“Lão tướng” 73 tuổi chưa muốn "nghỉ hưu", vẫn đi công trường, xuống hầm soi từng bức vách - Ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GP Invest) giải thích việc thường xuyên lặn lội xuống công trường là bởi với hơn 40 năm trong nghề, ông không thể yên tâm nếu không tận mắt kiểm tra từng chỗ trong dự án.  

  • Có người nói rằng “ông Hiệp làm xong dự án ở Phạm Văn Đồng, Hà Nội là sẽ nghỉ hưu”?

- Nếu chỉ nói ở thị trường Hà Nội thì có lẽ đúng, nhưng những dự án ở tỉnh khác thì chưa chắc đâu (Cười). Bởi vì làm một dự án ở Hà Nội lâu lắm. Làm xong dự án này tôi sẽ không tham gia điều hành nữa, chỉ ở trong HĐQT thôi.

Không phải tôi e ngại việc nặng nhọc, mà quan điểm của tôi là phải suy nghĩ về quỹ thời gian còn lại của mình. Không nên làm việc gì dở dang khi mình không đủ sức, không đủ thời gian để làm được tất cả những việc đó. Không làm gì thì thôi, làm là phải trọn vẹn, phải để lại được cho người ta thấy công trình này đáng ghi nhận. Còn nếu đã biết có thể dở dang thì sẽ không làm.

Còn bây giờ, giúp anh em được cái gì thì vẫn phải giúp. Bởi vì tôi cho rằng, nếu mình không chỉ đạo, kiểm tra được cụ thể thì muốn hay không muốn vẫn có những cái có thể vượt khỏi vòng kiểm soát.

Ông Hiệp đi công trường dự án The Nine vài ngày trước.  
Ông Hiệp đi công trường dự án The Nine vài ngày trước.  

Thử hình dung, để biết được chất lượng cái hầm nó như thế nào, anh em báo cáo là một chuyện, nhưng tôi vẫn phải leo cái thang giáo xuống tận tầng hầm, đi ngoằn nghèo, chui vào từng chỗ để kiểm tra. Các anh em còn phải đi sát đằng sau vì sợ ông già này trượt chân. (Cười)

Tuy nhiên, phải khi xuống xem tận mắt, kiểm tra từng chỗ thì tôi mới yên tâm về chất lượng bê tông, rồi từng vách anh em định làm như thế nào, từng thanh thép mặt mũi ra làm sao? Còn mình cứ ngồi bàn giấy thì khó yên tâm được lắm. Đây cũng là điểm khác biệt GP Invest so với những chủ đầu tư khác vì cũng không nhiều lãnh đạo chủ đầu tư mà xuống trực tiếp dự án để xem như vậy.

Quan điểm của tôi là khi muốn có ý kiến sát thì phải biết thật cụ thể. Vì thế những việc này tôi cũng động viên anh em ra công trường, nếu chỉ ngồi ở văn phòng, nói vài câu, dăm chữ thì làm sao nắm sát được. Là dân công trường hơn 40 năm nay nên tôi biết thép nên xử lý thế nào, xử lý ngấm tường ở từng góc thì phải ra sao. Vì thế, cứ thấy tôi xuống là anh em công trường đều trao đổi rất kỹ mọi vấn đề.

Một điều quan trọng nữa đối với tôi là tiến độ. Nếu đã cam kết là tháng nào giao nhà thì sẽ không thể nào sai được. Đó có lẽ là điều không nhiều chủ đầu tư làm được. Tôi không dám khoe mình hơn gì người ta, nhưng các anh ấy thường tập trung quản lý về tài chính. Còn tôi, với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề xây dựng, khi xuống công trường, tôi nhìn sẽ biết ngay thi công chỗ này có vấn đề gì, phải thay hay thêm cái gì, vì thế mọi việc sẽ được xử lý kịp thời hơn để không bị lụt tiến độ.

Ở dự án The Nine hay những dự án trước đây cũng vậy, tháng nào tôi cũng xuống họp giao ban 1 lần ở công trường để nắm vấn đề, không phải chỉ đến xem cho biết. Còn việc đi thăm công trường thì như chuyện thường nhật.

  • Là người kỹ tính và cầu toàn như vậy, có lẽ ông sẽ đặt tiêu chí rất cao với người kế nhiệm mình ở GP Invest?

- Tôi cũng dành thời gian dài để suy nghĩ về người kế nhiệm. Quan điểm của tôi là người kế nhiệm phải làm thế nào để giữ được sự phát triển của GP Invest, chứ sẽ không có bất kỳ một lý do nào khác.

Làm sao để thương hiệu GP Invest đã đứng vững trên thị trường 13 năm, trong đó có những năm tháng cạnh tranh rất khốc liệt vẫn tiếp tục phát triển? Khi thị trường khủng hoảng, có sự sàng lọc và có những thương hiệu bị loại bỏ thì GP-Invest vẫn đều đặn tiến bước. Tuy rằng không dồn dập như một số thương hiệu khác nhưng GP Invest đã đi một cách chậm rãi từng bước, từng bước chắc chắn.

Ngoài định hướng chung, tất nhiên tôi cũng cân nhắc lựa chọn người kế nhiệm có được sự nhanh nhạy về thị trường, có kiến thức kinh nghiệm về bất động sản.

Ông Hiệp nhấn mạnh GP Invest chọn bước từng bước một, chậm rãi chắc chắn.
Ông Hiệp nhấn mạnh GP Invest chọn bước từng bước một, chậm rãi chắc chắn.
  • Ông muốn trong vòng 5- 10 năm tới GP Invest sẽ phát triển như thế nào?

- Tôi suy nghĩ phát triển doanh nghiệp có nhiều góc độ, có người đi về bề rộng, bề nổi. Chẳng hạn, ngay trong xây dựng có người hướng tới tăng doanh số thật nhanh, có người chỉ tập trung làm mảng xây dựng, có đơn vị lại đi làm tổng thầu, có bên thì ôm cả thiết kế, có đơn vị lại bành trướng quy mô khi mở rộng nhiều lĩnh vực....

Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược khác nhau. Với GP Invest, chúng tôi xác định làm không làm nhiều quá nhưng dự án phải tinh, sâu và sản phẩm đảm bảo.

“Lão tướng” 73 tuổi chưa muốn "nghỉ hưu", vẫn đi công trường, xuống hầm soi từng bức vách - Ảnh 2

Với cường độ làm việc rất bận rộn như vậy, song nhìn ông vẫn luôn giàu nhiệt huyết. Vậy ông dành thời gian như thế nào để rèn luyện, chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng năng lượng tích cực?

- Tôi chơi rất nhiều môn thể thao. Lúc còn trẻ, đang học sư phạm tôi từng là vận động viên thi đấu điền kinh cho nhà trường. Sau này đi dạy thì còn tham gia đội võ của tỉnh để thi toàn quốc. Trong cuộc đời, ở giai đoạn nào tôi cũng tham gia chơi một môn thể thao. Hiện giờ thì tôi đi đánh golf, tập gym đều đặn mỗi tuần 1-2 buổi. 

Giờ đây tôi làm không phải làm để kiếm tiền, nhưng nếu ngồi ở nhà chơi một tuần là không chịu được. Ngày nào không bận rộn tôi cũng cảm thấy khó chịu, lại phải đọc báo, xem mạng, xem tin tức. Thế nhưng những ngày từ lúc đến công ty đến lúc về tôi còn không kịp mở tờ báo ra xem nhưng tôi vẫn thấy vui.  

Tôi nghĩ cuộc sống có bận hay không là do mình. Cứ nghĩ ra việc thì tự dưng sẽ thấy bận rộn. Mà cái chính là công việc làm mình có niềm vui. Trí não không hoạt động sẽ bị lão hoá nên nếu cứ ngồi xem tivi, tự nhiên mọi hoạt động chân tay, suy nghĩ đều trì trệ thôi.

  • Ông cứ bận rộn như thế, người thân trong nhà, đặc biệt là bà xã đã bao giờ phản đối hay chưa?

Vợ chồng tôi sống với nhau hơn 40 năm luôn có sự chia sẻ và có đồng cảm. Bà ấy luôn muốn tôi giảm bớt công việc đi. Tôi hiểu đó là vì vợ xót chồng chứ không phải là ngăn cản gì. Hơn nữa, bà xã cũng hiểu tính tôi là người đã quyết làm cái gì thì không ai cản được.

Cũng chính vì tính cách quyết đoán này mà nếu tôi cảm thấy công việc không hứng thú hay không đóng góp được gì nữa thì tự chán thôi, chứ khó ai cản được.

Tuy nhiên, những gì tôi làm được đều có vai trò của bà xã. Bà ấy không bao giờ hỏi han về dự án, về công việc hay về nhà đất của tôi cả, cũng chẳng bao giờ hỏi tiền nong, chỉ lo cho sức khoẻ của chồng.

Dự án Tràng An Complex của GP Invest đã bàn giao cho khách hàng từ nhiều năm nay. 
Dự án Tràng An Complex của GP Invest đã bàn giao cho khách hàng từ nhiều năm nay. 
  • Người quyết đoán cũng không tránh khỏi có những lúc đưa ra lựa chọn sai. Trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, ông đã bao giờ cảm thấy tiếc vì chọn sai?

Trong đời người chẳng ai là không có những quyết định sai sót cả và tôi cũng vậy. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ chọn nhầm, chọn sai dưới 10% thì tôi cho rằng như vậy là thành công. Còn nếu con số lên đến 20% thì phải xem lại bởi như thế nghĩa là đang có những điều mà chính mình không thể trả giá hết được. 

Cuộc đời tôi có những quyết định từng làm thay đổi hẳn con đường đời, nhưng không phải ai cũng hiểu được cặn kẽ căn nguyên của nó. Lúc còn trẻ, khi đang dạy học và là giáo viên dạy giỏi của tỉnh Hưng Yên, tôi là thành viên nằm trong ban nghiệp vụ tỉnh, thường đi xem xét, chấm điểm cho các giáo viên khác. Tuy nhiên, năm 1968, tôi xung phong vào chiến trường Quảng Trị, là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Lúc ấy bố mẹ còn tưởng tôi bị dở hơi.

Khi đang ở chiến trường, tôi suy nghĩ dứt khoát mình phải đi học, không làm cán bộ chính trị, công tác tư tưởng nữa. Tôi lại quyết định về học, chọn Đại học Bách Khoa... Học xong thì về làm ở Viện nghiên cứu. Đa số kỹ sư làm trong viện khi đó học nước ngoài về. Tôi làm được 4 năm ở vị trí kỹ sư điện, lại quyết định chuyển sang xây dựng dù không biết gì về mảng này. Sau đó, tôi ra làm cho các doanh nghiệp, hết Licogi rồi về Vinaconex, Constrexim…

Đến giờ, tất cả những quyết định trên, tôi vẫn cho rằng đúng.

Những quyết định quan trọng mang tính bước ngoặt ấy chẳng phải cứ hứng lên là làm, mà đều có đánh giá suy nghĩ rất kỹ. Tôi cho rằng, với một quyết định quan trọng, cần suy nghĩ kỹ nhưng cũng cần mạnh dạn, dám quyết và tự chịu trách nhiệm với việc đó.

“Lão tướng” 73 tuổi chưa muốn "nghỉ hưu", vẫn đi công trường, xuống hầm soi từng bức vách - Ảnh 3
  • Là một người gần như dành trọn sự nghiệp cho ngành xây dựng, theo tiêu chí của ông, như thế nào là một dự án thành công?

Dự án thành công hay không theo tôi nghĩ phải để cư dân đánh giá mới chính xác nhất. Kỳ vọng 100% cư dân hài lòng thì không có, nhưng con số khoảng 60 – 70% thì cũng được xem là thành công rồi.

Còn ở góc độ chủ đầu tư, dự án thành công là thứ có thể khiến họ tự hào khi nhắc tới, được thị trường ủng hộ, tất nhiên phải kèm kết quả bán hàng khả quan. Những dự án xây xong rồi, người dân vào ở rồi mà vài ba năm sau mới bán hết nghĩa là cần đánh giá lại. Khách hàng có lựa chọn đó là nơi an cư hay không là minh chứng rõ nhất thể hiện thái độ của thị trường với một dự án, một chủ đầu tư.

Còn nói về hoạt động bán hàng, một sản phẩm giống như một cô gái đẹp. Cô gái đẹp ấy thứ nhất phải biết tự trang điểm, làm mình đẹp. Tuy nhiên, nếu cô gái đẹp, trang điểm đẹp nhưng lại kiêu kỳ, phải đòi hỏi điều kiện nọ, kia thì chưa chắc đã lấy được chồng. Nên vấn đề nằm ở chỗ, cô gái đó cần biết mình đẹp đến mức nào nhưng đồng thời cũng cần biết được thị trường như thế nào thì sẽ thành công.

  • Ở góc độ thị trường, các chủ đầu tư bất động sản hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức gì thưa ông?

- Bây giờ người mua nhà khó tính hơn và cũng khôn ngoan hơn rất nhiều. Nếu như cách đây 10 năm, người mua nhà chỉ cần ai báo có chỗ bán, bất cần biết thủ tục pháp lý của dự án đã có cái gì là lao đến mua. Hơn nữa lúc đó việc kiểm tra pháp lý của chính quyền chưa chặt chẽ như bây giờ. Vì thế mới xảy ra nhiều trường hợp chủ đầu tư không có pháp lý xây dựng nhưng khách hàng chẳng buồn quan tâm, vẫn đến mua bán ầm ầm. 

Tuy nhiên, hiện việc kiểm soát của chính quyền đã chặt chẽ hơn. Những dự án chưa đầy đủ về pháp lý, hoặc không có giấy phép xây dựng mà đã làm bậy sẽ bị tuýt còi ngay.

Người mua nhà ngày nay cũng không chỉ kiểm tra xem dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý không mà các điều kiện trong hợp đồng mua nhà cũng sẽ "soi" rất kỹ. Vấn đề quyền lợi của người mua, nghĩa vụ chủ đầu tư ra sao, khách hàng đều đòi hỏi rất chặt chẽ.

Cũng bởi vậy, thị trường ngày càng được nâng cấp, đòi hỏi sự chuẩn hoá hơn. Trong bối cảnh đó, với mỗi dự án, chủ đầu tư cũng phải nghiên cứu kỹ càng hơn. Làm một dự án bây giờ chủ đầu tư cũng phải suy nghĩ nhiều, chứ không phải cứ vứt cho thiết kế tự làm, rồi xây lên như trước.

Tôi nói ví dụ, trước kia người ta làm nhôm kính thì chỉ cần chắc chắn thôi, nhưng bây giờ làm nhôm kính lại phải cân nhắc quanh dự án có ồn không, nên làm loại kính nào để cách âm, cách nhiệt… Hay trước kia chỉ cần cấp nước cho cư dân là được rồi, nhưng bây giờ thậm chí nước phải sạch, nước phải uống trực tiếp tại vòi.

Những đòi hỏi đó trước kia không có. Cách đây 10 năm thì khách mua nhà chỉ quan tâm đến ngôi nhà, có đầy đủ bếp, nhà vệ sinh, còn không quan tâm nhiều đến thiết kế hay chất lượng nội thất…. Những cái đó đưa ra một bài toán hoàn toàn thay đổi so với 5- 10 năm trước.

Dự án The Nine (số 9 Phạm Văn Đồng, Hà Nội) đang được triển khai là dự án mà ông Hiệp dành rất nhiều tâm huyết. Ảnh: thenine9.com.vn
Dự án The Nine (số 9 Phạm Văn Đồng, Hà Nội) đang được triển khai là dự án mà ông Hiệp dành rất nhiều tâm huyết. Ảnh: thenine9.com.vn
  • Ở phân khúc sản phẩm giá cao, có lẽ mức độ canh tranh còn lớn hơn bởi hầu hết trên thị trường là các chủ đầu tư lớn, giàu tiềm lực và kinh nghiệm?

- Tất nhiên đã là cơ chế thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh, không thể nói một mình một chợ được. Ví dụ một số đơn vị rất mạnh về chuỗi dịch vụ, hệ sinh thái hoàn chỉnh cho bất động sản. Nhưng mình không thể đi theo của họ được, không làm chuỗi dịch vụ như họ. GP-Invest cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng, bền vững, có các dịch vụ sát sườn hơn, không màu mè…

Từ đánh giá trên thị trường, tôi xác định GP Invest phải lấy gì làm gốc. Với điểm mạnh là xây dựng, nhà thầu xây dựng lâu năm nên tôi đặt mục tiêu phải lấy chất lượng xây dựng để cạnh tranh. Chất lượng từ xây dựng đến chọn vật tư, vật liệu, hệ thống kỹ thuật...

  • Với The Nine, một dự án có thể là cuối cùng của ông trong vai trò điều hành, ông muốn tạo nên một công trình khác biệt như thế nào?

- Về thiết kế bên ngoài, chúng tôi chọn thiết kế của Mỹ, hình dáng toà nhà rất đặc biệt. Khác với nhà chung cư thông thường có tỷ lệ xây trát là chính, còn kính chỉ có mức độ thôi. Tuy nhiên, tại dự án mới này, tỷ lệ kính bao quanh cao hơn dự án thông thường.

Thứ nữa, vị kiến trúc sư người Mỹ đã nghiên cứu rất cặn kẽ về vị trí và điều kiện, tính chất khí hậu nhiệt đới của Việt Nam nên đưa ra được các giải pháp thiết kế kiến trúc rất đặc biệt, phù hợp với người Hà Nội. 

Về giải pháp kỹ thuật, công nghệ, nếu như bình thường nhà cao 30 tầng, hệ thống cột dầm nhiều, sẽ lẩn vào trong căn hộ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm tầng chuyển ở tầng 7, theo đó, toàn bộ cột sẽ được chuyển thành vách chịu lực. Vì thế, thay vì cột trong toà nhà sẽ chạy từ tầng dưới xuyên lên tầng 30, tại The Nine, cột chỉ có đến hết tầng 6. Kết hợp với các tấm kính lớn, các căn hộ sẽ có góc nhìn panorama rộng mở, không bị vướng cột.

Bên cạnh đó, chúng tôi chọn kính 2 lớp, ở giữa là khí trơ, ngăn hoàn toàn tiếng ồn. Những công nghệ mới nhất trong xây dựng cũng được cập nhật để áp dụng tại dự án The Nine như hệ thống lọc bụi và khí tươi sạch cho hệ thống điều hoà. Có thiết bị này, chủ căn hộ không phải mua thiết bị máy lọc khí nữa. Tôi hơn 70 tuổi rồi nhưng chịu khó tìm tòi, học hỏi những công nghệ mới lắm. (Cười).

Nguyễn Hà