Báo Nhật: Việt Nam trở thành "công xưởng khẩu trang" của thế giới nhờ Covid-19

Giang Phạm

Việt Nam đang thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc chuyển sang tập trung sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang nhằm bù đắp tình trạng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và đầu tư nước ngoài vào chuỗi cung ứng tại địa phương.

Vài năm trở lại đây, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nhiều công ty may mặc, giày dép đã chuyển dần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến đã làm gián đoạn xu hướng này.

Theo quan điểm của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) - đơn vị đại diện 450 công ty ngành hàng may mặc, giày dép - sự gián đoạn này được ví như cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.  
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.  

Trang Nikkei dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 20/8, đầu tư vốn FDI vào Việt Nam giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu này đi ngược lại với làn sóng đầu tư tăng nhanh trong nhiều năm qua, điển hình như tăng 7% vào năm 2019. Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hàng dệt may cũng giảm 11,6%, lý do vì đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu giảm mạnh.

“Kể từ mùa xuân năm nay, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm đáng kể. Điều này đã tác động lớn đến lượng đơn đặt hàng với các nhà cung cấp ở nhiều thị trường sản xuất, trong đó có Việt Nam”, đại diện thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M chia sẻ với Nikkei.

Trong khi đó, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may Việt Nam phải chịu áp lực và sự thay đổi nhanh chóng như vậy. “Mỗi ngày lại có diễn biến khác với ngày tiếp theo, mỗi tuần lại khác với tuần kế tiếp”, ông Vũ Đức Giang nói.

Để tồn tại, vượt qua được cuộc khủng hoảng Covid-19, Bộ Thương mại nhấn mạnh quyết tâm đưa Việt Nam thành "công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới". Hiện đã có ít nhất 50 công ty chuyển hướng tập trung sản xuất khẩu trang y tế hoặc có ý định tương tự.

Một trong số đó là TNG, đơn vị thường cung cấp sản phẩm cho thương hiệu lớn như Levi's, Tesco và Decathlon. Kể từ đầu năm nay, doanh nghiệp này đã xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang.

Theo ông Frank Weiand, chuyên gia cố vấn về nội địa hóa chuỗi cung ứng tại Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ ở Hà Nội, nhiều công ty dệt may ở Việt Nam đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang, hầu hết đều thành công với chiến lược này.

Mặc dù khẩu trang là mặt hàng có giá trị nhỏ nhưng tiềm năng xuất khẩu lớn bởi chúng dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Đồng thời, các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam đang đặt cược vào thương vụ này, tự tin cho rằng nhu cầu với sản phẩm sẽ còn tăng cao nữa khi đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong "một sớm một chiều".

Vitas tiết lộ, hầu hết thành viên của Hiệp hội dựa đến 60% nguồn cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Để có thể giảm xuống còn 30% như mục tiêu đề ra, một trong những chiến lược của Vitas là cung cấp dịch vụ tư vấn cho công ty nước ngoài, khuyến khích họ đầu tư vào tất cả các khâu sản xuất chứ không chỉ ở khâu dệt may.

Chiến lược thứ 2 là vận động công ty dệt may hướng đến sản xuất sạch để gia tăng lợi thế của các nhà sản xuất nhằm thiết lập nhiều hơn khu công nghiệp tại địa phương.

Tờ Nikkei nhận định, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài sẽ chú ý đến Việt Nam nhiều hơn nếu đất nước hình chữ S sở hữu chuỗi cung ứng lớn và phát triển. Dẫu vậy, với việc đạt được thỏa thuận thương mại với hầu hết các nước Đông Nam Á gồm cả TPP và EVFTA, đây sẽ là điều kiện giúp Việt Nam từng bước khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.

Tin Cùng Chuyên Mục