Vingroup tái cơ cấu bán lẻ để tập trung công nghiệp - công nghệ: Những mảng này vốn có tầm vóc như thế nào trong tập đoàn?

Dạ Hành (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý 3/2019, kinh doanh bán lẻ đóng góp lớn thứ 2 cho Vingroup chỉ sau bất động sản. Trong khi đó, mảng sản xuất dù mới phát sinh cũng ghi được những con số ấn tượng, đứng thứ 4 trong cơ cấu doanh thu.

Gần đây, Vingroup gây xôn xao khi nhượng lại VinMart, VinMart+, VinEco cho tập đoàn Masan; kế đó sáp nhập nội bộ trang thương mại điện tử Adayroi.com vào VinID, hướng tới mô hình "New Retail". Cuối cùng, tập đoàn cũng quyết định giải thể hệ thống siêu thị điện máy VinPro. Qua đó, Vingroup chính thức rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho Công Nghiệp – Công nghệ.

Vingroup tái cơ cấu bán lẻ để tập trung công nghiệp - công nghệ: Những mảng này vốn có tầm vóc như thế nào trong tập đoàn? - Ảnh 1

 

Khẳng định chiến lược rõ ràng như vậy nên không hề có những thông tin lăn tăn về mảng bán lẻ không đạt được thành tích như Vingroup kỳ vọng. Trên thực tế, đây là mảng đem về doanh thu lớn thứ 2 trong tập đoàn, chẳng những không lỗ mà có lợi nhuận top đầu cả nước.

Trong quý III/2019 doanh thu từ bán lẻ đã đạt 7.780 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Mạng lưới bán lẻ không ngừng được mở rộng. VinMart, VinMart+ và VinPro nâng tổng số siêu thị và cửa hàng trên toàn hệ thống lên gần 2.600 cửa hàng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.

Vingroup tái cơ cấu bán lẻ để tập trung công nghiệp - công nghệ: Những mảng này vốn có tầm vóc như thế nào trong tập đoàn? - Ảnh 2

  Cơ cấu doanh thu của Vingroup quý III/2019

Ngoài ra, CafeF chỉ ra nhiều giao dịch tài chính của Vincommerce (chủ lực mảng bán lẻ) đã không được tính vào kết quả kinh doanh của mảng này trên báo tài chính hợp nhất của Vingroup, dẫn đến sự khác biệt rất lớn giữa lợi nhuận trên báo cáo tài chính của Vincommerce với lợi nhuận của mảng bán lẻ.

Theo báo cáo bộ phận, mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup năm 2018 lỗ hơn 5.000 tỷ nhưng báo cáo tài chính của Vincommerce lại cho thấy doanh nghiệp này lại có lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 8.200 tỷ và 7.600 tỷ đồng. Kết quả này đã đưa Vincommerce đứng trong top những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất cả nước cũng như bù được hết lỗ lũy kế của các năm trước.

Vingroup tham gia vào thị trường bán lẻ từ cuối năm 2014 với việc mua lại hệ thống Ocean Mart từ Ocean Group. Trong 5 năm qua, Vincommerce đã kết hợp cả việc tự mở mới hệ thống cũng như mua lại một loạt doanh nghiệp trong ngành như Maximark, Fivimart, Zakka hay Shop & Go để trở thành nhà bán lẻ đứng đầu về quy mô. Đến tháng 11/2019, Vincommerce đã xây dựng hệ thống bán lẻ có độ phủ lớn nhất tại Việt Nam với 115 siêu thị VinMart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên khắp cả nước.

VinFast cũng có doanh thu ấn tượng, muốn hiện thực hóa giấc mơ thương hiệu toàn cầu

Từ hồi tháng 5/2019, tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết: Vingroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp thông qua việc khởi công nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast và tiếp đó là điện thoại thông minh Vinsmart.

Tập đoàn này chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ từ tháng 8/2018. Ngay sau đó, VinFast đã làm chủ được các công nghệ phức tạp và đưa 3 mẫu ô tô, 2 mẫu xe máy điện ra thị trường.

Vingroup tái cơ cấu bán lẻ để tập trung công nghiệp - công nghệ: Những mảng này vốn có tầm vóc như thế nào trong tập đoàn? - Ảnh 3

  Nhà máy VinFast

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý 3/2019 của Vingroup cũng phản ánh định hướng của tập đoàn. Sản xuất đã là hoạt động có doanh thu cao thứ 4 trong quý gần nhất. Theo đó, mảng này mang về cho Vingroup hơn 2.119 tỷ đồng, chiếm 7% tổng doanh thu quý 3. Mức doanh thu từ sản xuất xấp xỉ các mảng cho thuê bất động sản đầu tư và dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí - vốn là hai lĩnh vực quan trọng đã gắn bó với Vingroup từ lâu.

Ở một khía cạnh khác, sản xuất đang chịu lỗ hơn 657 tỷ đồng trong khi có nhiều mảng lãi đậm. Tuy nhiên, điều này cũng nằm trong tính toán của Vingroup khi thay đổi chiến lược và cơ cấu kinh doanh.

Mới đây, chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng một lần nữa chia sẻ với Bloomberg: VinFast sẽ không có lãi trong 5 năm, thị trường nội địa quá nhỏ và bán hàng ra thị trường nước ngoài là chìa khóa mang lại lợi nhuận. Vị doanh nhân dự định bỏ tiền túi 2 tỷ USD để đưa ô tô VinFast ra thị trường khó tính nhất thế giới - nước Mỹ.

Vingroup tái cơ cấu bán lẻ để tập trung công nghiệp - công nghệ: Những mảng này vốn có tầm vóc như thế nào trong tập đoàn? - Ảnh 4

 Vingroup đã sẵn sàng "thắt lưng buộc bụng", thoái vốn khỏi một số mảng kinh doanh để dồn tiền cho VinFast

Chiếc xe điện đầu tiên của VinFast dự kiến được lắp ráp từ cuối năm 2020, nhưng Chủ tịch Vingroup cho biết dự kiến xuất khẩu những chiếc xe này sang Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021.

Vingroup sẽ thoái vốn khỏi những mảng khác để dồn tiền cho VinFast, đồng thời những công ty con khác đang được yêu cầu giảm chi phí. VinFast cũng sẽ tìm cách vay thêm bên cạnh khoản vay khoảng 1,95 tỷ USD. Ông Vượng cho biết dự kiến niêm yết VinFast trên một sàn chứng khoán ở Việt Nam và có thể ở nước ngoài.

Tin Cùng Chuyên Mục