Chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2022: Vay vốn nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước; lao động ngành bảo hiểm được tăng lương...

Giang Phạm

Người cai nghiện bắt buộc được chi trả nhiều khoản tiền, 11 lĩnh vực người quản lý không được lập doanh nghiệp khi thôi chức vụ cũng là những chính sách bạn cần chú ý.

Vay vốn nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước

Từ ngày 15/11, Thông tư 12/2022 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài mà không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

Các khoản vay được quy định là khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên một năm; khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn một năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên (trừ khi bên vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc trong 30 ngày làm việc kể từ thời điểm một năm nêu trên).

Người làm việc trong ngành Bảo hiểm xã hội lương gấp 1,8 lần công chức thông thường

Theo Quyết định 19/2022 của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 10/11, mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành bảo hiểm cao gấp 1,8 lần tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thông thường.

Ba nhóm sẽ được điều chỉnh tiền lương gồm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân; người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động thương binh và xã hội.

Số tiền này không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, áp dụng đến khi Chính phủ thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

11 lĩnh vực người quản lý không được lập doanh nghiệp khi thôi chức vụ

Thông tư 60/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11 không cho phép lãnh đạo quản lý thuộc 11 lĩnh vực này được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong 1-2 năm sau khi thôi giữ chức vụ.

Các lĩnh vực gồm: Kế toán, kiểm toán; chứng khoán và thị trường chứng khoán; bảo hiểm; hải quan; giá; thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác của ngân sách Nhà nước; tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; dự trữ quốc gia; quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước; quản lý Nhà nước về ngân sách; tài sản công.

Người cai nghiện bắt buộc được chi trả nhiều khoản tiền

Thông tư 62/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 19/11 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Theo đó, khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo tiền ăn, chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; chi phí gồm khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế, tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị bệnh cơ hội khác.

Ngoài ra, người điều trị cai nghiện cũng được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh; học văn hóa (người từ 12 đến dưới 18 tuổi); phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên đề; chi phí học nghề ngắn hạn.

Ngân sách Nhà nước cũng chi trả tiền điện, nước sinh hoạt 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng (tăng 20.000 đồng với quy định cũ). Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu với mức 100.000 đồng/người/năm (tăng 30.000 đồng).

Tin Cùng Chuyên Mục