Xoay trụ sang khu công nghiệp, Saigontel "hái quả ngọt"

Quỳnh Chi

Sau khi chuyển hướng sang lĩnh vực BĐS khu công nghiệp, lợi nhuận của Saigontel được cải thiện rõ rệt kéo theo đó là sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu SGT trên sàn chứng khoán.

Ngày 20/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Tân Tập, tỉnh Long An. Dự án có quy mô sử dụng đất 244,7 ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc - Long An, do Công ty TNHH Saigontel Long An là nhà đầu tư.

Xoay trụ sang khu công nghiệp, Saigontel "hái quả ngọt" - Ảnh 1

Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.590,4 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 440,4 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư. Quyết định cũng nêu rõ, nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Được biết, Saigontel Long An có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel - mã SGT) nắm giữ 75% vốn và Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng (SHP) góp 25% vốn. Việc được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tân Tập được đánh giá là bước tiến quan trọng của Saigontel trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp giàu tiềm năng.

Xoay trụ đón sóng chuyển dịch dòng vốn FDI

Saigontel được thành lập từ 2002, do ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC), làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tâm hiện đang sở hữu 23,7% cổ phần trong khi Đô thị Kinh Bắc nắm 21,5% vốn tại doanh nghiệp đã ngành này.

Saigontel khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, chuyên cung cấp dịch vụ internet ở các khu công nghiệp, kinh doanh game online; qua quá trình hoạt động, mở rộng thêm hoạt động kinh doanh điện thoại di động, sản phẩm, thiết bị viễn thông.

Nhận thấy cơ hội từ sự chuyển dịch nhà máy và dòng vốn FDI sang các nước có tiềm năng trong đó có Việt Nam, từ năm 2020, Saigontel đã quyết định xoay trụ, đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Trong hai năm, Công ty đã tái cấu trúc thành công từ một công ty viễn thông, trở thành doanh nghiệp bất động sản sở hữu 800ha quỹ đất công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Năm 2021, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, quỹ đất của Saigontel đã được phát triển lên đến 3.000ha để sẵn sàng đón đợt tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Saigontel đã và đang triển khai đầu tư nhiều dự án trải dài từ Bắc vào Nam trong đó nổi bật có thể kể đến dự án khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn II quy mô 96 ha, tổng đầu tư 1.000 tỷ đồng tại Bắc Ninh; dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê trong khu công nghệ cao Đà Nẵng quy mô 30 ha, tổng đầu tư 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, Saigontel còn hợp tác với Công ty Đầu tư Sài Gòn - Huế (doanh nghiệp liên kết của Đô thị Kinh Bắc) phát triển dự án khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây thuộc khu kinh tế Chân Mây. Công ty cũng thông qua đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Gòn (SGU) phát triển dự án nhà ở xã hội khu đô thị Bàu Tràm Lakeside, Đà Nẵng.

Với nhiều dự án đầu tư, Saigontel cần có nguồn vốn dồi dào để triển khai do đó công ty đã lên kế hoạch chào bán 74 triệu cổ phiếu với giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền thu về 740 tỷ đồng.

Ngoài ra, Saigontel cũng sẽ chào bán riêng lẻ thêm 50 triệu cổ phiếu với mục tiêu để bổ sung vốn lưu động, cơ cấu lại các khoản vay, tăng quy mô đầu tư góp vốn vào các công ty con, liên doanh, liên kết. Nếu thực hiện thành công các phương án chào bán, Saigontel sẽ nâng vốn điều lệ gấp 2,7 lần lên 1.980 tỷ đồng.

Cổ phiếu bứt phá cùng lợi nhuận

Sau khi chuyển hướng sang lĩnh vực BĐS khu công nghiệp, lợi nhuận của Saigontel được cải thiện rõ rệt. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Saigontel đạt 125 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ dù doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Động lực tăng trưởng chính đến từ hoạt động cho thuê bất động sản.

Tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục được duy trì trong quý II vừa qua cũng như 6 đầu năm 2021. Riêng trong quý II, Saigontel lãi ròng 15,4 tỷ đồng, tăng tới 71% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý I/2019.

Xoay trụ sang khu công nghiệp, Saigontel "hái quả ngọt" - Ảnh 2

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Saigontel ghi nhận 160 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 16% so với cùng trong đó, doanh thu từ hoạt động thương mại dịch vụ đóng góp 76%, còn lại là hoạt động cho thuê đất, văn phòng và nhà xưởng. Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 27 tỷ đồng, gấp đôi nửa đầu năm ngoái.

Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận được cải thiện nhờ lợi nhuận hoạt động dịch vụ cho thuê đất, nhà xưởng, văn phòng tại khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn, tỉnh Bắc Ninh và hoạt động thương mại của công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Saigontel mang lại.

Ngoài ra, hoạt động liên doanh liên kết mang về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng nhờ 2 đơn vị mới đầu tư trong nửa đầu năm nay là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Long An và Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Với động lực từ lợi nhuận tăng trưởng mạnh, cổ phiếu SGT đã có sự bứt phá ngoạn mục trên sàn chứng khoán. Sau thời gian dài gần như đi ngang ở vùng 5.000 đồng/cổ phiếu, SGT bắt đầu nổi sóng từ giữa tháng 12/2020 và nhanh chóng vươn lên 17.100 đồng/cổ phiếu chỉ trong hơn 1 tháng.

Xoay trụ sang khu công nghiệp, Saigontel "hái quả ngọt" - Ảnh 3

Trải qua khoảng 4 tháng tích lũy sau đó, cổ phiếu này tiếp tục đi lên bền bỉ và đạt đỉnh 24.400 đồng/cổ phiếu trước khi hạ nhiệt. SGT hiện đã trở lại xu hướng tăng từ đầu tháng 8 và hiện đang dừng ở mức 21.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,2 lần thời điểm đầu năm 2021. Ngoài ra, các kế hoạch tăng vốn “khủng” được dự báo sẽ hỗ trợ tích cực cho diễn biến cổ phiếu SGT thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục