Ricons nộp đơn yêu cầu Coteccons "mở thủ tục phá sản"

Trung Hiếu

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons đã gửi đơn lên TAND TPHCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Xây dựng Coteccons vì việc tranh chấp hợp đồng kinh tế.

Ricons nộp đơn yêu cầu Coteccons "mở thủ tục phá sản"

Tranh chấp hợp đồng kinh tế

Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã CK: CTD) vừa có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố thông tin bất thường về việc nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của TAND TPHCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons.

Theo đó, Coteccons cho biết có sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, liên quan đến các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty. Coteccons cho biết, thời gian gần đây, có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch. Kể từ 2017, rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn tiếp tục tăng trong khi nguồn việc lại sụt giảm rất mạnh.

“Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực”, thông cáo nêu.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, có cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo về một cổ đông lớn không thanh toán công nợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu và nguồn vốn của công ty.

Ban lãnh đạo Ricons khẳng định việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là không phù hợp với tinh thần hợp tác và trách nhiệm của một cổ đông lớn. Phía doanh nghiệp đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận các điều khoản của hợp đồng, song chưa có kết quả khả quan.

"Tương tự các đối tác khác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài, buộc chúng tôi phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình", đại diện ban lãnh đạo Ricons chia sẻ.

Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, Coteccons khẳng định, nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như dự án Regina Hưng Yên, thiết kế dự án Đông Á, dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty.

Liên quan 'cuộc chiến' giành gói thầu 35.000 tỉ sân bay Long Thành?

Theo Coteccons, những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý. Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong, như: Dự án Newtaco, Regina giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina giai đoạn 6, dự án Regina Hưng Yên, dự án Simco...

Coteccons cho hay đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu. Coteccons khẳng định, khi các bên liên quan đã thực hiện giao dịch phát sinh công nợ thì phải trả nhưng phải tuân thủ đúng quy định của các hợp đồng đã ký và đúng quy định của pháp luật.

“Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này”, thông cáo của Coteccons nêu.

Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons. Coteccons cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác để giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa công ty với Ricons.

Có thể thấy, gói thầu có giá trị hơn 35.000 tỉ đồng liên quan đến sân bay Long Thành chính là một trong những dự án chiến lược với Coteccons và cả Ricons ở thời điểm hiện tại.

Hiện có ba liên danh tham gia đấu thầu dự án sân bay Long Thành gồm: (1) Liên doanh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu; (2) Liên doanh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu, được "bọc lót" bởi hàng loạt nhà thầu khác như Xây dựng Hòa Bình, Central, An Phong...; (3) Liên doanh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, hợp sức với nhiều doanh nghiệp khác và hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương (Ricons, Newtecons và SOL E&C) tham gia.

Như vậy, Coteccons và Ricons đang là đối thủ tham gia cuộc chiến giành gói thầu có trị giá hơn 35.000 tỉ đồng.

Hiện tại, Coteccons chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Tuy nhiên, lượng tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tính đến hiện tại đạt mức 4.224 tỷ đồng so với chỉ 1.163 tỷ đồng vay nợ ngắn và dài hạn. Rõ ràng, với tiềm lực tài chính mạnh như thế, không có khả năng Coteccons không trả nổi các khoản nợ với Ricons.

Theo SSI Research, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành thì Coteccons cũng đã ghi nhận 2 quý dòng tiền kinh doanh dương trở lại liên tiếp nhờ cơ cấu tốt nguồn vốn lưu động.

Cũng theo đánh giá của SSI Research, Coteccons có kỳ vọng tạo đáy lợi nhuận trong năm 2022 và bắt đầu hồi phục từ 2023 nhờ mảng xây dựng các gói thầu công nghiệp trở thành định hướng mới với những "Mega Project" đầu tiên như Lego sẽ bắt đầu được ghi nhận từ nửa cuối năm; kỳ vọng giảm áp lực trích lập dự phòng sau khi hoàn thành trích lập 16 dự án lớn theo mô hình cũ; đa dạng hóa backlog công việc bằng đẩy mạnh mảng xây dựng công nghiệp, trong đó có mảng hạ tầng – đầu tư công.

Tin Cùng Chuyên Mục