu chuyên vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh, tuyến Hà Nội – Sài Gòn. Ngoài ra, còn có thêm 2 chuyến tàu hàng thường mỗi ngày từ Giáp Bát (Hà Nội) đi Sóng Thần và ngược lại. 

“Đối với hàng chuyển phát nhanh, trong thời gian dịch Covid-19, lượng hàng hóa tăng nhanh. Đó là những mặt hàng thương mại, gia dụng được mua qua hình thức online trực tuyến”, bà Hà nói và cho biết, thông qua trang web harapost.vn, người dân có thể đăng ký gửi số lượng, trọng lượng, địa điểm nơi đến, nơi đi. Căn cứ vào những thông tin đó, nhân viên shipper của ngành Đường sắt sẽ đến tận nơi nhận hàng và vận chuyển đến nơi người nhận. 

Nói về doanh thu, lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, riêng hàng chuyển phát nhanh từ đặt hàng online mỗi ngày thu được khoảng 50 triệu tiền cước phí, chưa tính các mặt hàng chuyển cho Viettel, bưu điện, giao hàng tiết kiệm… “Riêng hai tàu nhanh chuyên chuyển phát nhanh, chưa kể hai chuyến từ Giáp Bát - Sóng thần, doanh thu khoảng 700 triệu/ngày”, bà Hà thông tin.

Theo bà Hà, vận chuyển qua đường sắt giá cước rẻ, tàu chạy nhanh và hàng hóa được đảm bảo nên được nhiều người dân lựa chọn trong giai đoạn hiện nay. “Khi phát hiện những mặt hàng có dấu hiệu bất thường, chúng tôi sẽ kiểm tra. Nếu hàng hóa không đủ tiêu chuẩn, không rõ xuất xứ chúng tôi sẽ từ chối vận chuyển”, bà Hà nói.

Những chuyến bay không tiếp viên 

Tương tự Đường sắt, ngành Hàng không Việt Nam cũng đang ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 khi các chuyến bay chở khách quốc tế ngưng hẳn, các đường bay nội địa thưa thớt chuyến bay đi/đến. 

Trao đổi với PLVN, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hiện nay VNA mỗi ngày có một chuyến bay chở khách tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tuyến Hà Nội - Đà Nẵng mỗi tuần có ba chuyến. “Hành khách ít, hàng hóa cơ bản cũng ít, tuy nhiên đỡ được phần nào”, ông Thành nói.

Theo lãnh đạo VNA, hiện mỗi ngày có từ 3-4 chuyến bay chở hàng quốc tế và 3-4 chuyến chở hàng quốc nội. “Được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu thôi chứ không ăn thua gì đâu”, ông Thành nói và cho biết, do người dân đang phải cách ly xã hội nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng không nhiều, chỉ những khách nhu cầu quá cần thiết mới phải gửi. “Hàng thương mại không nhiều, chủ yếu chở thiết bị y tế, thuốc men”, ông Thành thông tin thêm.

Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc VNA thì cho biết, trong tháng 4/2020, hãng này đang tăng cường vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế, với doanh thu từ mảng hàng hóa dự kiến đạt 250-300 tỷ đồng trong tháng 4. Theo đó, VNA dự kiến khai thác khoảng 150 chuyến bay chuyên chở hàng hóa giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và từ Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Cần Thơ.

Trên đường bay quốc tế, VNA khai thác hơn 130 chuyến bay chuyên chở hàng hóa đi Đông Bắc Á gồm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong; đi Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore; đi châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Nga và đi Úc.

Theo lãnh đạo VNA, các chuyến bay chở hàng được khai thác bằng máy bay Boeing 787-9, Airbus A350 với sản lượng đạt 20-25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải đạt 95 - 100%. Đây là những chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của VNA, không có hành khách, không có tiếp viên. VNA cũng cho biết đang nghiên cứu để đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa từ nay đến cuối năm nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trước những thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 gây ra với hãng.

“Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã thuê máy bay A321 của VNA chở toàn bộ công văn, tài liệu ưu tiên cùng bưu phẩm thiết yếu của khách hàng gửi qua Vietnam Post từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên số hàng hoá và tài liệu sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh EMS của bưu điện với tổng trọng lượng lên tới gần 10 tấn, được chuyển đến người nhận nhanh chóng nhất bằng một chuyến bay riêng.

Ngoài ra, Vietnam Post còn duy trì vận chuyển hàng hóa hành trình tàu Bắc - Nam với 20 toa chở container/ngày từ ga Yên Viên (Hà Nội) đến ga Sóng Thần (Bình Dương) và ngược lại và nhiều toa hành lý hàng bưu điện theo tàu khách SE chạy hai đầu Bắc – Nam”.

Tin Cùng Chuyên Mục