Giá xuất khẩu giảm, lãi sau thuế quý I/2024 của Công ty Nam Việt (ANV) sụt mạnh tới 82%

An An

Quy mô tài sản của ANV tại ngày 31/03/2024 ghi nhận 5.062,4 tỷ đồng, thu hẹp gần 1% so với đầu năm.

Lãi sau thuế quý I/2024 'thu hẹp' 82% 

Công ty cổ phần Nam Việt (mã ck: ANV) mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần ghi nhận tại 1.016 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu giảm, lãi sau thuế quý I/2024 của Công ty Nam Việt (ANV) sụt mạnh tới 82% - Ảnh 1

Giá vốn hàng bán giảm nhẹ 4% về mức 914,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ bằng 1/2 so với nửa kỳ năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 42% xuống còn 5,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lãi từ tiền gửi có kỳ hạn giảm từ hơn 6 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 756 triệu đồng, tương ứng giảm 88%.

Chi phí tài chính ghi nhận 24,6 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, giá vốn, ANV ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 16,9 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch dự kiến, năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2023. Nhưng lợi nhuận sau thuế mục tiêu gấp gần 8 lần, đạt 306 tỷ đồng. Như vậy, Công ty mới hoàn thành 5,5% mục tiêu lợi nhuận năm.

Giá xuất khẩu giảm, lãi sau thuế quý I/2024 của Công ty Nam Việt (ANV) sụt mạnh tới 82% - Ảnh 2

Quy mô tài sản của ANV tại ngày 31/03/2024 ghi nhận 5.062,4 tỷ đồng, thu hẹp gần 1% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt của ANV giảm 1,4%, xuống còn 32,3 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 57%, lên 44 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng tồn kho giảm nhẹ về 2.325 tỷ đồng, chiếm phần nhiều là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và nguyên vật liệu.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả giảm 3% so với hồi đầu năm, còn 2.197,4 tỷ đồng. Trong đó, Công ty vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.753 tỷ đồng, giảm gần 2%; vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 173 tỷ đồng, tăng 20%.

Hết quý I, vốn chủ sở hữu tăng từ 2.847 tỷ lên mức 2.864,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận tại 1.535,4 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước dự báo sẽ phục hồi 8%

Ngành xuất khẩu cá tra trong những năm qua liên tục biến động mạnh. Trong đó, nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là thời điểm hưởng lợi của ngành khi giá bán tăng và các nhà nhập khẩu tăng cường tích trữ tồn kho, giúp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lãi lớn.

Tuy nhiên, 'gió đổi chiều' từ nửa cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… đều suy yếu, các nhà nhập khẩu thận trọng trong việc nhập khẩu dẫn tới giá xuất khẩu liên tục giảm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành, năm 2023, Nam Việt ghi nhận doanh thu 4.439 tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận trước thuế 64 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022 và chỉ hoàn thành 10,8% kế hoạch.

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước sẽ phục hồi 8%, đạt khoảng 2 tỷ USD

Dữ liệu của VASEP cho thấy, tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 580 triệu USD cá tra, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 4/2024, giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 168 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo phân tích của VASEP, quý I năm nay, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực, nhưng nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. Dự báo, tình hình sẽ tốt lên từ quý III, kéo theo xu hướng giá được điều chỉnh tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại.

Tin Cùng Chuyên Mục