Vừa thoát án phạt 15 tỷ USD, Apple lại đối diện nguy cơ bị phạt 26 tỷ USD

Dân Trí

Apple, Google, Amazon… và nhiều hãng công nghệ khác đang phải đối mặt với cơ bị phạt tại châu Âu, với số tiền phạt lên đến 10% tổng doanh thu trên toàn cầu của các công ty trong năm 2019.

Năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Apple được chính phủ Ireland ưu đãi thuế một cách thiếu công bằng và buộc Apple phải nộp bổ sung số tiền thuế 15 tỷ USD cho Ireland.

Tuy nhiên, cách đây ít ngày, tòa sơ thẩm châu Âu đã đưa ra phán quyết rằng Ủy ban châu Âu không có đủ bằng chứng về cáo buộc nhằm vào Apple, tức là “quả táo” sẽ không phải nộp bổ sung số tiền thuế 15 tỷ USD.

Vừa thoát án phạt 15 tỷ USD chưa lâu, Apple lại đối mặt nguy cơ bị phạt 26 tỷ USD tại châu Âu
Vừa thoát án phạt 15 tỷ USD chưa lâu, Apple lại đối mặt nguy cơ bị phạt 26 tỷ USD tại châu Âu

Chưa vui mừng được bao lâu, nhiều khả năng Apple sẽ phải đối mặt với một án phạt mới từ châu Âu, nhưng lần này số tiền phạt có thể lên đến 26 tỷ USD. Đáng chú ý, không chỉ Apple mà Google, Amazon và nhiều hãng công nghệ khác cũng đối mặt với nguy cơ bị phạt.

Theo đó, cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu tiến hành điều tra nhằm vào Apple, Google, Amazon và các công ty khác đang sở hữu các trợ lý ảo của riêng mình cũng như các công ty đang sản xuất các sản phẩm nhà thông minh.

Margrethe Vestager, Ủy viên của ủy ban chống độc quyền của EU cho biết cuộc điều tra sẽ nhắm vào lĩnh vực Internet cho vạn vật (Internet of Things) để nhằm đảm bảo rằng người dùng không bị hạn chế trong một hệ sinh thái duy nhất. EU lo ngại rằng các hãng công nghệ lớn có thể lạm dụng quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình để thao túng thị trường, giảm sự cạnh tranh và chuyển sang độc quyền.

Thông qua các trợ lý ảo độc quyền của riêng mình, như Siri của Apple hay Google Assistant của Google… các hãng công nghệ lớn có thể ưu tiên và nhắm người dùng đến những dịch vụ mà mình muốn, hạn chế khả năng tương tác của người dùng và làm mất đi khả năng cạnh tranh của các đối thủ.

Vestager nêu ví dụ minh họa về trường hợp của Amazon, khi công ty có thể sử dụng trợ lý ảo Alexa của mình để thu thập dữ liệu về thói quen của người dùng và điều này sẽ giúp Amazon tạo được lợi thế cho lĩnh vực bán lẻ của hãng. Hay Google thông qua trợ lý ảo Assistant của mình có thể gợi ý người dùng mua hàng tại những công ty đã trả tiền quảng cáo cho Google, thay vì những công ty khác.

Ngoài các hãng công nghệ lớn của Mỹ, Margrethe Vestager cho biết cuộc điều tra cũng nhằm vào trợ lý ảo của hãng viễn thông Đức Telekom.

Hiện quá trình điều tra vẫn chỉ đang ở bước đầu và nếu kết luận các hãng công nghệ như Apple, Google hay Amazon vi phạm luật chống độc quyền của châu Âu, các công ty này có thể sẽ phải đối mặt với án phạt lên đến 10% doanh thu trên toàn cầu của cả năm. Chẳng hạn với trường hợp của Apple, doanh thu trên toàn cầu của hãng trong năm 2019 là 260 tỷ USD, đồng nghĩa với việc “quả táo” sẽ phải nộp phạt 26 tỷ USD nếu bị kết luận là vi phạm luật chống độc quyền.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục