Đền Pantheon: Kiệt tác kiến trúc 2.000 tuổi của đế chế La Mã cổ đại

Thu Hằng

Giữa thủ đô Italia xinh đẹp có một kiệt tác kiến trúc cổ đại đứng sừng sững, uy nghi gần 2.000 năm, đó là đền Pantheon. Công trình lịch sử này được mệnh danh là "Ngôi đền của các vị thần".

“Bất cứ ai bước vào bên trong đền Pantheon đều cảm nhận sâu sắc dấu ấn của lịch sử nhân loại được khắc hoạ nơi đây. Sức sáng tạo con người thật đáng kinh ngạc", John Ochsendorf, giáo sư kiến ​​trúc tại MIT - Học viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ, cựu giám đốc Học viện Mỹ tại Rome - cho biết.

Và hẳn bạn sẽ phải tự đặt cau hỏi: Làm thế nào họ có thể làm được điều này gần hai thiên niên kỷ trước?

Đền Pantheon là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thời cổ đại
Đền Pantheon là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thời cổ đại

Kiệt tác kiến trúc của Đế chế La Mã cổ đại

Đền Pantheon được xây dựng vào khoảng năm 125 sau Công nguyên bởi hoàng đế La Mã Publius Aelius Hadrianus, là tòa nhà lâu đời nhất thế giới vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Ngôi đền 2.000 năm tuổi là một trong những di tích thời La Mã cổ đại được bảo tồn vào loại tốt nhất ở Rome và là bằng chứng cho thấy quyền lực mạnh mẽ và sự giàu có của đế chế La Mã cổ đại lúc bấy giờ.

Ít ai biết, Pantheon đã từng trải qua hai vụ cháy lớn. Đền Pantheon lần đầu tiên bốc cháy vào khoảng năm 80 sau Công Nguyên và được xây dựng lại ngay sau đó. Sau đó, nó bị sét đánh và thiêu rụi một lần nữa vào khoảng năm 110 sau Công Nguyên. Sau khi bị cháy lần thứ hai, đền Pantheon được xây lại hoàn toàn và tồn tại cho đến ngày nay. 

Đền Pantheon nhìn từ trên cao
Đền Pantheon nhìn từ trên cao

Trong lần xây dựng thứ hai, kiến trúc của ngôi đền có sự thay đổi. Trên ngôi đền có khắc nhiều thông tin về các kiến trúc sư và những vị vua đã giúp xây dựng, trùng tu đền.

Mặt tiền của Pantheon mang dáng dấp của những ngôi đền Hy Lạp cổ đại, với lối vào bằng mái vòm và hai hàng cột trụ Corinthian bằng đá cẩm thạch trắng. Trung tâm đền Pantheon là tòa nhà hình trụ tròn, bên trên có vòm hình bán cầu với đường kính 43,44m. 

Du khách đặt chân vào đền Pantheon chắc hẳn không khỏi choáng ngợp khi chiêm ngưỡng mái vòm khổng lồ ở đây. Đặc biệt, mái vòm này không có cốt thép. Vì vậy, đây là mái vòm bê tông không có cốt thép lớn nhất và duy nhất trên toàn thế giới. Tại đây, du khách sẽ có cảm giác đi ngược thời gian, những trải nghiệm như còn vẹn nguyên như cách đây gần 2.000 năm.

Mái vòm khổng lồ trong đền Pantheon
Mái vòm khổng lồ trong đền Pantheon

Hiện thân của ma quỷ

Trên đỉnh của mái vòm có một vòng tròn kính được gọi là Oculus. Oculus, tiếng Latinh có nghĩa là "mắt", có chiều ngang dài khoảng 9 m, mở tầm nhìn từ trong đền ra ngoài bầu trời. Đây là chỗ duy nhất đưa ánh sáng tự nhiên vào phía trong đền. Những ngày nắng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng luồng ánh sáng huyền bí dội từ trên xuống, được ví như tia sáng từ các vị thần.

“Oculus cho thấy trí tuệ đáng kinh ngạc của người cổ đại. Họ như những bậc thầy về hình học và xây dựng khi có thể xây lên các mái vòm khổng lồ với những ‘con mắt' tuyệt vời như vậy", Giáo sư Ochsendorf nói.

Vào thời Trung cổ, những người đứng đầu tôn giáo dường như không tin rằng con người đã tạo nên kiệt tác kiến trúc đáng kinh ngạc như vậy. Họ đặt ra nhiều giả thuyết nghi hoặc về Pantheon và tin rằng đó là hiện thân của ma quỷ. Nhưng đến nay, tất cả chúng ta đều biết, đó là đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật.  

Mặc dù đá cẩm thạch trắng, vàng, tím và đen được nhập khẩu từ Địa Trung Hải, nhưng nhờ bê tông, một phát minh của người La Mã, các kiến ​​trúc sư đã loại bỏ các cột chịu lực xấu xí và tạo ra những mái vòm tuyệt đẹp.

Những đường nét kiến trúc đáng kinh ngạc bên trong đền Pantheon
Những đường nét kiến trúc đáng kinh ngạc bên trong đền Pantheon

Mặc dù vậy, người ta vẫn tìm thấy “ma thuật” trong các chi tiết của Pantheon. Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời nhấp nháy xung quanh mái vòm, chiếu ánh sáng lên Oculus và phản chiếu hình ảnh như một chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ.

Cách đây gần 2.000 năm, kiến ​​trúc La Mã được xem là biểu tượng của sự giàu có, sức mạnh và phẩm giá. Nhiều thế kỷ sau, các kiến ​​trúc sư Tân cổ điển dùng Pantheon để tham khảo và thấm nhuần sự sáng tạo vĩ đại trong kiến trúc ở đây, cũng như từ Điện Capitol của Hoa Kỳ ở Washington, DC, đến Nhà Somerset ở London.

Ẩn chứa nhiều bí ẩn

Pantheon trong tiếng Ý có nghĩa là “các vị thần". Ngôi đền 2.000 tuổi được truyền lại là nơi thờ cúng dành riêng cho các vị thần La Mã. Tuy nhiên, mục đích xây dựng ban đầu của nó vẫn còn là bí ẩn.

Các sử gia đã tìm thấy một số thông tin ít ỏi về Pantheon trong các văn bản cổ đại. Lynne Lancaster, nhà giáo dục nhân văn và lịch sử kiến ​​trúc cho biết, mặc dù công trình này có thể là một ngôi đền, nhưng các tòa nhà La Mã thường được xây dựng đa mục đích. "Và vì vậy những gì thực sự đã diễn ra ở Pantheon rất khó nói".

Ngôi đền cổ vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được giải đáp
Ngôi đền cổ vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được giải đáp

Nhiều người nói rằng Pantheon chính là nơi Romulus, người sáng lập thành Rome, lên thiên đường. Một số tin rằng đây là nơi hoàng đế La Mã dùng để giao tiếp với các vị thần. 

Luca Mercuri, giám đốc của Pantheon, cho biết dù thế nào đi nữa, giống như nhiều công trình kiến ​​trúc La Mã khác, cấu trúc hùng vĩ của là Pantheon sẽ mãi là một biểu tượng của sức mạnh, một "biểu tượng quan trọng của quyền lực đế quốc".