Hà Nội sẵn sàng phương án học trực tuyến trong đại dịch Covid-19

Thành Trung

Đây là năm học đầu tiên lễ khai giảng sẽ được tổ chức trực tuyến khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng cho phương án học trực tuyến để phòng ngừa dịch bệnh.

Theo kế hoạch, ngày tựu trường sớm nhất đối với đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội là từ ngày 01/9. Ngày khai giảng được thống nhất toàn thành phố tổ chức vào ngày Chủ Nhật 05/9.

Hà Nội sẵn sàng phương án học trực tuyến trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Phạm Văn Đại, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, TP Hà Nội sẽ tổ chức lễ khai giảng vào 7h30 ngày 5/9 (Chủ Nhật) bằng hình thức trực tuyến. Lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đến toàn thể học sinh và nhân dân Thủ đô.

Để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã chủ động kịch bản, phương án triển khai dạy học. Trong đó, sẵn sàng cho cả phương án khai giảng trực tuyến và học trực tuyến.

Kích hoạt học trực tuyến để không gián đoạn học tập đã không còn là việc mới mẻ với các trường học tại địa bàn Hà Nội khi trong gần 2 năm qua dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến phương thức học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Với kinh nghiệm chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến, tại các trường học của Hà Nội, công tác dạy - học trực tuyến có thể kích hoạt bất kỳ thời điểm nào để không làm gián đoạn chương trình.

Thay đổi cách xếp loại học sinh trong năm học mới

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh THCS - THPT, trong đó có nhiều điểm mới về cách đánh giá, tính điểm học sinh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và áp dụng cho học sinh lớp 6 trong năm học 2021 - 2022. Những năm tiếp theo, Thông tư áp dụng theo lộ trình: Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 áp dụng đối với lớp 9, lớp 12.

Thông tư nêu rõ 2 hình thức đánh giá các môn học gồm: Đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.

Đánh giá bằng nhận xét áp dụng đối với các môn học: Giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mĩ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập sẽ được đánh giá bằng nhận xét theo 2 mức là Đạt và Chưa đạt.

Những môn học còn lại sẽ được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Kết quả học tập sẽ được cho điểm bằng thang điểm 10.

Một điểm mới nữa là Thông tư bỏ việc cộng điểm trung bình tất cả các môn học để xếp loại học sinh, thay vào đó học sinh sẽ được giữ nguyên bảng điểm các môn. Thông tư mới cũng quy định, kết quả học tập của học sinh từng kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức gồm: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Mức tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá Đạt. Tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét và điểm số thì có điểm từ 6.5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8.0 trở lên. 

Mức Khá là tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức Đạt; điểm số các môn 5.0 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình đạt 6.5 trở lên.

Mức Đạt có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt, ít nhất 6 môn có điểm từ 5.0 trở lên; không có môn học nào dưới 3.5 điểm.

Mức Chưa đạt là các trường hợp còn lại.

Về khen thưởng cuối năm học, Thông tư quy định, cuối năm học, hiệu trưởng khen tặng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với học sinh có kết quả rèn luyện năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập cả năm được đánh giá ở mức Tốt và có ít nhất 6 môn học đạt 9.0 điểm trở lên.

Khen “Học sinh giỏi” cho học sinh có kết quả học tập cả năm đánh giá mức Tốt; Khen học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; Khen học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường đề nghị cấp trên khen thưởng.