Vì sao nhiều siêu sao như Justin Bieber chi hàng triệu USD để mua tác phẩm nghệ thuật NFT?

Như Quỳnh

Bất chấp những hoài nghi, giá trị thị trường NFT vẫn tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt theo thời gian.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn tỏ ra thận trọng khi nói đến khái niệm NFT. Họ tỏ ra hoài nghi khi những bức ảnh hoạt hình đơn giản được bán với giá hàng triệu USD. Thế nhưng điều kì lạ là bất chấp mọi quan ngại, thị trường NFT vẫn tiếp tục trở nên lớn hơn mỗi ngày. 

Giá trị các NFT đắt nhất dường như không bao giờ sụt giảm. Tranh nghệ thuật NFT 'Bored Ape' được bán với giá 40 ether (khoảng 128.000 USD) vào 3 tháng trước nay được định giá ít nhất 80 ether (tương đương 241.000 USD). 

Triệu phú đầu tư công nghệ - Alexis Ohanian tặng NFT 'Cryptopunk' cho vợ Serena Williams - tay vợt huyền thoại người Mỹ. Ảnh: Twitter
Triệu phú đầu tư công nghệ - Alexis Ohanian tặng NFT 'Cryptopunk' cho vợ Serena Williams - tay vợt huyền thoại người Mỹ. Ảnh: Twitter

Các vật phẩm NFT cũng ngày càng phong phú, từ đất ảo, câu lạc bộ bóng đá giả tưởng đến vé hòa nhạc, trang phục,... Nhiều ngôi sao nổi tiếng hàng đầu thế giới cũng không thể làm lơ trước xu hướng này, có thể kể đến Justin Bieber, Snoop Dogg, Paris Hilton,...

Rất khó để nhận biết đâu là điều thực sự làm nên xu hướng NFT, vì vậy, hãy cùng quay lại thời gian một chút để tìm hiểu NFT là gì và được tạo nên nhằm mục đích nào? 

Không bị ràng buộc bởi thể chế

Trở lại năm 2014, một nghệ sĩ tên là Kevin McCoy và nhà tư vấn công nghệ Anil Dash đã nảy ra ý tưởng sử dụng “blockchain” - công nghệ cung cấp năng lượng cho bitcoin và các loại tiền điện tử khác - để xác minh và ghi lại quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.

Đây là thời điểm NFT ra đời, hứa hẹn về một hợp đồng thông minh, minh bạch, vĩnh viễn đi kèm với lịch sử giao dịch đầy đủ và đặc biệt là không thể sao chép. 

Hiện tại, bản thân Dash là một trong những người lên án NFT mạnh mẽ nhất. Ông cho rằng, các thương hiệu lớn đã chiếm lĩnh không gian NFT, thổi phồng giá trị vật phẩm NFT để thu lời trong khi nghệ sĩ thực thụ bị đẩy sang một bên. 

Anil Dash là đồng tác giả NFT, nhưng hiện là người phản đối kịch liệt trước cách thị trường NFT vận hành. Ảnh: Wikipedia. 
Anil Dash là đồng tác giả NFT, nhưng hiện là người phản đối kịch liệt trước cách thị trường NFT vận hành. Ảnh: Wikipedia. 

Thế nhưng nhà kinh tế học Canice Prendergast tại Đại học Chicago lại có suy nghĩ ngược lại. Ông chỉ ra, blockchain và NFT hữu ích với nghệ sĩ tự do, giúp họ bán trực tiếp tác phẩm của mình tới khách hàng mà không cần thông qua trung gian.

“Khi một phòng trưng bày bán cho bạn một bức ảnh và họ nói rằng, trên thế giới chỉ có 6 bản như vậy, bạn có thể tin vào điều đó nhờ danh tiếng của phòng trưng bày đảm bảo. NFT hoạt động tốt ngay cả khi bạn không có sự đảm bảo đó", ông nói.

Thế giới NFT hấp dẫn những người không thích bị ràng buộc bởi thể chế hoặc quy định. Bạn không cần làm việc với người quản lý hay bất kỳ ai để xin chứng chỉ xác nhận cho một tác phẩm nghệ thuật nào đó. 

“Đó là lý do tại sao có rất nhiều tin nhắn rác diễn ra trong không gian NFT. Blockchain cho phép giao dịch không cần trung gian và thư rác là một sự đánh đổi”, ông Prendergast nhận xét. 

Nghệ thuật tạo ra bởi AI 

Thế nhưng không phải NFT nào cũng được tạo ra bởi con người. Một số vật phẩm NFT được tạo ra bằng các thuật toán được bán theo số lượng lớn và gần như không có phong cách riêng. 

'Bored Apes' và 'Cryptopunks' là những NFT tạo ra bởi thuật toán. Có đến hơn 10.000 phiên bản 'Bored Apes' và 'Cryptopunks' được phần mềm tạo ra bằng cách thay đổi phụ kiện, kiểu tóc, nét mặt, giới tính... 

“Đây mới là điều làm tôi khó hiểu. Bạn không thể điều chỉnh nguồn cung một thứ gì đó không nổi bật. Một số (vật phẩm NFT do AI tạo nên) được bán với giá hơn một triệu USD. Có lẽ thị trường nghệ thuật NFT coi trọng sự mới lạ và "người đầu tiên" làm điều gì đó", ông Prendergast nhận định. 

Nhân vật chuột hoạt hình Mickey đã đem lại cho Disney hàng chục tỷ USD và các nhà sưu tầm NFT đang kỳ vọng mình sẽ được sở hữu "chuột Mickey trong thời đại mới". Ảnh: Disney.
Nhân vật chuột hoạt hình Mickey đã đem lại cho Disney hàng chục tỷ USD và các nhà sưu tầm NFT đang kỳ vọng mình sẽ được sở hữu "chuột Mickey trong thời đại mới". Ảnh: Disney.

“Có vẻ thị trường NFT đang cố gắng tạo ra chuột Mickey của thời đại này. Những người sưu tập cho rằng họ có thể là người sở hữu bản quyền đối với chuột Mickey tiếp theo”, Prendergast gợi ý.

Sức hấp dẫn của tính độc quyền

Tính độc quyền cũng là một trong những thứ làm nên sức hút của NFT. Chẳng hạn như khi mua 'Bored Apes', bạn sẽ trở thành thành viên câu lạc bộ du thuyền 'Bored Apes'. 

Là thành viên, người mua được hưởng các đặc quyền như tham gia các bữa tiệc ngoài đời thực, quyền mua hàng hóa và được tận hưởng cảm giác chung CLB với nhiều siêu sao, trong đó có diễn viên Gwyneth Paltrow, Eminem và Justin Bieber (những người này đã mua 2 vật phẩm 'Bored Apes'). 

Justin Bieber trở thành thành viên câu lạc bộ du thuyền 'Bored Apes' sau khi chi 1,29 triệu USD mua lại NFT chú khỉ này. Ảnh: Clout News.   
Justin Bieber trở thành thành viên câu lạc bộ du thuyền 'Bored Apes' sau khi chi 1,29 triệu USD mua lại NFT chú khỉ này. Ảnh: Clout News.   

Ở Hong Kong, các chủ sở hữu 'Bored Apes' còn thành lập một CLB "ưu tú" riêng biệt, nơi các thành viên giao lưu với nhau cũng như tạo ra các liên doanh kiếm tiền độc lập, như hợp tác với HolyShxxt !!, một công ty trò chơi NFT bóng đá giả tưởng.

"Việc này chẳng khác gì bạn đi máy bay riêng đến Art Basel và dự một bữa tiệc toàn VIP vậy", ông Prendergast nói.

Cộng đồng NFT

Không giống như nghệ thuật truyền thống, NFT có thể tạo nên một cộng đồng riêng nhờ nguồn cung lớn. 

"NFT có nguồn cung tổng thể rất lớn. Cơ chế này tương tự như các nền tảng truyền thông xã hội. Họ tăng quy mô thị trường nhằm tăng thu nhập. Càng nhiều người sử dụng Facebook, Facebook càng có giá trị đối với người dùng. Đó là nguyên lý cạnh tranh nền tảng. Thị trường nghệ thuật truyền thống không có tính chất đó và chỉ tung ra một lượng giới hạn các phiên bản". 

Prendergast cũng chỉ ra một khía cạnh khác khiến sự trỗi dậy của NFT là lời cảnh tính cho giới nghệ thuật truyền thống:

"Thị trường nghệ thuật truyền thống rất thờ ơ trước những rào cản gia nhập mà họ tạo nên. Các phòng trưng bày nghệ thuật thường tính 50% hoa hồng nên nếu bạn bán lại một tác phẩm mà bạn không còn thích nữa, bạn sẽ mất một nửa số tiền. Ngược lại, thị trường NFT rất thanh khoản, nếu không thích những gì bạn đã mua, bạn có thể bán lại với mức phí chỉ 2%." 

Tin Cùng Chuyên Mục