Xác định xe không chính chủ bằng cách nào?

HOÀNG THƯ (thực hiện)

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định sẽ phạt từ 100-200 nghìn đồng đối với cá nhân và từ 200-400 nghìn đồng đối với các tổ chức về hành vi không thực hiện việc sang tên xe chính chủ.

Việc xử phạt sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/1/2017 và đang được dư luận rất quan tâm khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời điểm triển khai. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội liên quan đến vấn đề này.

- Nhiều người dân chưa hết băn khoăn về căn cứ xử phạt. Để người dân hiểu, ủng hộ và chấp hành, ông có thể nói rõ hơn việc áp dụng xử phạt đối với chủ xe mô tô, xe máy không làm thủ tục sang tên theo quy định được lực lượng chức năng xử phạt trong trường hợp nào, đối với các trường hợp thuê mượn xe sẽ bị xử lý ra sao?

Việc xử lý đối với chủ phương tiện về hành vi vi phạm “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô” chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe.

Xác định xe không chính chủ bằng cách nào? - Ảnh 1

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng.

Chủ xe mô tô, xe máy được hiểu là chủ sở hữu của phương tiện. Tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 quy định về quyền sở hữu như sau: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Trong đó, quyền chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Tại điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định số 46 chỉ quy định vềviệc xử phạt đối với chủ phương tiện (tức chủ sở hữu).

Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện không có đủ 03 quyền trên tức không phải là chủ sở hữu phương tiện và không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng xử lý của các điều khoản trên.

Đồng nghĩa với việc, người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn phương tiện để tham gia giao thông cũng không bị xem xét, xử lý về hành vi vi phạm trên.

- Quá trình xử phạt, làm thế nào để lực lượng chức năng xác định được chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định hay xe đi mượn, đi thuê?

Khi điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe, để xác định xem chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định hay xe đi mượn, đi thuê, chúng tôi có rất nhiều biện pháp khác nhau như:

Lấy lời khai của người điều khiển phương tiện; chủ phương tiện đến làm thủ tục đăng ký xe; thông qua dữ liệu quản lý nghiệp vụ cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của lực lượng CSGT; mời người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe lên để làm việc, xác minh, kiểm tra trực tiếp các thông tin, nội dung liên quan; kiểm tra các loại chứng từ, tài liệu, hợp đồng mua bán; thông qua lực lượng Công an sở tại nơi người điều khiển phương tiện, người đến làm thủ tục đăng ký xe sinh sống để kiểm tra, xác minh về mối quan hệ gia đình, thân nhân của họ.

Ngoài ra, đối với từng vụ việc cụ thể, chúng tôi sẽ áp dụng, thựchiện nhiều biện pháp khác theo quy định của ngành và pháp luật để xác minh, làm rõ.

Đối với các trường hợp có hành vi gian dối về việc mượn phương tiện mà thực chất là xe của mình nhưng chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.

Xác định xe không chính chủ bằng cách nào? - Ảnh 2

 Giao diện Cổng thông tin điện tử đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

- Cục CSGT đã giải thích việc xử lý chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc qua công tác đăng ký xe. Tuy nhiên, để tránh người dân có tư tưởng không “sợ” bị phạt về hành vi trên mà không thực hiện thủ tục, ông có khuyến cáo gì đối với chủ xe chưa làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định?

Xe máy là tài sản có giá trị đối với mỗi người, được pháp luật cho phép chủ xác lập quyền sở hữu đối với phương tiện.

Thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Công an cũng đã có nhiều chủ trương, Thông tư “mở” để tạo điều kiện giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người kể từ ngày 15/4/2013 đến hết ngày 31/12/2016 như:

Thông tư 12/2013/TT-BCA, Điều 24 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 quy đinh về việc giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người với thủ tục, giấy tờ.

Chỉ còn ít ngày nữa việc giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người sẽ hết hiệu lực thi hành và sẽ áp dụng việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.

Với quy định “mở”, tạo điều kiện cho nhân dân như hiện tại, tôi đề nghị mọi người nên tuân thủ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, thực hiện việc đăng ký sang tên xe theo quy định.

Đó cũng là thực hiện quyền về đảm bảo, xác nhận tài sản hợp pháp của mình trước pháp luật, tránh được những tranh chấp không đáng có, cũng như giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân trong công tác quản lý, điều tra, giải quyết các vụ việc liên quan đến phương tiện mô tô, xe máy.

Cụ thể, đối với các vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân bị chết, bất tỉnh, nếu phương tiện là chính chủ cơ quan chức năng có thể nhanh chóng tìm ra tung tích nạn nhân, kể cả trong trường hợp chủ phương tiện cho mượn hay cho thuê xe.

Đối với các vụ án như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo… thông qua biển kiểm soát, đặc điểm phương tiện, lực lượng công an sẽ có căn cứ để xác minh, điều tra, xác định đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội. Hoặc thông qua quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng Công an nhân dân nói chung và CSGT nói riêng đã phát hiện nhiều phương tiện là vật chứng của các vụ án.

Tuy nhiên, do chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện nên quá trình điều tra bị hạn chế thông tin, tài liệu, gặp nhiều khó khăn để xác định chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện. Nhiều phương tiện quá thời gian tạm giữ quy định, buộc lực lượng chức năng phải thanh lý, sung công quỹ nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đăng ký sang tên theo nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi học tập công tác của chủ phương tiện, còn giúp lực lượng chức năng xác định được số lượng phương tiện tương đối chính xác được đăng ký trên các địa bàn cụ thể, qua đó để có biện pháp quản lý, điều tiết, tổ chức giao thông hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, đảm bảo giao thông luôn an toàn, thông suốt.

- Xin cảm ơn ông!

Tin Cùng Chuyên Mục