Dòng tiền kinh doanh âm, cổ phiếu Taseco Land (TAL) trượt dài, 'bốc hơi' 30% sau nửa năm chào sàn

Long Thành

Kinh doanh có lãi nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Taseco Land lại âm 125,5 tỷ đồng trong quý đầu năm, cùng kỳ năm ngoái thậm chí còn âm hơn 417 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm, cổ phiếu trượt dài

Chào sàn UPCoM vào đầu năm 2024, đến nay, cổ phiếu TAL của CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) đã trượt dài về mức thấp nhất kể từ khi lên sàn với 17.800 đồng/cp. So với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, thị giá DBC đã “bốc hơi” 30%. Vốn hóa thị trường tương ứng còn khoảng 5.300 tỷ đồng.

Taseco Land thành lập vào năm 2006, tiền thân là CTCP Đầu tư Bất động sản An Bình, với 3 cổ đông cá nhân góp vốn ban đầu là các ông bà Vũ Ngọc Thiện, Trần Thị Hồng Anh, và Trần Thị Kim Anh. Đến tháng 3/2017, Taseco Group (thời điểm đó vẫn mang tên là CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long) trở thành cổ đông lớn và nắm chi phối 99,98% vốn Taseco Land.

Trải qua nhiều lần tăng vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ/cho cổ đông hiện hữu…, vốn điều lệ Taseco Land tại thời điểm 31/3/2024 đạt 2.970 tỷ đồng. Taseco Land cũng được tái cấu trúc trở thành đơn vị chuyên trách mảng bất động sản cho Taseco Group khi nắm vốn ở loạt các công ty con/công ty liên kết trong lĩnh vực địa ốc.

Năm 2024, Taseco Land đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.040 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 614 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 2% so với thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 475 tỷ đồng, tương đương lãi ròng đạt được năm ngoái. Công ty dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10 – 15%.

Quý đầu năm, Taseco Land ghi nhận doanh thu đạt 309 tỷ đồng, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 10,2 tỷ đồng, tăng gấp 68 lần quý 1/2023. Tuy nhiên, với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện 10% kế hoạch doanh thu và hơn 2,1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Kinh doanh có lãi nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Taseco Land lại âm 125,5 tỷ đồng trong quý đầu năm, cùng kỳ năm ngoái thậm chí còn âm hơn 417 tỷ đồng. Thực tế, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này đã âm nhiều năm qua. Con số năm 2022 là âm 219 tỷ đồng và năm 2023 là âm hơn 1.300 tỷ đồng.

Nguyên nhân do Taseco Land trong năm 2023 đẩy mạnh thực hiện Dự án số 4 thuộc khu đô thị mới trung tâm TP. Thanh Hóa (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng từ 88 tỷ đồng lên 1.754 tỷ đồng), dự án khu nhà ở thuộc khu tái định cư xã Hải Yến tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (tăng từ 46,5 tỷ đồng lên 612,3 tỷ đồng)…

Liên tục gia tăng vay nợ bù đắp dòng tiền

Nhằm bù đắp dòng tiền thiếu hụt, Taseco Land đã đẩy mạnh việc vay nợ từ năm 2023. Theo đó, tổng nợ phải trả Taseco Land tại ngày 31/12/2023 tăng 46,5% so với đầu năm, lên 5.949 tỷ đồng. Sự gia tăng chủ yếu đến từ nợ vay dài hạn, từ 226 tỷ lên 2.137 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trong khi đó, nợ ngắn hạn cũng tăng nhẹ từ 939 tỷ lên 1.126 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2023, tổng nợ vay tài chính của Taseco Land chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn với số dư 3.263 tỷ đồng. Con số này được duy trì đến cuối quý 1/2024 nhưng có sự chuyển dịch nhẹ từ nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn. Tính đến hết quý đầu năm nay, nợ dài hạn của Taseco Land lên đến 2.400 tỷ đồng.

Trong đó, Vietinbank là chủ nợ đáng chú ý với khoản vay ngắn hạn tổng hơn 310 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn này bao gồm một số khoản tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp tại Vietinbank; quyền sở hữu 26 căn hộ chung cư của Bên vay thuộc dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long; Phần vốn góp tương ứng 40 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Tasco tại Tasco Land...

Bên cạnh đó, Vietinbank cũng cho Taseco vay dài hạn 676,1 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu tái định cư Hải Yến (TP. Thanh Hóa); và khoản vay hơn 242,7 tỷ đồng với loạt tài sản đảm bảo là 45 triệu cổ phiếu Taseco Land thuộc sở hữu của Taseco Group, gần 36 triệu cổ phần Công ty ICON4, dự án Alacarte Hạ Long…

Ngoài ra, còn có MBBank cho Taseco Land vay dài hạn hơn 1.200 tỷ đồng, các tài sản thế chấp cho khoản nợ này là toàn bộ dự án Khu đô thị mới thuộc dự án số 4 Khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến dự án này, vừa qua UBND Tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND TP. Thanh Hoá thực hiện cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra dự án Khu đô thị mới thuộc dự án số 4, khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hoá (tên thương mại là Central Riverside Thanh Hóa).

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 1.163 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 42 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa với quy mô tổng diện tích 15,6 ha, trong đó diện tích đất ở là 7,2 ha, gồm 493 lô (433 lô liền kề và 60 lô biệt thự) được xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở và các công trình công cộng, thương mại dịch vụ.

Tháng 5/2024 vừa qua, HĐQT Taseco Land đã thông qua Nghị quyết phê duyệt việc vay tối đa 1.707,6 tỷ đồng từ Vietinbank, thời hạn vay tối đa 60 tháng, mục đích vay nhằm thực hiện đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Tin Cùng Chuyên Mục