Xu hướng thanh toán kỹ thuật số bùng nổ ở Ấn Độ: Người ăn xin kiếm được gấp đôi khi dùng mã QR

Như Quỳnh

Ấn Độ đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bằng cách chính sách lấy kỹ thuật số làm trọng tâm phát triển.

Raju Prasad là một người ăn xin ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ. Những ngày gần đây, anh thường đi dạo quanh các ga tàu, tay cầm một chiếc thùng kim loại gắn mã QR để xin tiền. 

Prasad đã bắt đầu nhận quyên góp qua các ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động cách đây vài tháng. Người đàn ông 42 tuổi cho biết số tiền ông kiếm được đã tăng gần gấp đôi lên khoảng 300 rupee (~ 4 USD) một ngày - nhiều hơn mức lương trung bình hàng ngày của một nông dân ở Bihar, bang nghèo nhất của Ấn Độ. 

Những người muốn ủng hộ tiền cũng chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại là có thể chuyển 5 hoặc 10 rupee. 

“Mọi người từng xua đuổi tôi và nói rằng họ không có tiền mặt. Bây giờ, họ quét mã QR của tôi và vui vẻ đưa bất kỳ số tiền nhỏ nào họ muốn”, Prasad kể. 

Nền kinh tế lấy kỹ thuật số làm trung tâm

Câu chuyện của những người ăn xin đã phản ánh thực tế về cuộc cách cách mạng tài chính kỹ thuật số ở Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đã chứng kiến sự bùng nổ trong mảng thanh toán di động chỉ trong vài năm trở lại đây, với sự góp mặt của nhiều ông lớn toàn cầu như Google, Flipkard (do Walmart hậu thuẫn) hay công ty địa phương Paytm. 

Người Ấn Độ hiện rất cởi mở trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Nguyên nhân một phần nhờ thu nhập trên đầu người ngày càng tăng, internet tốt hơn và công nghệ giá cả phải chăng hơn - và lý do lớn nhất là nhờ chính sách kinh tế lấy kỹ thuật số làm trung tâm của Chính phủ. 

Thanh toán bằng di động được áp dụng rộng rãi trên khắp Ấn Độ, ngay cả với các cửa hàng trên vỉa hè. Ảnh: Bloomberg.
Thanh toán bằng di động được áp dụng rộng rãi trên khắp Ấn Độ, ngay cả với các cửa hàng trên vỉa hè. Ảnh: Bloomberg.

Ra mắt vào năm 2015, kế hoạch “Digital India” nhằm mục đích đưa kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh hơn bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ. 

Đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh sự thay đổi. Những đợt phong tỏa khiến hàng trăm triệu người Ấn Độ phải chuyển sang mua hàng thiết yếu thông qua di động. Mọi người cũng tránh dùng đến ATM vì lo ngại lây nhiễm virus trong quá trình trao đổi tiền mặt. 

Theo S&P Global Market Intelligence, vào quý 2/2020, thanh toán di động đã vượt qua tiền mặt để chiếm 30% tổng tiêu dùng cá nhân ở Ấn Độ. Thanh toán di động tăng hơn gấp đôi lên gần 1.000 tỷ USD vào năm 2021 so với năm trước.

Karthik Raghupathy, trưởng bộ phận chiến lược và quan hệ nhà đầu tư tại PhonePe, đơn vị thanh toán thuộc Flipkart, cho biết: “Cơ hội duy nhất đại dịch đem đến là mọi người bắt đầu sử dụng thanh toán kỹ thuật số nhiều hơn. Khi Covid-19 xuất hiện ở Ấn Độ, số người dùng đăng ký PhonePe đã tăng 50%". 

PhonePe chiện có khoảng 165 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và chiếm 48% thanh toán di động ở Ấn Độ theo giá trị, S&P Global cho biết. Thị phần của Google là 40% và Paytm là gần 9%.

Quốc gia đứng đầu về lượt thanh toán kỹ thuật số

Theo một báo cáo vào tháng 4 của ACI Worldwide, trong năm 2021, Ấn Độ ghi nhận lượt thanh toán kỹ thuật số cao hơn gấp đôi so với mức trung bình ở Trung Quốc, đạt 48,6 tỷ lượt.

Mặc dù vậy, trung bình mỗi người Ấn Độ mới chỉ chi 80 USD/năm cho thanh toán kỹ thuật số, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (2.300 USD) và Mỹ (gần 8.000 USD). 

Các nhà phân tích cho biết hiện tại hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số ở Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thua lỗ. Tình trạng này một phần là do cách Chính phủ phát triển hệ thống thanh toán. 

Tại Mỹ và Trung Quốc - hai thị trường thanh toán kỹ thuật số lớn nhất tính theo giá trị, các công ty tư nhân sở hữu công nghệ cao đóng vai trò chính trong nền kinh tế số. 

Ở Ấn Độ, nhiệm vụ đó được giao cho National Payments Corporation of India (NPCI), một tổ chức phi lợi nhuận. NPCI được giao nhiệm vụ đem thanh toán kỹ thuật số giá cả phải chăng cho tất cả mọi người dân trong nước. 

Dilip Asbe, CEO NPCI, cho biết Chính phủ Ấn Độ coi các hệ thống thanh toán kỹ thuật số là hàng hóa công cộng, tương tự như mạng lưới điện vậy. Năm 2016, PPCI ra mắt 'Giao diện thanh toán hợp nhất' (UPI) - một hệ thống thanh toán đồng bộ, được sử dụng bởi nhiều công ty kỹ thuật số Ấn Độ. 

Nhờ NPCI, hiện khoảng 80% người trưởng thành ở Ấn Độ đã có tài khoản ngân hàng vào năm 2017, tăng đột biến từ mức chỉ 35% vào năm 2011. Đồng thời, số lượng người dùng điện thoại thông minh đã tăng lên 750 triệu người, theo Deloitte.

Các tập đoàn gặp khó trong việc tạo lợi nhuận

Gần 90% thị trường bán lẻ với doanh thu 900 tỷ USD/năm tại Ấn Độ được kiểm soát bởi các cửa hàng nhỏ do gia đình sở hữu. Trước đây, những nơi này thường hiếm khi chấp nhập thanh toán bằng thẻ tín dụng vì họ phải trả các khoản phí từ 3% - 4%. 

Năm 2020, chính quyền vào cuộc với quy định cấm phí giao dịch, giúp UPI thu hút thêm nhiều người bán hàng nhỏ lẻ đăng ký. 

Công nhân Flipkart phân loại gói hàng tại một nhà kho ở ngoại ô Chennai, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. 
Công nhân Flipkart phân loại gói hàng tại một nhà kho ở ngoại ô Chennai, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. 

Thế nhưng quy định mới lại khiến các công ty thanh toán kỹ thuật số lao đao. Ngoài áp lực phải liên tục tung ra các đợt khuyến mãi tiền mặt để giữ chân khách hàng, họ nay còn một đi một nguồn doanh thu không hề nhỏ. 

Vào tháng 1, một nhóm công ty đã kêu gọi Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ việc cấm phí giao dịch, ước tính thiệt hại mà quy tắc gây ra cho toàn ngành đã lên đến hơn 700 triệu USD. 

Các nhà phân tích cho biết sẽ mất ít nhất vài năm trước khi bất kỳ công ty thanh toán di động nào thu được lợi nhuận ở Ấn Độ. Về lâu dài, các công ty trong ngành đang tìm cách đa dạng hóa doanh thu thông qua bán các dịch vụ tài chính và sản phẩm khác, chẳng hạn như PhonePe và Paytm bán bảo hiểm trong khi Google Pay cho phép người bán mở cửa hàng số trên ứng dụng. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục