CBRE: Diện tích khan hiếm, giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại quận I tăng mạnh lên 200 USD/m2/tháng

Linh Anh

Theo CBRE, thị trường bán lẻ TP HCM dự báo đón thêm gần 66.000m2 mới trong năm tới.

Báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý II/2023 của CBRE mới đây chỉ ra, hầu hết các công trình trung tâm thương mại mới tại TP HCM đều có tiến độ xây dựng bị trì hoãn và khó có thể hoàn thành theo như dự kiến.

Do vậy, trong năm 2023, TP.HCM sẽ không có thêm trung tâm thương mại mới nào đi vào hoạt động. Tính đến quý II/2023, tổng nguồn cung bất động sản bán lẻ giữ ở mức 961.146 m2.

Mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm đang khan hiếm, với tỷ lệ trống trung bình tại khu vực chỉ khoảng 5%. Trong bối cảnh nhãn hàng rất tích cực tìm kiếm mặt bằng chất lượng để cung cấp trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng, mà mặt bằng lại khan hiếm, điều này đã đẩy giá thuê khu vực trung tâm quận 1 tăng mạnh từ quý II và quý III/2022, tăng từ 154,4 USD lên hơn 200 USD/m2/tháng.

Mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm đang khan hiếm, với tỷ lệ trống trung bình tại khu vực chỉ khoảng 5%
Mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm đang khan hiếm, với tỷ lệ trống trung bình tại khu vực chỉ khoảng 5%

Trong quý II/2023, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng 1 tại các vị trí trung tâm ghi nhận là 234,8 USD/m2/tháng, tăng 9,2% so với năm ngoái và tương đối ổn định so với quý trước. Các vị trí ngoài trung tâm cũng ghi nhận mức tăng là 8,1% so với quý trước, chủ yếu đến từ các trung tâm thương mại ở Quận Bình Thạnh và Quận 2 có hoạt động tốt.

Vì thị trường không có nguồn cung mới và diện tích trống hạn chế nên diện tích hấp thụ ròng trong quý II khá thấp, với chỉ 3.415 m2. Tuy nhiên, thị trường liên tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ nước ngoài trong lĩnh vực thời trang, phụ kiện, sức khỏe và sắc đẹp.

Các tổ chức nước ngoài tiếp tục đầu tư và quan tâm mạnh mẽ đến mảng bất động sản bán lẻ tại Việt Nam. Trong vòng 3 - 5 năm tới, Aeon, Central Group, Lotte, Toshin Development và các nhà đầu tư lớn khác đang lên kế hoạch mở rộng tại thị trường Hà Nội và Việt Nam.

Các mặt bằng bán lẻ vẫn là nơi tạo ra phần lớn doanh thu bán hàng cho nhãn hàng, là nơi người tiêu dùng tìm đến vì trải nghiệm độc đáo mà loại hình bán lẻ trực tuyến không cung cấp được. Nhờ những động lực này, tỷ lệ trống trung bình của Trung tâm thương mại tại TP.HCM tiếp tục giảm 0,3% so với quý trước và 1,6% so với năm trước, xuống còn 9,6%.

Với sự rời đi của Parkson Việt Nam, TP HCM chỉ có hai trung tâm thương mại tổng hợp độc lập là Diamond Plaza và Nowzone với diện tích cho thuê chưa đến 10.000 m2/trung tâm. Bên cạnh hai trung tâm này còn có trung tâm thương mại tổng hợp Robins và trung tâm thương mại tổng hợp Takashimaya.

Trong năm 2024, TP HCM dự báo có thể đón thêm gần 66.000 m2 diện tích bán lẻ mới từ hai dự án ở ngoài trung tâm là Vincom Mega Mall ở Quận 9 và Parc Mall ở Quận 8.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam nhận định, “Mặt bằng bán lẻ tại trung tâm tiếp tục khan hiếm, tuy nhiên giá thuê sẽ bình ổn hơn sau khi tăng mạnh trong hai năm vừa qua. Tại khu vực ngoài trung tâm, các thương hiệu bán lẻ ưa chuộng các mặt bằng chất lượng được quản lý chuyên nghiệp.”

Tin Cùng Chuyên Mục