Giai đoạn “vàng” điều trị trẻ tự kỷ, bại não

Vân Trang

Số bệnh nhi mắc bệnh tự kỷ, bại não ngày càng có xu hướng gia tăng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tế, không ít phương pháp điều trị (ĐT) được chứng minh có hiệu quả đối với căn bệnh này, nhưng rất ít người biết đến. Không chỉ vậy, đa số các bậc cha mẹ có con mắc bệnh đều buông xuôi, chấp nhận số phận, mà không hề biết rằng: Chân trời hy vọng vẫn hé mở với con em họ, nếu phát hiện được thời gian “vàng” điều trị cho trẻ.

Sự kỳ diệu của y học…

Trưởng phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền (YHCT) cơ sở Mỹ Đình - Bác sĩ CKII Vũ Thị Vui cho hay: Qua công tác thăm khám cho bệnh nhân cũng như khoa học đã chứng minh, nhiều phương pháp YHCT có tác dụng và hiệu quả rõ rệt đối với việc điều trị cho trẻ tự kỷ, bại não…

Giai đoạn “vàng” điều trị trẻ tự kỷ, bại não - Ảnh 1

Đầu tiên phải kể đến là phương pháp châm cứu (điện châm). Theo đó, cơ chế  tác dụng của châm cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Theo y học hiện đại, tác dụng của châm cứu gồm: Phản ứng tại chỗ; Phản xạ tiết đoạn thần kinh; Thay đổi miễn dịch; Thần kinh thể dịch. Còn theo YHCT: Châm cứu là điều khí (cân bằng được âm dương, khí hành thì huyết hành). Khí hành huyết hành tiêu trừ được các nguyên nhân gây bệnh. Trong đó có các chứng ngoại nhân như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa; Nội nhân (Công phạt những tạng phủ quá mạnh, nâng đỡ những tạng phủ quá yếu). Điều trị cụ thể giúp bệnh nhân khai khiếu, tỉnh thần, thông kinh hoạt lạc, ích khí, dưỡng huyết, bồi bổ lục phủ ngũ tạng. Không chỉ vậy, châm cứu còn giúp tăng cường dinh dưỡng tại chỗ; Tăng sức cơ vùng liệt; Hỗ trợ làm mềm cơ bị co cứng; Giảm đau; Phục hồi cải thiện vận động; Phục hồi cải thiện chức năng nói, nhận thức, chú ý; Giảm tăng động…

Phương pháp điều trị hiệu quả tiếp theo là thủy châm. Cụ thể, khi điều trị cho bệnh nhân các thuốc vitamin nhóm B, thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, tăng tuần hoàn não, tăng oxy não, dinh dưỡng thần kinh, giúp phục hồi thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên, tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose sinh năng lượng trong cơ thể, sinh hồng cầu, tăng cường miễn dịch điều hòa cơ thể, giúp chữa khỏi bệnh và phục hồi các tổn thương. 

Phương pháp thứ ba là xoa bóp bấm huyệt: Giúp cải thiện tuần hoàn, tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường tuần hoàn não, dinh dưỡng cho da, đào thải các chất cặn bã, giảm đau, giảm phù nề, làm mềm giãn cơ bị co cứng, tăng sức bền và cơ học của cơ, phục hồi vận động. Tại khớp, xoa bóp bấm huyệt làm tăng tính đàn hồi co giãn hoạt động của gân, cơ, dây chằng, thúc đẩy tiết dịch của khớp và tuần hoàn quanh khớp, giúp cải thiện tầm vận động của trẻ, hạn chế các thương tật thứ phát.

Ngoài ra, cấy chỉ cũng là một phương pháp tối ưu hỗ trợ điều trị các bệnh này. Cấy chỉ có tác dụng tại chỗ, quá trình sinh hóa tại các vị trí được cấy chỉ, giúp tăng tuần hoàn, nuôi dưỡng các cơ tại khu vực cấy chỉ, duy trì trạng thái kích thích và các phản xạ thần kinh liên tục, có tác dụng mạnh trong các bệnh lý liệt, bại não, tự kỷ, tai biến mạch máu não (TBMMN), các bệnh về thần kinh, cơ xương khớp,...

Là những bệnh có thể chữa được, tuy nhiên, theo BSCK II Vũ Thị Vui: Hiệu quả điều trị và phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân tự kỷ, bại não phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, giai đoạn “vàng” để phát triển não bộ: Ở trẻ sơ sinh (25%); 1 tuổi (50%); 2 tuổi (80%) và 5 tuổi là 90-95%. Từ 0 - 5 tuổi là giai đoạn “vàng” phát triển của não bộ, đặc biệt là từ 0 - 2 tuổi. Quá trình phát triển, khôn lớn ở trẻ em được nhân gian đúc rút:  “3 tháng biết lẫy; 7 tháng biết bò; 9 tháng lò dò biết đi. 9 tháng tuổi bé biết cười đùa, biết tương tác nhìn theo khi gọi, hứng thú với các thứ xung quanh mình. Nếu bố mẹ không thấy các dấu hiệu trên thì đưa con đến khám ngay ở các cơ sở y tế” - BS Vui khuyến cáo.

Giai đoạn “vàng” điều trị trẻ tự kỷ, bại não - Ảnh 2

Cũng theo chuyên gia y tế này: Trẻ tự kỷ, bại não không được điều trị sớm và chăm sóc đặc biệt sẽ không phát triển được toàn diện trong tương lai. Thực tế, các bậc phụ huynh thường đưa con đến điều trị muộn. Một số bố mẹ không phát hiện được con mình bị bệnh. VD: Thấy con mình chậm biết nói, biết đi so với tuổi, nghĩ con mình chỉ bị chậm vài tháng nữa rồi sẽ đâu vào đó. Con bị tăng động thì cho là con mình chỉ hiếu động thôi. Một số bố mẹ khi phát hiện con bất thường nhưng không chấp nhận con mình bị bệnh… Vì các lý do trên, trẻ sẽ không được điều trị bệnh kịp thời. 

Thực tế, BS Vui lo lắng cho biết: Có những gia đình khi có con bị tự kỷ, bại não còn đổ lỗi cho nhau không chịu đưa con đi điều trị. Có trường hợp bố mẹ bị trầm cảm khi rơi vào cảnh ngộ này. Phần lớn gia đình có con bị bệnh chịu sức ép rất lớn về tâm lý, vì vậy điều trị cho trẻ bị tự kỷ, bại não cũng cần hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho cả bố mẹ thấu hiểu bệnh tình của con mình. Hơn thế nữa, các gia đình có con bị tự kỷ, bại não phải điều trị lâu dài, không thể “ngày 1 ngày 2” được nên nhiều gia đình không đủ kiên nhẫn chịu đựng và cũng không có đủ kinh tế điều trị cho con.  Một số gia đình đưa con đến điều trị muộn, đánh mất thời gian “vàng” để con có thể phục hồi sớm. Đó là một thực tế vô cùng đau xót - BSCKII Vũ Thị Vui nhấn mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục