Vị tỷ phú Việt vì tình yêu mà bỏ dở nghiệp quan trường nhắn nhủ giới trẻ: Muốn làm giàu, Gan phải to!

Theo Bảo Bảo/Trí Thức Trẻ

"Kiến thức có, cơ hội có, nhưng gan nhỏ thì không làm giàu được", ông Dương Công Minh - sáng lập viên và cựu Chủ tịch Tập đoàn Him Lam chia sẻ. Từng thua lỗ phải bán nhà trả nợ, công cuộc lập nghiệp lần 2 của ông Minh được gây dựng trên dòng vốn vay nóng với lãi suất cao…

Xuất hiện trong lễ ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản thông minh Homehub.vn, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank, sáng lập viên kiêm cựu Chủ tịch Tập đoàn Him Lam – đã có nhiều chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp.

Vị tỷ phú Việt Nam vì yêu vợ mà bỏ dở nghiệp quan trường

Ông Minh mở đầu câu chuyện bằng câu cửa miệng người Việt hay nói: Có chí làm quan, có gan làm giàu.

Ông là người bước đầu hội tụ rất nhiều yếu tố phù hợp để làm quan: Gia đình cách mạng, có học vấn cao (ông Minh tốt nghiệp ĐH Kinh tế Kế hoạch – tức ĐH Kinh tế Quốc dân ngày nay), đi nghĩa vụ quân sự (ông mang hàm trung úy khi ra quân), và có "người đỡ đầu" - những điều kiện hết sức thuận lợi để theo nghiệp quan trường.

Tuy nhiên, điều kiện cần cuối cùng ông lại thiếu - ông rất yêu người vợ hiện tại, vốn là con của một quan chức chế độ cũ.

Vị tỷ phú Việt vì tình yêu mà bỏ dở nghiệp quan trường nhắn nhủ giới trẻ: Muốn làm giàu, Gan phải to! - Ảnh 1

"Người Việt Nam thời điểm đó ai cũng muốn làm quan, chưa ai muốn làm giàu. Chỉ khi đi làm quan không được nên mới đi làm giàu. Tôi rất yêu vợ tôi…", nhà sáng lập tập đoàn bất động sản Him Lam tâm sự.

Nghiệp "làm giàu" của ông bắt đầu từ đấy, bắt đầu bằng việc buôn xoài.

Ngày ấy xoài rất hiếm, xuất khẩu sang Pháp 1 năm chỉ được 5 - 10 tấn, nhưng nước bạn Trung Quốc nhập rất nhiều. Và ông bắt đầu "đánh" xoài sang Trung Quốc, năm đầu làm 2 - 3 xe, theo lời ông Minh kể lại là "làm 1 ăn 1".

Sang năm thứ 2, một người bạn của ông làm chung. Ông phụ trách tìm hiểu thị trường, người bạn phụ trách thu mua. Vị doanh nhân này tính đặt 10 xe, nhưng người bạn ông nhẩm tính: 1 xe lời 20 triệu đồng, 10 xe lời 200 triệu, 100 xe lời 2 tỷ.

"Thời điểm năm 1989, 2 tỷ là kinh khủng lắm", ông Minh kể. Trong khi ông Minh đặt hàng 10 xe, bạn ông vay tiền làm… 110 xe. Kết quả: 10 xe đầu xoài ngon, 100 xe sau toàn xoài non. Những quả xoài ấy cuống thì chín nhưng đầu trên vẫn còn xanh, khi chở đến nơi đã thối hết. Phi vụ ấy lỗ sạch, không còn chút vốn nào. Ông Minh phải bán nhà trả nợ.

Vị tỷ phú Việt vì tình yêu mà bỏ dở nghiệp quan trường nhắn nhủ giới trẻ: Muốn làm giàu, Gan phải to! - Ảnh 2

Ông Dương Công Minh nói chuyện về khởi nghiệp với vị khách mời nhà báo Đặng Như Tùng

Chuyện "có gan làm giàu" của ông chủ bất động sản: Thấy cơ hội là phải liều, cùng lắm là "âm" tài sản nhưng sẽ "dương bản lĩnh"

Thua lỗ tới mức bán nhà trả nợ, mà công cuộc bán nhà năm 1989 lại không đơn giản. Bán nhà phải qua môi giới thủ tục. Môi giới hồi ấy không như bây giờ, họ đòi phí rất cao. Một cái nhà mà mất tới 1/7 giá trị tài sản để làm thủ tục. Sau khi tính toán trừ hao, ông Minh thấy nếu đồng ý mức phí ấy thì không còn đủ tiền trả nợ, nên tìm cách tự đi làm.

"Tôi tự đi mày mò, đi hỏi bạn bè chỉ giúp rồi mình làm, và chi phí tự làm chỉ mất 1/10 giá dịch vụ ban đầu. Từ đấy, tôi nhìn thấy cơ hội, liền mở dịch vụ hợp thức hoá nhà đất", ông Minh kể.

Năm 1991, ông Minh khởi nghiệp lần 2. Thời điểm ấy, ông liều tới mức không có tiền phải đi vay, ông đã vay nóng lãi suất cao để lập nên một trung tâm dịch vụ nhà đất.

Khi chính sách dần nới lỏng, cho phép thành lập các công ty ngoài quốc doanh, năm 1994, ông Minh thành lập Him Lam - một trong những doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp ở TP HCM.

Đúc kết từ kinh nghiệm của mình, ông Minh cho rằng, khởi nghiệp ngoài kiến thức, thì điều quan trọng nhất là liều, tức gan phải to.

"Kiến thức có, cơ hội có, nhưng gan nhỏ thì không làm giàu được", ông Minh nhìn nhận.

"Thấy cơ hội chúng ta phải liều, không còn gì để mất cả, cùng lắm về "âm". Tuy âm về tài sản nhưng dương kiến thức, dương trình độ, dương kinh nghiệm, và cái lớn nhất là dương bản lĩnh, thì chúng ta sẽ làm nên. Đấy là có gan làm giàu".

Xuất phát điểm chỉ từ một công ty kinh doanh địa ốc nhỏ, nay Him Lam đã trở thành một trong những doanh nghiệp kinh tế tư nhân vững mạnh bậc nhất của Việt Nam, với 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết.

Ông Dương Công Minh trước tháng 1/2018 là Chủ tịch HĐQT tại 5 công ty, gồm: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt, và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đầu tháng 1/2018, ông Minh từ chức vị trí Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty, tập trung vào tái cơ cấu Sacombank.

Tin Cùng Chuyên Mục