Vietjet muốn mở sàn TMĐT bán mọi thứ từ bảo hiểm đến dịch vụ tài chính, mục tiêu trở thành "Hãng hàng không tiêu dùng"

Theo Gia Vũ/Trí Thức Trẻ

Vietjet đặt mục tiêu triển khai dịch vụ trong vòng 2 năm.

Vietjet muốn mở sàn TMĐT bán mọi thứ từ bảo hiểm đến dịch vụ tài chính, mục tiêu trở thành
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet

Theo thông tin từ Nikkei, hãng hàng không giá rẻ Vietjet vừa tiết lộ kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử bán tất cả mọi thứ, từ hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính. Động thái này của Vietjet được cho là giống hãng hàng không AirAsia của Malaysia trong việc tìm kiếm phương thức mới để tạo ra lợi nhuận từ dữ liệu khách hàng.

AirAsia nhắm tới việc thiết lập một nền tảng du lịch và fintech trực tuyến chủ yếu thông qua các công ty con. Hãng đang đầu tư 20 triệu USD mỗi năm cho nỗ lực đa dạng hóa của mình.

Trong khi đó, Vietjet đặt mục tiêu triển khai dịch vụ trong vòng hai năm và hợp tác với các ngân hàng, khách sạn cùng nhiều công ty khác. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ con số chính xác sẽ đầu tư cho kế hoạch sắp tới.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, các hãng hàng không giá rẻ đang có xu hướng tìm cách tận dụng dữ liệu phong phú của họ để mở rộng phạm vi ra ngoài du lịch và xâm nhập sâu hơn vào nhiều lĩnh vực đời sống thường ngày của người tiêu dùng.

Bà Bình chia sẻ với Nikkei Asian Review: "Theo khái niệm của chúng tôi về ‘Hãng hàng không tiêu dùng’, chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử để phục vụ không chỉ vé máy bay mà bất cứ thứ gì khách hàng cần. Tất cả các nhà cung cấp và đối tác sẽ tham gia nền tảng để phục vụ sản phẩm cho không chỉ 30 triệu khách hàng của chúng tôi mà là hàng trăm triệu khách hàng tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới".

Theo bà Bình, nền tảng này sẽ bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính cũng như khách sạn và hàng tiêu dùng… Ý tưởng là để các công ty đối tác trong những lĩnh vực trên tham gia nền tảng của Vietjet và sử dụng công nghệ blockchain để chia sẻ giao dịch lẫn nhau một cách thuận lợi hơn. Hãng cho biết họ đã đàm phán với một số công ty về kế hoạch này.

Bà Bình nói rằng đối tượng mục tiêu hiện tại là tập khách hàng của hãng, số lượng dự kiến sẽ đạt 30 triệu người trong năm nay, tăng 30% so với năm 2018. Tuy nhiên, bà Bình tin rằng sau hai năm nữa, hành khách sẽ không phải là những người duy nhất sử dụng nền tảng của Vietjet. Bà tiết lộ: "Chúng tôi đang tích hợp với các công ty từng bước để làm cho hệ thống phong phú hơn".

Vietjet đang nỗ lực tăng doanh thu phụ trợ đến từ việc bán sản phẩm và dịch vụ không liên quan đến vé máy bay do chi phí nhiên liệu tăng gây áp lực lên hoạt động kinh doanh vận tải cốt lõi. Trong quý đầu của năm tài chính 2019, tổng doanh thu du lịch hàng không của công ty đã tăng 28%, trong đó riêng doanh thu phụ trợ tăng 45%.

Nền tảng của Vietjet đã bắt đầu có những bước đi đầu tiên. Tháng trước, hãng hợp tác với công ty Tài chính HD Saison (Công ty liên doanh giữa HD Bank và tập đoàn tài chính Nhật Bản Credit Saison) triển khai sản phẩm cho vay trả góp vé máy bay với khoản vay từ 2 triệu đồng đến 15 triệu đồng mà không cần phải trả trước hay chứng minh thu nhập cá nhân.

AirAsia dự định mở rộng dịch vụ trực tuyến và đặt mục tiêu vận chuyển hơn 100 triệu hành khách trong năm nay. Động lực của họ cũng tương tự như Vietjet: Bảo đảm các nguồn doanh thu thay thế khi lợi nhuận giảm trong bối cảnh chi phí nhiên liệu và cạnh tranh tăng cao. Đầu năm nay, CEO Tony Fernandes của Air Asia cho biết ông có kế hoạch đầu tư 24,6 triệu USD mỗi năm để biến AirAsia thành một công ty dẫn đầu về công nghệ.

Ngày 1/7 vừa qua, bà Bình đã có mặt tại Tokyo để thông báo ra mắt hai đường bay mới: Hồ Chí Minh – Tokyo và Đà Nẵng – Tokyo. Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều quan chức cao cấp của Nhật Bản.

Kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2011, Vietjet Air đã phát triển nhanh chóng. Hiện hãng đang khai thác 119 đường bay trong nước và quốc tế với đội bay gần 80 máy bay. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% đã khiến người dân chi nhiều tiền cho du lịch hơn.

Tuy nhiên, cạnh tranh đang ngày càng nóng lên. Đầu năm nay, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và người chơi mới Bamboo Airways đều tiết lộ kế hoạch khai thác đường bay thẳng đến Mỹ.

Khi được hỏi về dự định liên quan đến vấn đề này, bà Bình cho biết Vietjet đang tập trung vào thị trường nội địa và châu Á, "nơi chúng tôi đã phục vụ một nửa dân số thế giới". Mặc dù vậy, hãng cũng đang nghiên cứu tính khả thi của việc hoạt động bên ngoài châu Á với một đội bay phù hợp để phục vụ các tuyến đường dài.

Tháng 2 vừa qua, Vietjet đã mua thêm 100 máy bay Boeing 737 Max, dòng máy bay liên quan đến hai vụ tai nạn chết người kể từ tháng 10 năm ngoái. Bà Bình cho biết công ty vẫn đang chờ phản hồi chính thức từ Boeing và chính quyền Mỹ cũng như Việt Nam về việc khi nào dòng máy bay này có thể hoạt động trở lại. Bà cho biết thêm rằng Vietjet cũng sẽ nhận máy bay từ Airbus và một số công ty cho thuê quốc tế khác.

Tin Cùng Chuyên Mục