DN "khóc ròng" vì quyết định thu hồi đất quốc phòng cho thuê làm kinh tế

Song Anh

Hàng chục doanh nghiệp (DN) thuê đất vành đai sân bay Đà Nẵng cùng cả ngàn công nhân đang "khóc ròng" chỉ vì 1 quyết định thu hồi đất cho thuê quá đột ngột.

Những  ngày vừa qua, hàng chục DN tại Đà Nẵng đồng loạt làm đơn cứu xét gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... vì bị thanh lý hợp đồng thuê đất vành đai sân bay trước thời hạn.

Cụ thể, gần 3 năm nay, các DN đã ký hợp đồng với Sư đoàn 372 (Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân) để thuê đất kinh doanh. Tuy nhiên, vào ngày 22/9 vừa qua, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân ra Quyết định 3776 QĐ-BTL yêu cầu Sư đoàn 372, thanh lý, chấm dứt các hợp đồng với hàng chục DN dù cho các DN này còn hợp đồng hoặc mới ký gia hạn hợp đồng thuê đất. Lý do chấm dứt không được nói rõ trong quyết định này của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

DN

Ông Lương Đình Hùng, một giám đốc DN thuê đất quốc phòng trình bày 

Theo quyết định trên, ngày 27/9, Sư đoàn 372 đã có buổi làm việc với hàng chục doanh nghiệp, thông báo về quyết định thu hồi đất mà các doanh nghiệp này đang thuê.Tại cuộc họp, Sư đoàn 372 đã thông báo về quyết định thu hồi hàng toàn bộ đất quốc phòng thuộc sân bay Đà Nẵng. Các doanh nghiệp có 10 ngày để bàn giao mặt bằng, hạn cuối giao đất ngày 6/10.

Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H cho biết, từ tháng 2/2015 ông được thuê 2.880 m2 đất khu vực vành đai sân bay Đà Nẵng của Sư đoàn 372. Thời gian hợp đồng đến ngày 30/6/2018. Để cải tạo mặt bằng, xây dựng ban đầu, ông mất gần nửa năm sau mới có thể đưa Công ty đi vào hoạt động. Sau gần 2 năm, theo phê duyệt đề án thu hồi vốn sau 3 năm vẫn chưa được, ông đột ngột nhận được thông báo Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi lại đất đã cho thuê với thời gian khá gấp rút.

DN

Đơn xin cứu xét của các DN 

Ông Khải bật khóc trình bày, công ty ông theo ngành nghề cơ khí tự động, máy móc trang thiết bị rất lớn, có cái lên đến hàng chục tấn nên việc tìm nơi di dời, đặt để không phải “một sớm một chiều”. Đặc biệt, ở đây còn liên quan đến vẫn đề giải quyết công ăn việc làm, mưu sinh của hơn 400 lao động. Từ khi nhận được “trát” thanh lý hợp đồng thuê đất, không chỉ ông tỏ ra bế tắc, công nhân cũng lo lắng vì tương lai không biết đi đâu và về đâu trong nhiều tháng thất nghiệp.

DN

 Ông Khải bật khóc trước quyết định thu hồi đất đột ngột

Ông Khải cho rằng , ông hoàn toàn ủng hộ Chủ trương của Bộ Quốc phòng trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để cho ông tìm địa điểm mới, di dời nhà xưởng và máy móc. “Chí ít, mong Chính phủ, Bộ Quốc phòng xem xét kéo giãn thời gian thanh lý hợp đồng trong 5-7 tháng để chúng tôi chuẩn bị, nhằm tránh gây thiệt hại cho DN và người lao động”, ông Khải khiến nghị.

Không chỉ ông Khải, trong lá đơn kêu cứu tập thể, ông Nguyễn Đức Dương (đại diện Công ty TNHH Cẩm Dương) ông Lương Đình Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Đình Hùng), Nguyễn Tiến Dũng (đại diện Công ty Cổ phần Bê tông Đăng Hải) cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Cả 3 công ty hiện có số lao động lên đến hơn 1.000 người đang lao đao với thông báo thu hồi đất.

DN

Hàng ngàn công nhân cũng đứng trước nguy cơ mất công ăn việc làm 

Đặc biệt, ông Hùng, ông Dương trình bày, để xây dựng vào nhà kho, bến bãi, máy móc, các ông phải vay mượn hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng. Thời gian hoạt động chưa được bao lâu, vốn thu hồi chưa kịp tình đến thì nhận thông báo thanh lý. Điều này đã đẩy DN vào thế phá sản, gây nợ xấu cho ngân hàng. Ông Hùng, ông Dương, ông Dũng khẳng định, chủ trương của Bộ Quốc phòng hoàn toàn đúng đắn và DN rất đồng tình. Thế nhưng, cần phải cho họ thêm thời gian thực hiện.

Ngoài ra, trong đơn cứu xét, đại diện các DN cũng đề nghị thêm, nên chăng Bộ Quốc phòng cần làm toàn diện, tránh đối xử không công bằng giữa các DN, tránh lợi ích nhóm. Có đó, việc rà soát thu hồi phải được triển khai ở diện tích đất Quân khu 5, Quân chủng Hải quân đang cho thuê chứ không chỉ riêng đất khu vực sân bay Đà Nẵng.

Trao đổi  báo chí, Đại tá Nguyễn Văn Định (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 372) cho biết, căn cứ theo Quyết định 67/2011 của Bộ Quốc phòng về quản lý hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành quy chế quản lý sử dụng đất quốc phòng. Dựa vào cơ sở trên, từ năm 2013- 2016, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã đồng ý phê duyệt phương án hợp tác đầu tư, xây dựng, tận dụng mặt bằng, đất giáp bờ tường vành đai sân bay Đà Nẵng để giao cho Sư đoàn 372 hợp tác với DN thương mại.

Việc hợp tác trên nhằm mục đích, tạo ông ăn việc làm cho con em cán bộ trong quân đội và dân cư quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tạo nguồn thu bù đắp vốn đầu tư xây dựng và tăng thêm nguồn thu bổ sung kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ của Sư đoàn 372.

Tuy nhiên, mới đây, thanh tra của Bộ Quốc phòng đã yêu cầu chấn chỉnh việc cho các DN thuê đất. Đại tá Định cho rằng, đơn vị sở tại cũng rất muốn tạo điều kiện cho DN nhưng phải thực hiện nghiêm theo lệnh của cấp trên. Cụ thể, sau chỉ đạo của Bộ Quốc phòng tại công văn số 103 ngày 1/9/2017, công điện 29 ngày 7/9/2017... Sư đoàn 372 đã tổng rà soát diện tích đất do đơn vị quản lý. Đồng thời, tiến hành thu hồi đất quốc phòng khu vực Sân bay Đà Nẵng trước đây cho các DN thuê.