Việt Nam đặt mục tiêu có 15 doanh nghiệp tư nhân vốn hóa 1 tỷ USD vào năm 2025

Giang Phạm

Mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không đạt được.

Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy 3 trong số 6 mục tiêu phát triển doanh nghiệp đề ra không đạt.

Các mục tiêu không đạt bao gồm: mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động, đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP (chỉ đạt 43%, trong khi mục tiêu là 48-19% GDP), đóng góp của khu vực tư nhân vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, Bộ cho biết giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động là 14,4%, trong khi mục tiêu phải đạt là 17,7%/năm. Tính đến 31/12/2019 cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động. Đến tháng 10/2020 có khoảng 795.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo Bộ, hiện nay số luỹ kế doanh nghiệp thành lập mới là trên 1 triệu, song số đóng cửa, rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 khiến xu hướng này tăng lên. Do đó, Bộ đánh giá mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 không đạt được. 

Tuy 50% chỉ tiêu không đạt được, song trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đặt mục tiêu lớn về phát triển khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân giai đoạn 2020-2025. Theo đó, cơ quan này muốn vào năm 2025, Việt Nam dự kiến có 15 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Con số này ở năm 2030 là 20 doanh nghiệp. Hiện Việt Nam chỉ có một vài doanh nghiệp tư nhân có số vốn hoá trên 1 tỷ USD như Vingroup, Masan…

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng, hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó vào giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động đạt khoảng 15%/năm. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn đặt mục tiêu chiếm khoảng 5-6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025 và đạt 8% vào năm 2030. 

Một số mục tiêu khác cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trong giai đoạn 10 năm tới là số doanh nghiệp tăng bình quân 15%/năm, tăng trưởng bình quân số lao động lên 6-8%/năm, bình quân thu nhập người lao động tăng 25 - 30%/năm. 

Để đạt mục tiêu đề ra, cơ quan này cho rằng, trước mắt, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động bởi dịch Covid-19, phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế…

Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị là điều quan trọng cần phát huy. Ngoài ra cũng cần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với công tác phát triển doanh nghiệp, thay thế những cán bộ, công chức yếu kém...

Tin Cùng Chuyên Mục