Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Tiềm năng phát triển mạnh mẽ

Năm 2023 mở ra với nhiều khởi sắc đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đã mạnh mẽ vượt qua thời gian dịch bệnh Covid-19 mang tính thanh lọc như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2023 hứa hẹn là thời điểm vực dậy và phát triển vượt bậc.

Sau 3 năm liền thế giới phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh cũng như xung đột địa chính trị, nền kinh tế chung suy thoái trầm trọng, tính riêng tại Việt Nam, khoảng 100.000 doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản trong thời gian này. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực hơn, bất chấp những khó khăn khách quan, rất nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn trụ vững và đạt được thành tựu nhất định. 

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Tiềm năng phát triển mạnh mẽ - Ảnh 1

Có thể thấy, trong hoàn cảnh dịch bệnh và biến động chính trị, bản thân thị trường sẽ tự thanh lọc, chỉ những doanh nghiệp thực sự mạnh mẽ và thực lực mới có thể tiếp tục trụ vững. Với bản lĩnh đó, bước sang năm 2023, khi mọi khó khăn đã qua đi, các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ là trụ cột góp phần vực dậy nền kinh tế nước nhà vốn đã chịu nhiều tổn thương trong thời gian qua.

Là một trong những doanh nghiệp mang tầm quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã phải đối mặt với cú giáng nặng nề trong thời kỳ đại dịch. Với đặc trưng quy mô càng lớn - khó khăn càng nhiều, trách nhiệm với khoảng 90.000 lao động đè nặng lên vai doanh nghiệp. Tuy nhiên, với bản lĩnh, thực lực và chủ trương nghiêm túc bám sát chỉ đạo từ Chính phủ, Tập đoàn đã thành công vượt qua thời điểm khó khăn nhất này.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Tiềm năng phát triển mạnh mẽ - Ảnh 2

Bước vào năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu đầu vào (sắt thép, xăng dầu, dịch vụ logistic..) tăng cao, tình hình sản xuất kinh doanh của TKV và các đơn vị thành viên cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo báo cáo từ Tập đoàn, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, công nhân lao động trực tiếp của các đơn vị thành viên TKV phải nghỉ việc luân phiên trong năm dẫn đến khó khăn trong điều hành, bố trí nhân lực lao động, tổ chức sản xuất, thực hiện dự án đầu tư và tiết giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, trong năm đã phát sinh thêm chi phí cho phòng chống dịch làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh chung. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy và Hội đồng Thành viên, sự điều hành linh hoạt của Ban Tổng giám đốc; sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên chức lao động, Tập đoàn đã hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ và được đánh giá là một năm thành công nhất trong vòng 5 năm gần đây, thể hiện trên các mặt công tác chủ yếu gồm: Thực hiện phòng chống dịch tốt và sản xuất kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, lợi nhuận vượt kế hoạch giao, nộp ngân sách và chăm lo cho người lao động tốt hơn nhiều năm trước

Cụ thể, TKV ghi nhận: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu toàn tập đoàn (Than, Điện, Đồng tấm, Thuốc nổ, Alumina) tăng từ 105 đến 112,5% so với kế hoạch và tăng so với năm 2020; Doanh thu tổng số toàn Tập đoàn đạt: 138.813 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch năm và bằng 104,8% so với năm 2020 (132.415 tỷ đồng); Lợi nhuận trước thuế năm 2021 hợp nhất toàn Tập đoàn là 5.288 tỷ đồng, bằng 176,3% so với kế hoạch và bằng 170,9% so với năm 2020 (3.094 tỷ đồng).

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Tiềm năng phát triển mạnh mẽ - Ảnh 3

Cùng với đó, theo báo cáo từ TKV, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2021 của Tập đoàn là 1,60 lần, giảm 0,37 lần so với năm 2020 (1,97 lần) và thấp hơn nhiều so với mức trần quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ (≤ 3 lần). Trong năm 2021, TKV không phát sinh nợ quá hạn, nợ khó đòi mới vì đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác thu hồi công nợ. Số dư nợ khó đòi tại cuối tháng 12/2021 là 279,2 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,024% trên tổng doanh thu, đã giảm 52,097 tỷ đồng so với số liệu cùng thời điểm năm 2020. Điều này thể hiện khả năng tự chủ tài chính của TKV đã tăng lên rõ rệt.

Đồng thời, khả năng thanh toán nợ đến đến hạn hợp nhất là 0,97 lần; tăng 0,07 lần so với năm 2020 (0,90 lần). Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn của Công ty Mẹ là 1,18, cao hơn so với năm 2020 (1,09 lần); chứng tỏ TKV tiếp tục duy trì khả năng thanh toán tốt. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) năm 2021 là 10,2%; tăng 1,6 lần so với năm 2020 (6,37%). Riêng với Công ty mẹ, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên Vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) năm 2021 là 4,83%, bằng 110,5% so với kế hoạch được Uỷ ban Quản lý vốn giao. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) năm 2021 là 3,5%; tăng 1,8 lần so với năm 2020 (1,94%).

Theo đó, trong năm 2021, TKV đã nộp vào ngân sách nhà nước 18.982 tỷ đồng, bằng 106% so với kế hoạch. Hệ số bảo toàn vốn của Công ty mẹ năm 2021 là 1,02 lần. Như vậy, công ty mẹ TKV đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn. Bên cạnh đó, Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn năm 2021 đạt 14,6 triệu đồng/ người/ tháng; tăng 12,6% so với kế hoạch và tăng 5,4% so với thực hiện năm 2020.

Có thể thấy, mặc dù phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh và tình huống khách quan nhưng trong năm 2021,Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực hết mình và đạt được những chỉ số ngoài mong đợi. Với nền tảng này, năm 2023 hứa hẹn sẽ là một năm phát triển hơn nữa của doanh nghiệp, góp phần tích cực vực dậy nền kinh tế nước nhà.

Tin Cùng Chuyên Mục