Vốn FDI đổ vào thành phố vệ tinh kéo theo làn sóng đầu tư khách sạn

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Sự gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là vốn đổ vào các thành phố vệ tinh quanh Hà Nội, TPHCM cùng các thành phố mới nổi như Bình Dương, Cần Thơ, Hải Dương đã kéo theo cơ hội cho các nhà đầu tư khách sạn. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tiếp cận thị trường này.

Các đô thị vệ tinh là vùng đất hứa

Cũng như tình hình chung của thế giới, hoạt động của mảng khách sạn Việt Nam đang đình đốn vì đại dịch. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến hết năm ngoái, khoảng 1/5 số khách sạn trên toàn quốc phải đóng cửa, 1/3 hoạt động cầm chừng, công suất phòng bình quân chỉ đạt từ 20-25%.

Một góc thành phố Cần Thơ. Ảnh: Đào Loan
Một góc thành phố Cần Thơ. Ảnh: Đào Loan

Cho đến hiện tại, tình hình vẫn rất khó khăn nhưng một số nhà quản lý, đầu tư khách sạn đã phát hiện những phân khúc đầu tư mới, đầy hứa hẹn. Trong đó, có cơ hội phát triển tại các thành phố thứ cấp, bao gồm các vùng công nghiệp cũng như các địa điểm nghỉ dưỡng mới phù hợp với khách hàng gia đình.

Theo bà Serena Lim, Phó chủ tịch phụ trách phát triển, IHG Hotels & Resorts, khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, tập đoàn có kế hoạch tăng số lượng dự án tại Việt Nam thêm 50% trong vòng 2 năm tới.

Kế hoạch phát triển của IHG là sẽ tập trung vào những thành phố vệ tinh quanh thủ đô Hà Nội, TPHCM, đặc biệt là các thành phố có các khu công nghiệp lớn như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Thêm vào đó là những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng mới như Hòa Bình, Sầm Sơn - Thanh Hóa, Quy Nhơn cũng sẽ là các địa điểm được nhắm đến.

"Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, đặc biệt là vào các khu đô thị vệ tinh tăng trưởng cao sau đại dịch Covid-19 là cơ hội cho các nhà đầu tư, quản lý khách sạn. Chúng tôi nhắm vào lượng khách là chuyên gia cùng phân khúc khách hội họp tại đây", bà nói trong buổi trao đổi của một số nhà quản lý cấp cao của IHG và cùng báo chí Việt Nam. Buổi họp kết hợp giữa hình thức trực tiếp tại TPHCM và trực tuyến với đầu cầu Singapore.

Theo đó, với tốc độ tăng trưởng của khách trong nước và khách hàng quốc tế trong tương lai, đặc biệt là phân khúc khách hàng trung cấp, IHG sẽ tập trung những thương hiệu như Holiday Inn Resort hoặc Holiday Inn Express ở những thành phố vệ tinh.

Tập đoàn cũng thấy tiềm năng lớn để mở rộng thương hiệu Crowne Plaza tại các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành như Bình Dương, Cần Thơ, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.

Trao đổi với KTSG Online, một số nhà đầu tư cũng cho rằng, các thành phố công nghiệp vệ tinh cùng các tỉnh, thành lân cận hai trung tâm có nguồn du khách lớn nhất cả nước là TPHCM và Hà Nội đang mang lại hứa hẹn cho mảng khách sạn.

Trong dịch Covid-19, cứ mỗi lần dịch tạm yên là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng gần những trung tâm có thể đón khách ngay thậm chí kín phòng nhờ dòng khách du lịch tự túc, ngắn ngày. Một số nhà đầu tư cho rằng, xu hướng này sẽ không chỉ diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh mà còn trong thời gian tới nên đã bắt đầu đầu tư vào các địa điểm này.

"Chúng tôi đang chuẩn bị để khởi công khu nghỉ dưỡng núi tại Pù Luông, Thanh Hóa vào tháng tới", ông Phạm Hà, CEO của Tập toàn Lux Group nói.

Thị trường chung đã chuyển động

Trao đổi về tình hình chung của mảng kinh doanh khách sạn tại Việt Nam, nhiều doanh nhân cho rằng sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian dài sắp tới nhưng đây vẫn là mảng đầy hứa hẹn. Hiện tại, nhiều khách sạn, đặc biệt là khách sạn ở các điểm du lịch biển như Đà Nẵng, Phan Thiết, Phú Quốc đang mở cửa trở lại để phục vụ khách nội địa.

Với những khách sạn ở các thành phố lớn, tuy tình hình có khó khăn hơn vì phần lớn doanh thu phụ thuộc vào thị trường quốc tế hiện vẫn còn đóng cửa nhưng nếu biết thay đổi để tiếp cận tốt hơn với phân khúc khách hàng mới thì tình hình kinh doanh cũng không đến nỗi quá bi đát.

Ông Colin McCandless, Giám đốc IHG Hotels & Resorts, Khu vực phía Nam của Việt Nam và Lào, cho biết tập đoàn này khách sạn quốc tế này đã chuyển hướng mạnh mẽ sang thị trường nội địa. Hàng loạt thay đổi đã được thực hiện để phục vụ khách hàng trong nước như thay đổi thực đơn ở các nhà hàng, các chương trình quảng bá bằng tiếng Việt, chính sách giá - chính sách hủy hoãn linh hoạt...

Nhờ đó, trong những tháng trước đợt bùng phát Covid-19 trước tết Nguyên Đán 2021, tập đoàn ghi nhận nhiều hoạt động, hội họp, MICE (du lịch kết hợp tham gia các sự kiện). Trong đó, có nhiều cuộc họp diễn ra với quy mô lớn, kết hợp hình thức trực tiếp và gián tiếp.

"Chúng tôi tập trung vào các chiến lược tiếp thị để mang lại nguồn doanh thu trực tiếp cho khách sạn", ông nói và cho biết IHG có 13 khách sạn với 3.700 phòng tại Việt Nam. Hiện tại, tất cả các khách sạn đều đã hoạt động trở lại.

Cũng theo ông McCandless, tập đoàn hiện có những chương trình cho các cuộc họp nhỏ, cho khách lưu trú dài hạn ở khối căn hộ cùng các chương trình tổ chức đám cưới, chương trình nghỉ dưỡng dành cho gia đình nhiều thế hệ và cố gắng giữ tệp khách hàng là doanh nghiệp và khách lưu trú dài hạn ở TPHCM và Hà Nội.

Chẳng hạn, khách sạn InterContinental Saigon có điểm sáng ở khối căn hộ dịch vụ, nhờ tập trung vào nhóm khách ở dài hạn nên có doanh thu không chỉ đến từ dịch vụ phòng ở mà còn từ các loại hình dịch vụ khác.

Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, du lịch Việt Nam đang phục hồi. Căn cứ vào tình hình hiện tại, có thể đánh giá, du lịch nội địa trong năm nay sẽ bằng với năm 2019. Năm 2019 là thời điểm du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ, với 85 triệu lượt khách.

"Có thể thấy xu hướng tăng trưởng rõ ràng trong 3 tuần gần đây. Cuối tuần, các khách sạn của chúng tôi bắt đầu đầy hơn", ông nói vào hôm nay (20-3), tại Hội nghị Phụ hồi, thúc đẩy, Phát triển Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, trong 2 tuần gần đây một số khách sạn, đặc biệt là khách sạn ở Phan Thiết, Châu Đốc, Mai Châu... kín phòng vào cuối tuần.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục