Xã hội đen ở Phú Quốc sẽ hết đất sống?

Phan Thành

Công an tỉnh Kiên Giang vừa có chỉ đạo “xóa sổ” các băng nhóm côn đồ, xã hội đen tham gia các vụ việc nổi cộm ở Phú Quốc, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Bà Ngô Thị Chên (ngụ thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết, vừa gửi đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng huyện và tỉnh phản ánh tình trạng côn đồ xông vào đất của bà, tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất trái phép.

“Cuối tuần rồi, một nhóm khoảng 20 người (từ 20-30 tuổi) trên mình có nhiều hình thù xăm trổ xông vào đất trồng đào (điều) của tôi, cầm dao đi qua, đi lại, hăm dọa chém người dân nào có ý định ngăn cản, không cho người của Công ty Mặt Trời Phú Quốc san ủi, lấy đất”, bà Chên nói.

Xã hội đen ở Phú Quốc sẽ hết đất sống? - Ảnh 1
Một cây cừ của người dân bị nhóm người xăm trổ đốn hạ

Theo bà Chên, gia đình bà có tất cả 50 cây (đào, dừa, xoài, tràm; tất cả đều trên 30 năm tuổi) bị nhóm người này đốn hạ và căn nhà bị dùng máy sản ủi. “Tôi đã làm đơn tố cáo đề nghị Công an huyện, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc và Công an tỉnh có biện pháp mạnh hơn, tránh những thiệt hại về tài sản và tính mạng của những người dân", bà Chên nói.

Tương tư trường hợp của bà Chên, bà Hồ Thị Hồng có đất kế cận cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo bà Hồng, tổng số thiệt hại của vườn đào gần 20 cây. “Tình trạng côn đồ hăm doạ này nọ khiến chúng tôi rất hoang mang. Chúng tôi muốn quay phim, chụp ảnh lại thì họ bị dọa chém”, bà Hồng cho hay.

Nhiều hộ dân ở thị trấn An Thới cho biết, trước đó, ngày 29/3/2018, do có nhiều trường hợp khiếu nại, khiến kiện trong việc đền bù thu hồi đất ở dự án Bãi Khem và cáp treo Hòn Thơm chưa được giải quyết dứt điểm, UBND huyện Phú Quốc có văn bản đề nghị phía Công ty Mặt Trời Phú Quốc tạm ngưng thi công đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong khi việc giải quyết khiếu nại chưa có kết quả thì chủ đầu tư lại “phớt lờ” chỉ đạo trên.

Được biết, gần đây, người dân và một số doanh nghiệp trên địa bàn Phú Quốc đã nhờ đến các băng nhóm côn đồ, xã hội đen (đến từ Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh...) để giải quyết mâu thuẫn. Ngoài vấn đề bảo kê quán hàng, đòi nợ, họ còn tham gia trực tiếp giải quyết tranh chấp đất đai.

Để khắc phục tình trạng trên, từ đầu năm 2018 đến nay, Công an huyện Phú Quốc đã triển khai kế hoạch huy động lực lượng trấn áp băng nhóm bảo kê trên. Cụ thể, lực lượng công an đã giải quyết 13 vụ tranh chấp đất có đối tượng phức tạp tham gia, mời 138 đối tượng (có 23 đối tượng có tiền án, tiền sự) về làm việc. Trong đó, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 5 đối tượng, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 13 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ cá nhân răn đe, giáo dục, buộc cam kết 119 đối tượng.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Lưu Thành Tín - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ban Giám đốc công an tỉnh đã nghe báo và cũng đã có chỉ đạo để rà soát, lên danh sách để “xoá sổ” các băng nhóm côn đồ, xã hội đen tham gia các vụ việc nổi cộm ở Phú Quốc, trong đó có đất đai”.

Tin Cùng Chuyên Mục