Hội thảo “Trách nhiệm pháp luật trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”

Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế/ Cổng thông tin Bộ Tư pháp

Ngày 12/11/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và bà Lê Thị Hoàng Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự trực tiếp Hội thảo tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh có các cơ quan đại diện các Sở, ngành, hội, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nghiên cứu, như: Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp Bình Dương, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, MasterCard ... Bên cạnh đó, có hơn 200 đại biểu tham dự trực tuyến Hội thảo qua phần mềm Zoom.

Hội thảo “Trách nhiệm pháp luật trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” - Ảnh 1

Phiên làm việc buổi sáng tập trung vào 02 chủ đề, gồm: Tổng quan về địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm pháp lý dân sự liên quan đến trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực kinh doanh.

Các đại biểu đã được nghe các bài tham luận của diễn giả quốc tế và nhà khoa học Việt Nam, cụ thể: Diễn giải về các mô hình trí tuệ nhân tạo – Cơ sở kỹ thuật và thách thức pháp lý; các nguyên tắc cho khung pháp lý điều chỉnh trí tuệ nhân tạo, xác định địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo; quyền sở hữu trí tuệ của sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm sản phẩm từ kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ; trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế và trách nhiệm bồi thường do cẩu thả tại Singapore.

Trong phiên làm việc buổi chiều với chủ đề Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, các đại biểu đã được lắng nghe các tham luận, như: Trí tuệ nhân tạo và GDPR – làm sao để hài hòa cả hai từ góc nhìn của pháp luật Châu Âu; trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý dữ liệu cá nhân – pháp luật Liên minh Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam.

Hội thảo “Trách nhiệm pháp luật trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” - Ảnh 2

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về sự cần thiết phải rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng như thống nhất cho rằng cần phải nghiên cứu, giải nghĩa nội hàm của khái niệm “trí tuệ nhân tạo” để trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan.

Kết thúc Hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự quan tâm tham dự và phát biểu thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến của các đại biểu. Các nội dung được tham luận và trao đổi tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quý giá để Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tham khảo, tổng hợp xây dựng Báo cáo về Xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục