ĐHĐCĐ 2023: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) chốt chia cổ tức 7% tiền mặt, quý 1 lãi giảm do hụt thu nhập từ thanh lý tài sản cố định

An Chi

Ngày 29/5 tại TP.HCM, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã CK: PVS) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.

Theo đó, Doanh nghiệp đã đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu 13,2 ngàn tỷ đồng, giảm 19,4% so với thực hiện 2022. Chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra giảm tới 42% so với thực hiện năm 2022 xuống còn 560 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ 2023: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) chốt chia cổ tức 7% tiền mặt, quý 1 lãi giảm do hụt thu nhập từ thanh lý tài sản cố định - Ảnh 1

Định hướng trong năm 2023 doanh nghiệp sẽ tối đa các nguồn lực mạnh nhất nhằm phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới để phát huy thế mạnh chuỗi giá trị dựa trên lợi thế quy mô và đa dịch vụ của PTSC.

Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cốt lõi đảm bảo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cho các khách hàng ngoài ngành, ngoài nước cũng như tích cực tham gia đấu thầu, xúc tiến thương mại, thiết lập mối quan hệ hợp tác liên danh, liên kết phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp.

Hiện công ty đang đẩy mạnh nghiên cứu, tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, điển hình như kết hợp với Sarens để phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi; Ký thỏa thuận phát triển chung với Sembcorp về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam; Phối hợp với liên danh Semco Maritime và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC tham gia dự án điện gió ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc); và sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng xây dựng chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và khu vực.

Về kết quả kinh doanh của quý đầu năm 2023, PTSC báo doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ xuống còn 3.700 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 227 tỷ đồng giảm 9% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập khác giảm so với quý 1/2022 do trong quý 1/2022 có phát sinh thu nhập từ thanh lý tài sản cố định. Với kết quả trên, hết Quý 1/2023 Công ty đã đạt 28% mục tiêu doanh thu và gần 41% kế hoạch lợi nhận.

Bên cạnh đó, tại Đại hội Cổ đông PTSC cũng trình và được đại hội thông qua kế hoạch trả cổ tức 2022 bằng tiền mặt ở mức 7% vốn điều lệ, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp nhận được 700 đồng. Kế hoạch trả cổ tức năm 2023 cũng được giữ nguyên mức 7%.

Định hướng đầu tư mạnh vào điện gió xa bờ

Lãnh đạo Công ty cũng đánh giá năng lượng tái tạo (NLTT) đang là mảng được hưởng lợi nhờ các chính sách thúc đẩy phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững, giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch để đảm bảo phù hợp quy hoạch điện lực quốc gia.

Công ty thông qua định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) của PTSC theo 2 trụ cột chính:

Phát triển PTSC thành nhà thầu cung cấp dịch vụ tầm quốc tế về NLTTNK bên cạnh lĩnh vực dầu khí hiện tại; và tham gia đầu tư, phát triển các dự án NLTT mà bước đầu là điện gió ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam.

Để hoàn tất 2 trụ cột này, PTSC dự tính tăng đầu tư, chuyển đổi hạ tầng từ tổng công ty với các công ty thành viên, đồng thời tái cấu trúc hệ thống kinh doanh theo hướng xanh, hướng đến vai trò là nhà thầu lĩnh vực NLTT ngoài khơi.

Thêm vào đó, Công ty sẽ phân bổ các nguồn lực đủ lớn (dự kiến 100 tỷ đồng) vào hoạt động nghiên cứu, khảo sát (địa chất, thuỷ văn, tiềm năng gió), cũng như điều tra cơ bản, tư vấn phục vụ việc lập dự án đầu tư, báo cáo tiền khả thi, tư vấn thu xếp vốn, phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh năng lượng tái tạo, PTSC vẫn có định hướng phát triển các lĩnh vực dầu khí truyền thống. PTSC đã trình và được đại hội thông qua việc đầu tư vào một số dự án mà Doanh nghiệp có khả năng đẩy mạnh triển khai, bao gồm: Dự án Lô B của Chủ đầu tư Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC); Dự án Đường ống Lô B– Ô Môn của Chủ đầu tư Công ty Điều hành Dầu khí Tây Nam (SWPOC); Dự án Sư Tử Trắng Phase 2 của Chủ đầu tư Cửu Long JOC; Dự án LNG Sơn Mỹ của Chủ đầu tư Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ (Liên doanh có vốn góp của PV Gas); Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Chủ đầu tư BSR.

Theo PTSC, đây là các dự án đặc thù với yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian triển khai nhanh, tiến độ chặt chẽ, quy mô các gói thầu có giá trị lớn, tính cam kết mạnh.

Các cam kết bảo đảm (bảo lãnh dự thầu, cam kết thực hiện hợp đồng) liên quan đến các gói thầu cũng có giá trị lớn, tính đảm bảo thực thi vô cùng chặt chẽ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư của đa số dự án sẽ là bên có liên quan đến PTSC như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị trong ngành.

Năm 2022 khó khăn nhưng PTSC vẫn gặt hái nhiều thành tựu

Lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế làm đứt gãy chuối cung ứng, giá nguyên vật liệu, nhiên nhiệu, chi phí vận tải leo thang.

Ngành dầu khí Việt Nam đang phải đối diện nhiều thách thức bởi xu hướng dịch chuyển năng lượng sang năng lượng tái tạo, các mỏ dầu suy giảm sản lượng tự nhiên, các mỏ nhận lại từ nhà thầu nước ngoài chưa có cơ chế vận hành dẫn đến việc đầu tư các dự án mới cho thăm dò khai thác, gia tăng trữ lượng trong nước gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ.

Đối với thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí, khối lượng công việc và dự án liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của PTSC trong nước tiếp tục khan hiếm, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp và cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh lớn, sức ép giảm chi phí, yêu cầu các điều khoản đẩy rủi ro về phía nhà thầu và sự bảo hộ đối với doanh nghiệp trong nước của các nước sở tại ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, PTSC buộc phải tìm định hướng mới, thị trường mới để đảm bảo duy trì sự phát triển.

Công ty định hướng các biện pháp quản lý, triển khai tái cấu trúc mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động, kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh, đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh trong xu hướng chuyển dịch năng lượng để phát triển các sản phẩm mới, mở rộng cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) và đẩy mạnh phát triển dịch vụ ra thị trường nước ngoài (Trung Đông, Ấn Độ, Malaysia, Brunei, Indonesia, Cambodia…) góp phần bù đắp khối lượng công việc truyền thống bị giảm sút.

Mặc dù đứng trước những khó khăn của năm 2022, Công ty vẫn thu về kết quả đáng khích lệ khi doanh thu hợp nhất thực hiện năm 2022 là 17.081 tỷ đồng, đạt 170,8% kế hoạch năm 2022, tăng 15,6% so với thực hiện năm 2021; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế thực hiện năm 2022 là 1.174 tỷ đồng, đạt 192,4% kế hoạch năm 2022, tăng 21,1% so với thực hiện năm 2021.

Nguồn: Tài liệu họp ĐHCĐ 2023
Nguồn: Tài liệu họp ĐHCĐ 2023

Tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài năm 2022 đạt trên 40%, tăng nhiều so với những năm trước cho thấy nỗ lực chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài của PTSC nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định, bền vững.

Đối với dịch vụ Cung ứng Tàu chuyên dụng: Kết quả doanh thu thực hiện năm 2022 là 1.946 tỷ đồng, đạt 181% Kế hoạch năm 2022, tăng 8,0% so với thực hiện năm 2021. Tổng số ngày hoạt động của các Tàu dịch vụ của PTSC (bao gồm cả Tàu thuê bareboat) đạt 2.132 ngày, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với dịch vụ Cung cấp, Quản lý, Vận hành, Khai thác Tàu chứa FSO/FPSO: Kết quả doanh thu thực hiện năm 2022 là 2.266 tỷ đồng, đạt 151% Kế hoạch năm 2022, giảm 4,4% so với thực hiện năm 2021. Kết quả doanh thu lĩnh vực dịch vụ này giảm so với năm 2021 là do đơn giá cho thuê FPSO PTSC Lam Sơn giảm

Về dịch vụ Cơ khí Dầu khí và Công trình Công nghiệp: Kết quả doanh thu thực hiện năm 2022 là 9.160 tỷ đồng, đạt 129% Kế hoạch năm 2022, tăng 17,8% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu các dự án Cơ khí Dầu khí là 6.365 tỷ đồng, doanh thu các dự án Công trình Công nghiệp là 2.795 tỷ đồng.

Về dịch vụ Căn cứ Cảng Dầu khí: Kết quả doanh thu thực hiện năm 2022 là 1.616 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch năm 2022, giảm 6,9% so với thực hiện năm 2021.

Về dịch vụ Vận chuyển, Lắp đặt, Đấu nối, Vận hành, Sửa chữa và Bảo dưỡng các Công trình Dầu khí: Kết quả doanh thu thực hiện năm 2022 là 1.898 tỷ đồng, đạt 125% Kế hoạch năm 2022, giảm 15,3% so với thực hiện năm 2021. Kết quả doanh thu lĩnh vực dịch vụ này giảm so với năm 2021 là do khối lượng công việc trong năm 2022 sụt giảm, ít dự án lớn trong lĩnh vực xây lắp hàng hải tại Việt Nam được triển khai.

Về dịch vụ Khảo sát Địa chấn Địa chất Công trình và Khảo sát Sửa chữa Công trình Ngầm bằng ROV: Kết quả doanh thu thực hiện năm 2022 là 510 tỷ đồng, đạt 111% Kế hoạch năm 2022, tăng 68,8% so với thực hiện năm 2021. Kết quả doanh thu lĩnh vực dịch vụ này tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 là do nhiều dự án/công việc khách hàng giãn/dừng năm 2021 được đẩy mạnh triển khai trong năm 2022

Về đầu tư và kinh doanh lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi: Nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, PTSC đã tích cực đến thăm, làm việc với nhiều đối tác, khách hàng tiềm năng (RENOVA, SARENS, Equinor, HDF Energy...) và triển khai ký kết các Bản ghi nhớ, Thỏa thuận Hợp tác trong việc đầu tư phát triển cũng như tìm kiếm các giải pháp tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Tin Cùng Chuyên Mục