Dòng tiền kinh doanh âm nặng phải liên tục đi vay, từng bị thu hồi dự án ngay trên sân nhà, Tập đoàn Đạt Phương (DPG) vẫn trúng thầu triển khai gói thầu hàng nghìn tỷ đồng

Quỳnh Chi

Đạt Phương là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu dự án thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình với giá 1.145,7 tỷ đồng.

Một mình tham gia dự thầu

Ban quản lý dự án thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình mới đây đã công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL1 Xây dựng cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu. Theo đó, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã CK: DPG) là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 1.145,7 tỷ đồng.

Cầu Nhật Lệ là công trình nối hai bờ Đông - Tây sông Nhật Lệ, thuộc khu vực thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh (ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Cầu Nhật Lệ là công trình nối hai bờ Đông - Tây sông Nhật Lệ, thuộc khu vực thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh (ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng. Dự án sử dụng nguồn Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026. Quy mô tuyến đường dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 80km; đi qua địa bàn huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Trong đó, dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng (thuộc Sở KH&ĐT Quảng Bình làm chủ đầu tư) là hợp phần trong dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Dự án cầu Nhật Lệ 3 sẽ nối hai bờ Đông - Tây sông Nhật Lệ, thuộc địa bàn xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh. Cùng với hai cầu Nhật Lệ 1-2 đã hiện hữu, cầu Nhật Lệ 3 sẽ kết nối các trục đường nội thành theo quy hoạch chung của đô thị Đồng Hới, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ven biển nối liền giữa các vùng đô thị trung tâm với bờ biển phía Đông.

Từng bị thu hồi dự án ngay trên “sân nhà”

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành các Quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (Bình Dương, Thăng Bình) do Đạt Phương làm chủ đầu tư.

Dòng tiền kinh doanh âm nặng phải liên tục đi vay, từng bị thu hồi dự án ngay trên sân nhà, Tập đoàn Đạt Phương (DPG) vẫn trúng thầu triển khai gói thầu hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1

Theo đó, tại Quyết định số 3613/QĐ-UBND ngày 8/12/2021 UBND tỉnh Quảng Nam chính thức thu hồi, hủy bỏ Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Lý do được UBND tỉnh Quảng Nam nêu ra là Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 214/QĐSKHĐT ngày 14/10/2021 về việc chấm dứt hoạt động của dự án. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 về việc thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Theo tìm hiểu, đây là một dự án quy mô 183,87 ha, trong đó đất dự án khoảng 179,3 ha và đất hạ tầng tuyến đường Thanh niên ven biển khoảng 4,57 ha. Dự án do Đạt Phương làm chủ đầu tư với tính chất là khu vực phát triển dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ thương mại tổng hợp.

Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 24/3/2017. Từ tháng 5/2017 đến tháng 9/2018, dự án thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng do HĐND tỉnh chưa bổ sung vào danh mục thu hồi đất nên chủ đầu tư chưa có cơ sở thực hiện.

Ngày 7/9/2018, HĐND tỉnh bổ sung dự án vào danh mục thu hồi đất với diện tích 60 ha. Tháng 12/2018, sau khi UBND huyện Thăng Bình phê duyệt các phương án GPMB, Đạt Phương GPMB được 45,7 ha và 611 ngôi mộ với tổng giá trị bồi thường 32 tỷ đồng.

Đến ngày 2/6/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1468 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Thăng Bình, trong đó có Khu nghỉ dưỡng Bình Dương. Theo đó, chủ đầu tư tiếp tục GPMB với diện tích 67,2 ha và 1.900 ngôi mộ với tổng giá trị 126,7 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, tổng diện tích đã GPMB của dự án là 112,9 ha.

Việc Đạt Phương bị thu hồi dự án ngay trên “sân nhà” đã khiến không ít người bất ngờ bởi cả 4 dự án bất động sản do doanh nghiệp này phát triển đều nằm tại Quảng Nam bao gồm Khu đô thị Đồng Nà có diện tích 6,4ha; Khu đô thị Cồn Tiến trên diện tích 30 ha; Khu đô thị Bình Dương trên diện tích 183 ha; Quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia có tổng diện tích 15,6 ha.

Dòng tiền kinh doanh âm nặng

Đạt Phương tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Đạt Phương được thành lập vào năm 2002. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây lắp các công trình giao thông và thủy lợi hiện do ông Trần Anh Tuấn làm người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc công ty. Đến tháng 1/2017, DPG chính thức lên sàn chứng khoán UpCOM và hiện đang dừng ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hoá gần 1.900 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm nặng phải liên tục đi vay, từng bị thu hồi dự án ngay trên sân nhà, Tập đoàn Đạt Phương (DPG) vẫn trúng thầu triển khai gói thầu hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 2

Về kết quả kinh doanh quý III/2022, Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần đạt 880 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng tăng gấp đôi, đạt 595 tỷ đồng; doanh thu từ bán điện cũng tăng gấp đôi lên 105 tỷ đồng, tăng gấp đôi. Ngược lại, doanh thu từ kinh doanh bất động sản giảm 9% so với cùng kỳ xuống còn 178 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 17%, đạt 7,5 tỷ đồng. Các loại chi phí đều tăng trong đó chi phí tài chính tăng 15% (đạt 45 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng hơn 6 lần (đạt 27 tỷ đồng) và chi phí quản lý tăng 83% (đạt 22 tỷ đồng). Kết quả, DPG lãi trước thuế 109 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ

Lũy kế 9 tháng, Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.225 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 426 tỷ đồng, lần lượt tăng 45% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này mới hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 81% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Dù có lãi nhưng dòng tiền kinh doanh 9 tháng của doanh nghiệp này lại âm nặng đến 415 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 273 tỷ đồng.

Nhằm bù đắp thiếu hụt dòng tiền, Đạt Phương đã tăng nợ vay lên gần 2.100 tỷ đồng vào cuối quý III, cao hơn 17% so với đầu năm trong đó vay ngắn hạn ở mức 1.082 tỷ đồng, tăng 6%; vay dài hạn 1.764 tỷ đồng, tăng 4%. Dù cố xoay sở từ dòng tiền tài chính nhưng dòng tiền thuần 9 tháng của Đạt Phương vẫn âm 314 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền giảm 30%, còn 731 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của DPG đạt 5.846 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng mạnh gấp 2,6 lần lên đạt 1.470 tỷ đồng trong khi các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 11%, đạt 704 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn giảm 88% còn 84 tỷ đồng. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm đến 54% còn 369 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục