Vốn FDI rót vào ngành năng lượng tái tạo tăng 38 lần so với 5 năm trước

Ngọc Trìu

Riêng năm 2020, các tập đoàn nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện 5,1 tỷ USD.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, năm 2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đạt 5,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn tất cả các lĩnh vực. Con số này cũng cao gấp 38 lần so với 5 năm trước. 

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay lên 130.000 MW vào năm 2030. Như vậy, trong 10 năm tới sẽ có 83.000 MW nguồn điện mới cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành, cùng với đó là cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. 

Vốn FDI rót vào ngành năng lượng tái tạo tăng 38 lần so với 5 năm trước - Ảnh 1

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021; 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt này, ước tính từ nay đến 2030 sẽ cần trên 12 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn điện mới. Trong đó, Việt Nam trong giai đoạn này sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… và giảm dần sự phụ thuộc vào thủy điện, nhiệt điện...

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá, nhu cầu lớn đã là lực hút đối với các nhà đầu tư về các dự án năng lượng tái tạo. Có thể kể đến các dự án lớn như nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG tỉnh Bạc Liêu, có công suất thiết kế 3.200 MW, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư...

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP-Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận cũng ký biên bản ghi nhớ về dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD.

Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn, công ty lớn Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc xu hướng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Một số tên tuổi lớn như Tập đoàn Hà Đô, T&T Group, Xuân Cầu Holding, Trung Nam Group...

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả Rập Xê-út... 

Tin Cùng Chuyên Mục