Vì sao lợi nhuận Imexpharm (IMP) đi lùi?

An Chi

Doanh thu Imexpharm nửa đầu năm tăng nhưng lợi nhuận giảm do điều chỉnh hàng tồn kho, khấu hao nhà máy IMP4 theo kế hoạch và tăng giá hoạt chất.

Quý II/2024, lợi nhuận Dược phẩm Imexpharm giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Quý II/2024, lợi nhuận Dược phẩm Imexpharm giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận nửa đầu năm giảm 19%

Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã ck: IMP) công bố doanh thu quý II đạt 517 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp còn tăng 4%. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng thời tăng 18% và 21%.

Qua đó, lợi nhuận sau thuế giảm 17,3% xuống 65,9 tỷ đồng – quý thứ 3 liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng gần 10% lên 1.008 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 19% xuống 128 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết doanh thu nửa đầu năm tăng nhờ kênh đấu thầu qua bệnh viện (ETC) tăng 33%, vượt trội so với mức tăng chung của thị trường. Ngược lại, kênh bán thuốc không kê đơn (OTC) giảm 4% dù doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác với các chuỗi nhà thuốc.

Tuy nhiên, việc giá vốn hàng bán tăng 27% đã khiến lợi nhuận suy giảm. Công ty lý giải, giá vốn tăng một phần do chủ động điều chỉnh hàng tồn kho phù hợp với bối cảnh thị trường OTC trầm lắng, một phần bởi khấu hao nhà máy IMP4 (vận hành tháng 8/2023) theo kế hoạch và tăng giá hoạt chất. Năm nay, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu 2.364 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng, tăng 12%. Như vậy, qua nửa chặng đường, công ty mới thực hiện 43% chỉ tiêu doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong nửa đầu năm, công ty đã ra mắt 10 SKU mới và đang triển khai 93 dự án R&D. Ngoài ra, Imexpharm ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Genuone Sciences Inc. để thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến từ Hàn Quốc. Thông qua đó, công ty có thể nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc phức tạp ngoài kháng sinh bao gồm tiểu đường và tim mạch.

Ngoài ra, công ty đã lên kế hoạch đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường thuốc tiêm chất lượng cao, một loại thuốc khó sản xuất thông qua kế hoạch mở rộng nhà máy IMP4. Imexpharm tin rằng hiệu quả của hàng loạt chiến dịch tiếp thị và bán hàng thực hiện xuyên suốt từ đầu năm sẽ phản ảnh vào kết quả kinh doanh tích cực trong nửa cuối năm, đưa công ty hoàn thành các mục tiêu tài chính đã đề ra tại ĐHĐCĐ năm 2024.

Phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu để tăng vốn

Ngày 5/7, HĐQT công ty đã ban hành nghị quyết triển khai lấy ý kiến cổ đông về phương án thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%. Công ty dự kiến phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn lên 1.540 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết phương án tăng vốn nhằm hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng và mở rộng của Imexpharm trong 3 – 5 năm tới. Sau khi phát hành, công ty dự kiến sẽ trở thành công ty dược phẩm niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất, củng cố vị thế dẫn đầu thị trường và cạnh tranh.

Đồng thời, bằng cách tăng thêm số lượng cổ phiếu lưu hành, việc phát hành cổ phiếu thưởng được kỳ vọng nâng cao tính thanh khoản trên thị trường và kích thích giao dịch tích cực hơn tác động đến nhận thức thị trường về cổ phiếu IMP và tiềm năng nâng cao giá trị cổ đông.

Doanh nghiệp dự kiến hoàn thành đợt thưởng cổ phiếu vào quý IV, sau khi nhận được sự chấp thuận từ cổ đông và UBCKNN.

Cổ phiếu IMP có đợt tăng giá mạnh từ 59.000 đồng/cp lên 93.500 đồng/cp trong gần 3 tháng qua. Imexpharm cho rằng cơ hội cho các công ty dược Việt Nam tiếp tục gia tăng nhờ các chính sách mới của Chính phủ nhằm ưu tiên cho các nhà sản xuất nội địa.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành 4 Thông tư quan trọng (TT03, 04, 05, 07) trong nửa đầu năm nhằm tháo gỡ tối đa các khó khăn trong quá trình mua sắm và đấu thầu các loại thuốc và vật tư y tế. Imexpharm kỳ vọng rằng những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cơ hội cho thị trường dược phẩm Việt Nam trong dài hạn.

Tin Cùng Chuyên Mục