'Game' mới tại Sông Đà 1.01 (SJC): Sự xuất hiện của ông trùm tài chính BĐS Nhật Nam cùng diễn biến cổ phiếu 'nhảy múa' liên tục nổi sóng tăng vọt rồi giảm sàn

Bất động sản Nhật Nam là cái tên nổi đình nổi đám năm trước khi bị hàng loạt địa phương cảnh báo vì mô hình huy động vốn, nhưng năm nay, cái tên này được chú ý bởi sự tham gia của những lãnh đạo chóp bu tại một doanh nghiệp lỗ triền miên "họ" Sông Đà. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SJC cũng trở thành hiện tượng, với đường đi không khác nhiều so với những cổ phiếu penny đình đám những năm trước khi BII, TCG.

Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (mã CK: SJC) đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường khi nam ca sĩ Khánh Phương (Phạm Khánh Phương) mua vào một lượng lớn cổ phiếu, trở thành thành viên HĐQT công ty. Chính nam ca sĩ này cũng cho biết việc đầu tư hướng tới mục đích tham gia vào quản trị thay vì lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, cái tên "Khánh Phương" không phải chi tiết đáng chú ý nhất tại SJC.

Sự xuất hiện của Bật động sản Nhật Nam tại Sông Đà 1.01

Không phải tới ngày hôm nay, cái tên Khánh Phương mới được chú ý tại SJC. Cuối tháng 10/2022, nam ca sĩ trở thành cổ đông lớn của Công ty Sông Đà 1.01 sau khi mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 45,51% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, việc đầu tư của Khánh Phương dường như chỉ là bước trung gian cho sự xuất hiện của Bất động sản Nhật Nam, cái tên không mấy xa lạ với nam ca sĩ này.

Sau khi trở thành cổ đông lớn, Khánh Phương tiếp tục có nhiều giao dịch cổ phiếu SJC. Đến ngày 25/11/2022, nam ca sĩ này đã bán ra hơn một nửa số cổ phần tại công ty này, giảm sở hữu xuống còn hơn 1,6 triệu cổ phiếu (23,12%).

Đáng chú ý, cùng ngày này, bà Vũ Thị Thuý đã mua vào hơn 1,63 triệu cổ phiếu SJC – đúng bằng khối lượng mà Khánh Phương bán ra, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ 23,53% vốn điều lệ.

Ngày cuối cùng của năm 2022, Sông Đà 1.01 đã tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ bất thường thông qua việc tái cấu trúc toàn bộ Hội đồng quản trị. Theo đó, ban lãnh đạo SJC đã trình và được thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ ba thành viên HĐQT gồm ông Phạm Thanh Phong (Chủ tịch HĐQT), ông Tạ Văn Trung và ông Nguyễn Bình Đông.

Số lượng thành viên HĐQT của SJC nhiệm kỳ 2022 - 2027 được điều chỉnh tăng từ 3 lên 5 thành viên, gồm bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983), ông Phạm Khánh Phương (sinh năm 1981), ông Trịnh Văn Tôn (sinh năm 1984), ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1982) và ông Tạ Văn Trung (sinh năm 1956). Sau cuộc họp, HĐQT mới đã bầu bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật SJC, đồng thời là người thực hiện công bố thông tin.

Điểm đặc biệt trong danh sách lãnh đạo mới của Sông Đà 1.01 là 3/5 thành viên HĐQT mới đang nắm giữ những vị trí chủ chốt tại Công ty Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam. Cụ thể, bà Vũ Thị Thúy là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam, ông Trịnh Văn Tôn là Phó Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam, còn ông Nguyễn Văn Đức là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Nhật Khang, thành viên Ban chiến lược Bất động sản Nhật Nam.

Cuối tháng 3, bà Thúy đã thoái toàn bộ sở hữu tại SJC, tuy nhiên động thái này dường như chỉ là "tay trái chuyển qua tay phải" khi SJC có thêm hai cổ đông lớn đều liên quan tới Bất động sản Nhật Nam.

Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Nhật Khang nâng sở hữu lên gần 15%, còn một cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam với sở hữu hơn 10%.

'Game' mới tại Sông Đà 1.01 (SJC): Sự xuất hiện của ông trùm tài chính BĐS Nhật Nam cùng diễn biến cổ phiếu 'nhảy múa' liên tục nổi sóng tăng vọt rồi giảm sàn - Ảnh 1

Cổ phiếu liên tục nổi sóng

Đi cùng với sự xuất hiện của Bất động sản Nhật Nam là đà tăng phi mã của cổ phiếu SJC.

Dù kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên, diễn biến cổ phiếu SJC lại trái ngược hoàn toàn trước và sau khi có sự tham gia của nhóm nhà đầu tư liên quan tới Bất động sản Nhật Nam.

Từ phiên 26/8 - 30/12/2022, cổ phiếu SJC ghi nhận chuỗi 18 phiên tăng liên tiếp, trong đó có đến 17 phiên tăng trần. Từ mức thị giá chỉ 1.900 đồng, SJC đã nhanh chóng vọt lên mức 17.900 đồng, tương ứng tăng hơn 8 lần chỉ trong những tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh thị giá, thanh khoản SJC trong giai đoạn tăng giá cũng tăng lên trung bình 29.123 cổ phiếu phiên, trong khi từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 8 chỉ hơn 15.000 cổ phiếu được sang tay bình quân.

Tuy nhiên, đến nửa đầu năm nay, cổ phiếu này liên tục "nhảy múa". SJC có pha đổ đèo, giảm từ mức đỉnh hơn 18.000 đồng về còn 4.500 đồng vào đầu tháng 4. Trước khi lại bật lên vùng giá trên 10.000 đồng những phiên gần đây, sau khi cái tên Khánh Phương được chú ý.

Diễn biến này khiến những nhà đầu tư quan sát thị trường lâu năm liên tưởng đến những cổ phiếu từng được "làm giá" trước đây, khi tăng giảm với biên độ cao chỉ trong thời gian ngắn.

Cổ phiếu SJC nổi sóng từ tháng 8/2022 với chuỗi phiên tăng trần, giảm sàn liên tục. Ảnh: Trading View
Cổ phiếu SJC nổi sóng từ tháng 8/2022 với chuỗi phiên tăng trần, giảm sàn liên tục. Ảnh: Trading View

SJC có gì?

SJC thành lập vào năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Một số dự án do SJC làm chủ đầu tư có thể kể đến như chung cư cao cấp Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xala và tòa nhà CT1 Văn Khê.

SJC từng là một trong những doanh nghiệp niêm yết trên HNX từ rất sớm, vào những năm 2007 - 2008. Đến năm 2014, Công ty có vốn điều lệ 72.3 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay.

Giữa năm 2021, cổ phiếu này bị hủy niêm yết do vi phạm công bố thông tin, chậm nộp BCTC năm trong ba năm liên tiếp từ 2018 - 2020, buộc phải xuống sàn UPCoM. Tuy nhiên, SJC chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, do chưa khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn chế giao dịch.

Đầu tháng 05/2022, cổ phiếu SJC tiếp tục duy trì diện hạn chế giao dịch do Công ty chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với BCTC năm 2021 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục. Đến giữa tháng 01/2023, việc hạn chế giao dịch của cổ phiếu SJC vẫn tiếp diễn.

Cùng với việc không công bố thông tin đầy đủ, kết quả kinh doanh của SJC cũng không mấy khả quan. Từ năm 2012 đến nay, năm lãi cao nhất của SJC ghi nhận lợi nhuận loanh quanh ngưỡng vài tỷ đồng, nếu không cũng lỗ vài trăm triệu đến vài tỷ. Doanh thu trồi sụt, biến động mạnh qua các năm.

Năm 2021, doanh nghiệp này có lợi nhuận nhờ hoàn thành quyết toán chuyển nhượng dự án bất động sản, nhờ đó bù đắp được chi phí quản lý. Tuy nhiên, sang năm 2022, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 5 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ, do chi phí tài chính tăng đột biến. SJC cho biết, khoản chi phí này do ghi nhận tiền lãi chậm trả tính trên nợ gốc của quỹ Kinh phí bảo trì dự án nhà chung cư cao tầng Hemiso (Phúc La, Hà Đông).

Đến cuối năm 2022, Sông Đà 1.01 có tổng tài sản hơn 1.600 tỷ đồng, tuy nhiên, vốn chủ sở hữu chưa tới 100 tỷ. Nợ phải trả đến cuối năm ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng.

 

Về Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam được thành lập tháng 7/2019, hiện có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm bà Vũ Thị Thúy, ông Vũ Đức Tại, ông Mai Thanh Tùng. Trước đó, ca sĩ Khánh Phương cũng từng xuất hiện bên cạnh bà Thúy tại buổi lễ kỷ niệm 2 năm thành lập Nhật Nam Group.

Là một doanh nghiệp bất động sản, nhưng cái tên "Bất động sản Nhật Nam" lại gắn liền với lùm xùm liên quan đến hoạt động huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh", mở nhiều chi nhánh tại các tỉnh thành để lôi kéo nhà đầu tư với mức trả lợi nhuận lên đến 60 - 84%/năm kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản. Cách thức hoạt động tương tự mô hình Ponzi (lấy tiền của người trước trả cho người sau hay còn là hình thức đa cấp bất động sản).

 

Tin Cùng Chuyên Mục