VNPT lãi 2.390 tỷ đồng nửa đầu năm 2019

Theo Thanh Long/VietnamFinance

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của công ty mẹ - VNPT đạt 22.300 tỷ đồng, lãi phát sinh là 2.390 tỷ đồng.

VNPT lãi 2.390 tỷ đồng nửa đầu năm 2019 - Ảnh 1

 

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây đã có văn bản báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình tài chính quý II/2019 của tập đoàn.

Phía VNPT cho biết, quý II/2019, công ty mẹ - VNPT đạt tổng doanh thu 11.930 tỷ đồng, lãi phát sinh là 1.190 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của công ty mẹ - VNPT đạt 22.300 tỷ đồng, lãi phát sinh là 2.390 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty mẹ - VNPT ở mức 79.138 tỷ đồng, tăng 0,36% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 63.534 tỷ đồng, tăng 0,44%.

Ở một diễn biến khác, chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 17 của Đảng Bộ khối doanh nghiệp trung ương diễn ra ngày 26/7 vừa qua, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết VNPT không vướng nhiều về vốn như một số tập đoàn khác, hầu nhưkhông phải đi vay ngân hàng nhưng trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu mà Thủ tướng chính phủ phê duyệt, VNPT gặp phải một số khó khăn.

Thứ nhất là việc thay đổi các quy định văn bản pháp luật. Theo quy định cũ, VNPT đã hoàn thành khoảng 95% hồ sơ của 4.270 bất động sản trên toàn quốc. Tuy nhiên sau khi có quy định mới, tập đoàn phải làm lại toàn bộ số hồ sơ này.

Văn bản mới của Bộ Tài Chính yêu cầu liệt kê cả các doanh nghiệp mà VNPT có góp vốn. "Điều bất cập ở chỗ, nếu Tập đoàn chỉ góp 10% vốn mà đòi hỏi công ty đó phải nộp toàn bộ hồ sơ đất đai giấy tờ của họ là điều rất khó, ông Hùng cho biết.

Thứ hai là vấn đề thoái vốn các đơn vị ngoài ngành. Ông Hùng cho biết các đơn vị thoái vốn gần như không muốn rút ra khỏi tập đoàn bởi thương hiệu VNPT giúp họ kinh doanh tốt. Trước khi đưa vào danh mục thoái vốn thì giá của các đơn vị này trên 1, sau khi đưa vào danh mục thì giá giảm chỉ còn khoảng 0,3. Như vậy việc thoái vốn nếu diễn ra sẽ khó bảo toàn vốn.

Thứ ba là thủ tục hành chính phức tạp trong việc tăng giảm vốn điều lệ của các đơn vị trong danh sách không thoái vốn. Chủ tịch VNPT cho hay việc tăng giảm vốn điều lệ hoặc hoạt động mua bán - sáp nhập cũng phải làm rất nhiều thủ tục.

Đôi khi việc mua bán sáp nhập các công ty start-up với giá vài chục tỷ đồng nhưng phải làm thủ tục trình xét duyệt, khiến các doanh nghiệp nhà nước khó đuổi kịp doanh nghiệp tư nhân. Ông Hùng nhấn mạnh VNPT hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực mà các cơ hội đi qua rất nhanh, đầu tư sớm mới có được giá trị cao.

Tin Cùng Chuyên Mục