“Vua mít” Việt Nam: “Tôi không ăn động vật có chân”

Theo Tổ Quốc

Theo ông Lâm Viên, động vật có chân thì thân nhiệt cao hơn con người. Các loại thịt này khi đi vào trong cơ thể, giống như cho vào tủ lạnh.

Chào ông, một ngày của ông diễn ra như thế nào?

Tôi dậy sớm. Hàng ngày, tôi tập thể dục khoảng 60 phút và nghỉ trưa lúc 12 giờ. Ngày xưa tôi hay "lướt" qua 12 giờ nhưng nay không làm như vậy nữa. 2 giờ chiều tôi làm việc lại, 6 giờ chiều tôi nghỉ và ngủ lúc 10 giờ đêm.

Tôi quan niệm phải ăn đúng, uống đúng, ngủ đúng, kiểm soát được bài tiết, vận động của mình để tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan. Như vậy cuộc sống mới cân bằng được. Nếu không ăn đúng, ngủ đúng, hít không khí đúng thì sẽ làm những điều không đúng.

Nhiều doanh nhân kinh doanh rất giỏi, nắm bắt cơ hội rất giỏi nhưng lại rất tệ với bản thân. Đến khi thành công thì cơ thể hỏng hết, sức khỏe đã bị đốt hết vì làm việc thâu đêm suốt sáng, vì quên ăn quên uống. Cái giá đó là ngã gục sau khi tỉnh đòn.

“Vua mít” Việt Nam: “Tôi không ăn động vật có chân” - Ảnh 1

Là doanh nhân giỏi thì phải quản trị sức khỏe của mình giỏi. Mình không quản trị được vận động, ăn uống, thở thì mình giỏi ở chỗ nào?

Trong con người của mình có hệ sinh vật đường ruột, mình đang nuôi trăm nghìn tỷ con. Nếu mình chối bỏ nó thì mình đang đi nuôi nhóm khác là ký sinh trùng, nhóm thích hóa học trong đó. Đó là vì sao tôi làm hữu cơ và hiểu để quản trị bản thân mình trước. Sau đó, giúp anh em ý thức để quản trị bản thân, biết ăn những thứ nuôi vi sinh vật tốt.

Ông có kiêng món gì không?

Tôi gần giống người ăn chay. Hàng ngày, tôi ăn ăn trái cây, rau cùng một ít cơm, thêm mẩu cá nhỏ nếu cảm thấy cần đạm.

Tôi không ăn động vật có chân vì theo quan niệm của tôi, động vật có chân thì thân nhiệt cao hơn con người. Nhiệt độ cơ thể của loại hai chân như gà, vịt cũng lên tới 39 độ trong khi thân nhiệt con người là 36-37 độ. Các loại thịt trên khi đi vào trong cơ thể, giống như cho vào tủ lạnh.

Đương nhiên, người vận động thì cần ăn thịt vì thức ăn này chuyển hóa chậm. Cơ thể người vận động nóng lên có thể đun chảy các loại thịt. Còn mình vận động không nhiều thì ăn thịt nhiều sẽ nằm nguyên, không chuyển hóa được. Ăn gì phải chuyển hóa hết mới đúng. Chất không tiêu hóa được sẽ tích tụ thành chất bã khiến hiện tượng táo bón xảy ra. Khối ruột sẽ xuất hiện pô líp và là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư.

Sau 3-4 năm thực hiện chế độ ăn như trên, tôi đã giảm được 10 kg, hết bao tử, hết trĩ, giảm đường và gan hết nhiễm mỡ.

Loại thức ăn nào ông đặc biệt thích?

Đó là những loại trái có enzyme. Thơm (quả dứa) vừa có enzyme, vừa có chất xơ, Vitamin mà nhóm lợi khuẩn rất thích. Sau đó là chuối, đu đủ, bưởi…

Nhiều người nhận xét rằng ông Nguyễn Lâm Viên luôn luôn điềm tĩnh. Điều gì giúp ông có được trạng thái như vậy?

Khi nghiên cứu về hữu cơ, tôi ngộ ra rằng, mọi thứ cần có sự sống, cần cẩn trọng với việc tiêu diệt sự sống. Phải biết phát triển hệ sinh thái của sự sống thì mới tạo ra sức khỏe.

Điều này trùng với triết lý sống của tôi và trở thành phương pháp luận cho mọi lý luận của tôi. Tôi nhìn gì cũng trên phương pháp luận đó để xác định mọi thứ một cách chi tiết.

Nông nghiệp là vì sự sống. Ví dụ, khi thấy sâu thì đừng hoang mang, đừng hốt hoảng. Dù nó là tốt hay xấu thì đó cũng là sự sống và đó là sự cộng sinh. Con này sẽ là thức ăn của con khác. Khi con xấu xuất hiện thì trong thiên nhiên sẽ có con thích ăn con xấu này. Khi con xấu bị tiêu diệt nhiều, con tốt cũng sẽ giảm xuống vì ít thức ăn.

Đó là sự cân bằng của trời đất, nên đừng hoảng sợ. Khi bị như vậy, thì nên nghĩ cách làm sao để cộng sinh. Chẳng hạn, thấy chuột nhiều thì nghĩ đến con gì làm chuột sợ, có thể là rắn mối. Khi có phương pháp luận, thì sẽ tìm được cách hóa giải những khó khăn.

Tại sao con người lại hốt hoảng? Thất bại là bước để chúng ta sắp sửa thành công. Nếu nhìn nhận tỉnh táo, nên chuẩn bị để đón nhận thành công mới, hơn là chăm chú vào che giấu sự thất bại, gượng gạo với sự thất bại mà quên đi chuyện đang đón nhận cơ hội mới.

Có rủi ro gì thì thành thật với người thân, với người liên quan đến mình. Khi mình không nói ra thì mình không còn che giấu. Mình sẽ bình tĩnh đón nhận cơ hội khác.

Ông có lời khuyên nào cho thế hệ doanh nhân trẻ để có sự điềm tĩnh và sức khỏe tốt?

Bình tĩnh khi lâm nguy và bình thản khi thành công. Nếu mình thành công một chút, đã nổi đình nổi đám, coi trời bằng vung, khinh thường mọi người… thì điều đó sẽ khiến mình xấu hổ khi thất bại.

Cuộc đời không bao giờ tự hào mãi được. Khi đứng trên đỉnh núi thì phía trước là vực và phía sau cũng là vực. Nên càng đứng trên đỉnh núi thì đừng ngạo mạn. Phía sau bị kéo thì cũng xuống vực thẳm. Phía trước bị đạp thì cũng rơi xuống vực thẳm mà thôi.

“Vua mít” Việt Nam: “Tôi không ăn động vật có chân” - Ảnh 2

Nên phải bình thản ở vị trí đó, khiêm tốn hơn và tìm ngọn núi khác để leo tiếp. Đứng trên ngọn là nguy hiểm. Hoặc lùi lại để leo lên ngọn núi khác. Hãy luôn luôn học hỏi, khiêm tốn.

Thứ hai, là lãnh đạo giỏi thì phải quản trị bản thân. Nhà quản trị giỏi là nhà quản trị phải biết điều khiển những thứ thuộc về bản thân. Đừng chờ đến lúc mình rảnh rồi, mình cần phải nghỉ ngơi để thụ hưởng thì lúc đó không còn cơ hội nữa vì bệnh tật.

Tôi từng uống thuốc rất nhiều, từng làm thâu đêm, thức khuya, dậy sớm, đam mê công việc quên cả vợ con. Sự lắng nghe và tự chữa lành cho mình, làm sao để khơi dậy khả năng tự chữa lành cho mình là rất quan trọng. Khi khỏe thì con người hay ỷ có sức khỏe. Đam mê công việc là đúng nhưng phải lắng nghe cơ thể.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục