Miễn thuế cho nhiều nông sản Trung Quốc vào Việt Nam: Biến áp lực cạnh tranh thành động lực nâng cấp nền nông nghiệp

Thu Hồng

Khi thuế suất nhập khẩu còn 0%, hàng hóa nông sản Trung Quốc sẽ tăng thêm lợi thế khi vào Việt Nam, đồng thời ngành nông nghiệp trong nước vốn chịu nhiều tác động của điều kiện thời tiết, thiên tai... cũng được dự báo sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc giá rẻ “đổ bộ” vào.

Chính phủ vừa công bố danh sách các mặt hàng sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Theo đó, hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc và nhiều nước nhập khẩu vào Việt Nam như rau củ quả; cá, tôm, mực; thịt và phụ phẩm của thịt sau giết mổ như thịt trâu, bò và gia cầm sống... sẽ được hưởng mức thuế suất 0% từ năm 2016-2018. Một số dòng thuế còn lại sẽ được cam kết cắt giảm theo lộ trình đến năm 2020.

Hàng Việt, hàng Trung Quốc lẫn lộn rất khó phân biệt

Khi thuế suất nhập khẩu còn 0%, hàng hóa nông sản Trung Quốc sẽ tăng thêm lợi thế khi vào Việt Nam. Những mặt hàng Trung Quốc cùng loại sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng Việt như khoai tây, hành tây, súp lơ, cam, quýt, nho... nhờ giá rẻ. Đó là chưa kể nhiều loại trái cây của Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt Nam có thêm nhiều cơ hội thâm nhập và cạnh tranh không lành mạnh với trái cây nước ta.

Miễn thuế cho nhiều nông sản Trung Quốc vào Việt Nam: Biến áp lực cạnh tranh thành động lực nâng cấp nền nông nghiệp - Ảnh 1

 Nhiều loại trái cây của Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt.

Một tiểu thương bán trái cây ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cứ khoảng 3-4h sáng, chị cùng chồng lên chợ đầu mối Long Biên nhập hoa quả về bán. Theo chị: “Người tiêu dùng thường lo sợ trái cây Trung Quốc bị phun hoặc tiêm hóa chất bảo quản, làm tươi. Cho nên biết rõ là trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi về bán cứ bảo hàng Việt Nam để người mua yên tâm".

Đơn cử hiện cam xoàn Việt Nam trồng không đủ bán, nhưng mới đây, một loại cam nhập từ Trung Quốc có vỏ ngoài rất giống cam xoàn, giá thấp hơn 50% được nhiều nơi bán gọi là cam Vinh, cam xoàn. Trước đó xoài giá rẻ của Trung Quốc cũng được đội lốt xoài Tây nguyên; nho xanh không hạt của nước này được gắn mác nho Ninh Thuận, nho đỏ loại to gắn mác nho Mỹ; dưa vàng Trung Quốc gắn dưa lưới Bến Tre...

Ngoài rau quả, các sản phẩm như thịt gà, vịt, phụ phẩm, gia cầm sống từ Trung Quốc khi thuế về 0% cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với ngành chăn nuôi trong nước. Đại diện một công ty chăn nuôi cho hay, thời gian qua, một lượng lớn chân, cánh, đùi, mề gà... Trung Quốc được tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất. Nhưng nhiều lô hàng đã không được tái xuất mà đưa ra tiêu thụ trên thị trường khiến người chăn nuôi Việt Nam điêu đứng và người tiêu dùng trong nước đang bị ảnh hưởng vì chất lượng không đảm bảo.

“Nay với việc mở rộng cửa cho hàng miễn thuế thì chắc chắn các sản phẩm thịt, phụ phẩm gà, vịt từ Trung Quốc với giá rẻ sẽ có cơ hội gia tăng xuất sang Việt Nam. Từ đó khiến ngành chăn nuôi thêm khó khăn”, đại diện công ty trên cảnh báo.

Không “nuông chiều” hàng bẩn

Trao đổi với Doanhnhan.vn, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc mở cửa với hàng nước ngoài, xóa bỏ thuế quan đã và đang đặt lên vai ngành nông nghiệp nước ta, nhất là trồng trọt và chăn nuôi, một thách thức lớn.

Tuy nhiên, theo ông Dương, chúng ta không cần phải quá lo ngại, mà hãy sẵn sàng đón nhận, biến nó thành cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam: “Đây cũng có thể coi là một cơ hội để chúng ta tổ chức sản xuất lại, nâng cao chất lượng sản phẩm, không phải chỉ là cho xuất khẩu, mà ngay cả cho người Việt ăn, chúng ta cũng sẽ có những nông sản, thực phẩm có chất lượng, sạch, an toàn để cho người Việt cao lớn và khỏe mạnh hơn. Đó là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển chứ không chỉ là trong quá trình hội nhập; bởi không có hội nhập thì chúng ta vẫn cứ phải làm. Khi hội nhập, thì đó sẽ là một áp lực thúc ép chúng ta phải làm nhanh việc đó hơn thôi”.

Miễn thuế cho nhiều nông sản Trung Quốc vào Việt Nam: Biến áp lực cạnh tranh thành động lực nâng cấp nền nông nghiệp - Ảnh 2

 Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh lớn.

Để nông sản Việt không bị thua ngay trên “sân nhà”, ông Dương cho rằng, ngoài sản xuất đủ các sản phẩm đáp ứng tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước, giá thành sản phẩm phải hạ xuống. Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp tự vệ bằng các hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định, quy chuẩn. Hàng nhập vào cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cần kiểm tra dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích...

“Chúng ta không được “nuông chiều” hàng bẩn. Các sản phẩm nào có chứa những chất cấm mà Việt Nam không cho phép dùng thì sẽ không thể vào được Việt Nam. Ví dụ, như Mỹ không cấm dùng chất ractopamine (một loại chất tăng trọng) trong chăn nuôi, còn Việt Nam không cho dùng thì những sản phẩm có chứa ractopamine sẽ không thể vào Việt Nam được, cũng như Trung Quốc cho dùng chất cysteamine (một loại chất tăng trọng), còn chúng ta không cho dùng thì các sản phẩm có chứa chất này sẽ không thể vào Việt Nam được”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi dẫn chứng.

Ngoài ra, cũng theo ông Dương, để bảo đảm sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trong nước, chúng ta cần tổ chức sản xuất theo chuỗi, qua đó có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Cần áp dụng việc này đối với cả chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Đứng đầu các chuỗi sẽ là các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp marketing thị trường, sau các doanh nghiệp sẽ đến các hộ lớn và các hợp tác xã để gom các hộ nhỏ lại, tạo thành một chuỗi liên kết sản xuất, như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có được các sản phẩm với giá thành vừa phải, chất lượng đảm bảo, an toàn và sạch.

Đồng thời, ông Dương lưu ý: “Cần tuyên truyền cho người tiêu dùng biết được, thấy được rằng các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam là tươi sống, có chất lượng tốt thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm của chúng ta thay vì các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đông lạnh của Trung Quốc hay nước khác nhập khẩu vào. Đơn cử như, trước kia, Trung Quốc thường xuất khẩu gà “đầu trọc” (gà thải loại) sang Việt Nam, còn bây giờ Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền nên người dân không ăn loại gà đó nữa. Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ của truyền thông tới ý thức người tiêu dùng”.

Miễn thuế cho nhiều nông sản Trung Quốc vào Việt Nam: Biến áp lực cạnh tranh thành động lực nâng cấp nền nông nghiệp - Ảnh 3

 Gà thải từ Trung Quốc thường trọc lông ở cổ, trụi đầu và có lông xơ xác

“Đừng mở cửa một cách không kiểm soát”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm: “Gia nhập sân chơi chung, chúng ta không thể ngăn hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Nhưng điều đáng nói ở đây, cần bảo đảm công bằng giữa hàng trong nước và nhập khẩu bằng cách thắt chặt các biện pháp kiểm soát hàng hóa. Các nước đều có hàng rào kỹ thuật cần thiết để ngăn hàng hóa phẩm cấp thấp, hàng bán phá giá, ô nhiễm... Đừng mở cửa một cách không kiểm soát cho hàng nước ngoài, còn hàng trong nước lại bóp chặt, kìm hãm”.

Theo lời bà Lan, thời gian vừa qua cho thấy, việc bỏ qua khâu kiểm tra dư lượng hóa chất trong nông sản nhập khẩu đã dẫn đến cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng không biết các sản phẩm rau, củ, quả đang nhập vào Việt Nam có những chất gì và ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao. Chúng ta quá chiều chuộng, làm ngơ cho hàng hóa ngoại nhập không có lợi hoặc họ có vi phạm vẫn bỏ qua trong khi đó lại “bắt nạt” chính hàng trong nước.

“Ai quản lý thực phẩm biên giới, hàng vượt biên về trong nước, ở các chợ? Gia cầm, thực phẩm, hoa quả Trung Quốc về Việt Nam ai đảm bảo chất lượng? Trong khi đó, đối với những sản phẩm trong nước thì dù có một vấn đề rất nhỏ, nhưng lại bị phê phán mạnh mẽ”, bà Lan bức xúc.

Chuyên gia này cho biết thêm: “Cần phải bảo đảm mỗi lô hàng được nhập khẩu và kiểm soát bởi ai, như thế nào, những cái đó là rất cần, chứ không phải chỉ có mỗi hàng rào không. Vì “hàng rào” dù có dựng lên mà “người canh giữ” nhắm mắt làm ngơ thì cũng không hiệu quả”.

Tin Cùng Chuyên Mục