Bộ TT&TT xử phạt 'kỳ lân' VNG do phát hành game sai phép

Linh An

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNG đã cung cấp dịch vụ 6 trò chơi điện tử không đúng với nội dung kịch bản đã được phê duyệt.

Bộ TT&TT xử phạt 'kỳ lân' VNG do phát hành game sai phép

VNG liên tục bị xử phạt

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ hôm 7/12, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, ngày 06/12/2023, cơ quan quản lý đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần VNG (VNG) do cung cấp dịch vụ 6 trò chơi điện tử G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) không đúng kịch bản đã được phê duyệt. 

Bộ TT&TT xử phạt 'kỳ lân' VNG do phát hành game sai phép - Ảnh 1

Danh sách các trò chơi sai phép gồm: Tú Lơ Khơ, Poker Việt Nam, Crazy Tiến Lên, Tiến Lên Miền Nam, Cờ Cá Ngựa, Cờ Tướng. Theo đó, VNG vi phạm khoản 2, điều 1 trong Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến số 03/QĐ-TCTT ngày 16/01/2009 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp cho Công ty cổ phần VNG. Hình thức xử phạt bổ sung là Tước quyền sử dụng Quyết định phê duyệt trong vòng hai tháng.

Trước đó, vào tháng 11/2023, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần VNG do có hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể, VNG bị xử phạt 85 triệu đồng do không công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên soát xét năm 2023.

Bên cạnh đó, công ty cũng công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội các tài liệu như báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 được kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2022.

Vào tháng 10/2023 , VNG cũng bị Công ty cổ phần Truyền thông TK-L (Công ty TK-L) kiện về việc “tranh chấp độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh trên lãnh thổ Việt Nam”.

Vụ kiện xuất phát từ năm 2020, khi VNG bị tố là có hành vi sao chép, lưu trữ và khai thác ba bộ phim do Công ty TK-L độc quyền khai thác là: “The Story of Minglan - Minh Lan truyện”, “Princess silver - Bạch Phát Vương Phi”, “Legend of the Phoenix - Phượng Dịch”.

Theo quyết định của Toà án Sơ thẩm (29/9/2022), VNG buộc bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng (bao gồm chi phí thuê luật sư) vì xâm phạm bản quyền 3 bộ phim trên.

Ngày 15/01/2020, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty VNG số tiền 90 triệu đồng cho 5 hành vi vi phạm, trong đó có “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của Công ty cổ phần Truyền thông TK-L mà không được sự đồng ý” liên quan đến 3 bộ phim trên.

Kết quả kinh doanh "lao dốc"

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2023, Công ty VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.332,9 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng gần nhất, doanh thu tài chính trong kỳ tăng lên 28,2 tỷ đồng, tương đưng 21,9% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng lên mức 52,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận ở mức 700 triệu đồng, chi phí lãi vay ghi nhận tại 29,4 tỷ đồng.

Bộ TT&TT xử phạt 'kỳ lân' VNG do phát hành game sai phép - Ảnh 2

Chi phí bán hàng của VNG chiếm 718,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 12%, lùi về mức 334,9 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh tại các công ty liên kết cũng ghi nhận thua lỗ 29,4 tỷ đồng.

Kết quả là, lợi nhuận sau thuế của VNG ghi nhận khoản lỗ 171,7 tỷ đồng, giảm hơn so với khoản lỗ 258,1 tỷ đồng ở cùng kỳ năm 2022. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu VNG đạt 6.431,2 tỷ đồng, tăng so với con số 5.763 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái. 

Lợi nhuận sau thuế của VNG là âm 465 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 là âm 768 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của công ty mẹ 9 tháng đầu năm 2023 là 310,5 tỷ đồng. 

Như vậy, với việc lỗ thêm 310,56 tỷ đồng, tính tới 30/9/2023, Công ty VNG đang ghi nhận lãi luỹ kế 4.684,1 tỷ đồng, thấp hơn so với đầu năm ghi nhận lãi luỹ kế 5.092,95 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của công ty VNG tăng 9,6% so với đầu năm, lên mức 9.756,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.774,4 tỷ đồng, chiếm 38,7% tổng tài sản.

Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.222,3 tỷ đồng. Trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng có xu hướng gia tăng lên 693,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho chỉ chiếm 75,9 tỷ đồng.

Khoản tài sản cố định ghi nhận tại 2.315,9 tỷ đồng, chiếm 23,74% tổng tài sản.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả tăng 34,6%, lên mức 5.097 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3.787 tỷ đồng (tăng 35,9% so với đầu năm), nợ dài hạn là 1.309 tỷ đồng (tăng 31%).

Bộ TT&TT xử phạt 'kỳ lân' VNG do phát hành game sai phép - Ảnh 3

Tính đến cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 203,8% so với đầu năm, lên mức 1.348,8 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn là 729,5 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 619,5 tỷ đồng. 

Ghi nhận về vốn chủ sở hữu của VNG giảm từ 5.114,6 tỷ xuống chỉ còn 4.659,3 tỷ đồng. Công ty cũng đang âm thặng dư vốn cổ phần 409,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng chiếm 4.684,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm hồi đầu năm.

Tin Cùng Chuyên Mục