Ví điện tử - cuộc chơi tốn kém

Theo Nguyễn Vũ/Thời Báo Ngân Hàng

Trước làn sóng đổ bộ dồn dập của Fintech ngoại, cũng như việc ra đời nhiều ví điện tử, câu hỏi đặt ra liệu có phải thị trường ví điện tử tại Việt Nam đang thật sự là miếng mồi ngon béo bở?

Việt Nam đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Điều này dẫn tới sự phát triển nhanh và rất mạnh của các loại hình thương mại điện tử. Nổi bật trong số đó là cuộc đua đầy sôi động của các ví điện tử trong vài năm gần đây.

Ví điện tử - cuộc chơi tốn kém - Ảnh 1

 

Khuấy động thị trường thanh toán

Tính đến đầu năm 2019, thị trường đã có hơn 26 ví điện tử như: Momo, Payoo, Moca, Airpay, Samsung Pay, ZaloPay, ViettelPay… Trong đó nhiều DN được sự hậu thuẫn lớn từ công ty, quỹ đầu tư ngoại. Đơn cử đầu năm nay, MoMo được đánh giá ví điện tử “đắt khách” nhất của Việt Nam thông báo đã nhận được 100 triệu USD từ Warburg Pincus, chưa kể trước đó đơn vị này đã được “bơm” hàng triệu USD từ tổ chức tài chính quốc tế lớn.

Trong khi ZaloPay đang được hỗ trợ lớn bởi VNG. Còn người khổng lồ Singapore là Grab đã ký kết hợp tác chiến lược để cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số với Công ty Moca của Việt Nam vào năm ngoái. Tuy mới tham gia thị trường nhưng AirPay được đánh giá là đối thủ đáng gờm khi có bệ đỡ là tập đoàn công nghệ đến từ Singapore: Sea Group.

Trước làn sóng đổ bộ dồn dập của Fintech ngoại, cũng như việc ra đời nhiều ví điện tử, câu hỏi đặt ra liệu có phải thị trường ví điện tử tại Việt Nam đang thật sự là miếng mồi ngon béo bở?

Rõ ràng là với lợi thế dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận Internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao tại khu vực đô thị, mức thu nhập và tiêu dùng gia tăng, theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho những phương thức thanh toán mới như ví điện tử. Nhận định trên không phải không có cơ sở. Hiện giới trẻ đang rất chuộng sử dụng ví điện tử. Xuân Hiếu – chuyên viên văn phòng là một ví dụ khi mà hiện 70% chi tiêu của anh là thanh toán điện tử và anh đã cài cả ứng dụng thanh toán qua ngân hàng và ví điện tử để phục vụ cho nhu cầu thanh toán hàng ngày của mình.

Thời gian qua, có thể thấy việc các DN trong lĩnh vực ví điện tử đẩy mạnh kết hợp với các DN trong lĩnh vực khác tạo nên một “hệ sinh thái” mà ở đó người dùng có thể thanh toán nhiều loại hàng hoá hơn chỉ bằng chiếc điện thoại di động đã góp phần thay đổi thói quen chi tiêu tiền mặt của người dân, đặc biệt giới trẻ. Ví dụ như trong năm 2018, Moca đã kết hợp cùng Grab hay AirPay sau khi tích hợp vào Foody trở thành kênh đặt hàng và thanh toán chính thức của Foody cùng dịch vụ giao đồ ăn Now.

Trao đổi với báo giới gần đây, bà Tenzin Dolma Norbhu - Giám đốc chính sách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook tiết lộ, việc kinh doanh các ứng dụng trên điện thoại trong đó có các ví điện tử đặc biệt là những giao dịch và thanh toán cho các dịch vụ, tiện ích đời sống hàng ngày đã góp phần lớn tạo ra tổng thặng dư tiêu dùng khoảng 6,4 tỷ USD tại thị trường Việt Nam trong năm 2018.

Ví điện tử - có thực sự hốt bạc?

Trước sự sôi động thị trường ví điện tử, nhiều câu hỏi đặt ra, lợi nhuận từ ví có thực sự nhiều đến mức mà nhiều DN nhảy vào lĩnh vực này không. Là người trong cuộc, Chủ tịch HĐQT của một ví điện tử liên danh tiết lộ, thị trường ví điện tử đang hướng đến số lượng chưa chú trọng đến chất. Rất nhiều ví điện tử ra đời chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, nhưng chủ yếu chạy theo cơn sốt chứ nền tảng thiếu bền vững, hướng đi không rõ ràng.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, hoạt động kinh doanh của các ví điện tử không phải dễ hốt bạc như nhiều người nghĩ. Hiện đang có nhiều DN đầu tư lĩnh vực này bị lỗ nặng. Điển hình như Zalopay, tuy luôn lọt vào top ví điện tử được nhiều người dùng nhưng CTCP Zion cũng đã báo lỗ 177 tỷ USD với sản phẩm ví ZaloPay trong năm 2018. Ngoài Zalopay còn có một số tên tuổi đình đám cũng đang ngậm trái đắng lỗ.

Một lãnh đạo công ty ví điện tử tiết lộ, nhiều DN nhảy vào tưởng ngon ăn, nhưng thị trường này cạnh tranh rất khốc liệt, trong khi lợi nhuận biên rất nhỏ chỉ chưa đến 1%, thấp hơn nhiều so với ngành khác. Do vậy, nhiều DN nhảy vào lĩnh vực này đang trong thế tiến thoái lưỡng nan, đi cũng dở mà ở cũng không xong.

Thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam nhiều tiềm năng song cũng “đốt tiền” khủng khiếp, đòi hỏi DN phải trường vốn. Chẳng hạn, như Momo, Airpay là những ví điện tử luôn dẫn đầu thị trường này nhờ có bệ đỡ tài chính từ các tổ chức quốc tế giúp họ mạnh tay tung các chiêu dụ khách hàng bằng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thanh toán hóa đơn dịch vụ như điện, nước, điện thoại trả sau, chiết khấu và ưu đãi cao do đơn vị chủ quản là nhà phát hành game online lớn tại Việt Nam…

Trong khi nhiều ví điện tử khác như 1Pay, Bao Kim, ngay cả TrueMoney đang nắm vị trí số 1 của Thái Lan… do không có tính năng nổi bật cũng như khuyến mãi ưu đãi nên cũng mất hút trên thị trường. Thậm chí như Payoo - chiếc ví điện tử gần như lâu đời nhất ở Việt Nam tồn tại được hơn 10 năm qua nhưng đã nhanh chóng bị lãng quên.

Thực tế đó cho thấy cuộc chơi này khắc nghiệt như thế nào. Cuộc thanh lọc tự nhiên trên thị trường ví điện tử theo giới chuyên môn là cần thiết để hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường này. Thừa nhận, các sản phẩm ví điện tử nở rộ sẽ gia tăng sức cạnh tranh giữa các ví, người tiêu dùng được hưởng lợi, tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng việc này có thể dẫn đến thị trường ví vừa thừa vừa thiếu. Thừa số lượng ví, trong khi chất lượng lại chưa có đột phá dẫn đến sự lãng phí.

“Chúng ta có tới hơn 20 loại ví điện tử nhưng chưa có một đơn vị nào đủ sức chiếm giữ một phần lớn thị phần và đưa ra một hệ sinh thái đa dạng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho người dùng. Những loại ví điện tử tên tuổi như Momo, ZaloPay, Airpay... tuy phát triển rất mạnh để phục vụ một lượng lớn người dùng nhưng các dịch vụ cung cấp vẫn còn đơn điệu chủ yếu là thanh toán hóa đơn, chuyển tiền...”, vị này dẫn chứng cho nhận định và lưu ý về tính an toàn bảo mật của các ví điện tử.

Cũng bởi giá trị các khoản giao dịch nhỏ, để thuận tiện cho người dùng, đa số các ví chỉ yêu cầu xác thực bằng mật khẩu, khuôn mặt hoặc vân tay thay vì xác thực bằng OTP cho tất cả giao dịch. Vì thế người sử dụng tỏ ra lo lắng nhỡ bị mất điện thoại hoặc bị đánh cắp tài khoản thì đồng nghĩa với nguy cơ mất sạch tiền từ thẻ ATM, tài khoản ngân hàng.

Đánh giá về thực trạng phát triển, tổng giám đốc của một ví điện tử cho rằng, trong vài ba năm tới, sẽ chỉ còn khoảng 5 ví điện tử tồn tại được trên thị trường. DN muốn tồn tại được phải tạo sự khác biệt trong sản phẩm của mình, tạo được lưu lượng giao dịch lớn hoặc xây dựng một hệ sinh thái phù hợp. Điều quan trọng nữa là phải có tiềm lực tài chính mạnh. Muốn làm được điều này phải thông qua sáp nhập, hoặc rót vốn từ nhà đầu tư nước ngoài…

Gợi ý này cũng lý giải vì sao gần đây một số nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các ví điện tử của Việt Nam. Nhưng cuộc đua chiếm lĩnh thị phần ví điện tử mới chỉ bắt đầu, vẫn khó có thể nói ai sẽ hơn ai vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như công nghệ, tài chính, chiến lược marketing... Song, từ thực tế cho thấy, cuộc đua này không dành cho những người hành khất mà sẽ là của những ông lớn.

Tin Cùng Chuyên Mục