Kinh doanh gặp khó, Thép Pomina họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm tái cấu trúc

Đoàn Chi

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, người nhà lãnh đạo liên tục thoái vốn, Thép Pomina công bố ngày đăng ký cuối cùng để dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường nhằm thông qua phương án tái cấu trúc công ty.

Kinh doanh gặp khó, Thép Pomina họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm tái cấu trúc

CTCP Thép Pomina vừa công bố về ngày đăng ký cuối cùng để dự ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua phương án tái cấu trúc công ty. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 16/2/2024. Thời gian tổ chức ĐHĐCĐ bất thường chưa được công bố.

CTCP Thép Pomina tiền thân là nhà máy thép Pomina 1, được thành lập vào năm 1999. Đến ngày 17/8/1999, Nhà máy thép Pomina chuyển thành Công ty TNHH Thép Pomina với vốn điều lệ 42 tỷ đồng. Năm 2010, Thép Pomina niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là POM.

Hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn

Thép Pomina đã chứng kiến 6 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ, kể từ quý 2/2022 đến quý 3/2023, với tổng cộng lỗ sau thuế lên tới khoảng 1.917 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã bào mòn lãi lũy kế tích lũy nhiều năm của Thép Pomina. Tính đến ngày 30/9/2023, Thép Pomina đã lỗ lũy kế hơn 868 tỷ đồng, bằng 31% vốn điều lệ.

Năm 2022, Thép Pomina ghi nhận lỗ ròng 1.168 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục và cũng là mức lỗ nặng nhất trong số các công ty thép trên thị trường thời điểm đó. Nguyên nhân là do bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu thị trường thấp khiến doanh thu của công ty sụt giảm mạnh, kèm với việc giá vốn tăng cao cùng áp lực chi phí lãi vay.

Tình hình này kéo dài đến năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu quý 3 giảm tới 83% so với cùng kỳ, xuống còn 503 tỷ đồng. Chi phí vẫn ở mức cao khiến lợi nhuận ròng của công ty âm 111 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 716 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Thép Pomina lỗ ròng 647 tỷ đồng.

Bên cạnh tình hình kinh doanh kém khả quan, Thép Pomina còn ghi nhận một khoản nợ quá hạn khổng lồ. Tại báo cáo kiểm toán bán niên 2023, Thép Pomina có 3.100 tỷ đồng nợ quá hạn, trong đó 2.200 tỷ đồng nợ vay và 922 tỷ phải trả người bán.

Công ty cũng thường xuyên có khoản nợ phải trả dao động trong khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, với hàng trăm tỷ đồng lãi vay phải trả mỗi năm, phần lớn trong đó là khoản vay ngân hàng và khoản phải trả người bán ngắn hạn.

Cũng trong báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023, kiểm toán viên đã có ý kiến nhấn mạnh liên quan tới khoản lỗ thuần gần 505 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế 758 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn ghi nhận 7.770 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2, vượt quá tài sản ngắn hạn gần 3.400 tỷ đồng, tương ứng vốn lưu động bị âm 4.300 tỷ đồng.

Việc tồn tại nhiều khoản nợ quá hạn và thua lỗ nặng nề liên tiếp đã khiến kiểm toán viên của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nêu lên nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm của Thép Pomina là việc những người có liên quan tới Chủ tịch Đỗ Duy Thái (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Pomina) liên tục bán ra cổ phiếu trong năm vừa qua. Tới nay, các bên có liên quan tới Chủ tịch Thép Pomina đã đăng ký bán gần 40,9 triệu cổ phiếu, tương đương gần 14,6% vốn điều lệ của Thép Pomina. Đồng thời, có gần 23 triệu cổ phiếu đã giao dịch thành công, tương đương khoảng gần 8,2% vốn điều lệ.

Cơ hội nào cho Thép Pomina?

Hồi tháng 7/2023, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Đỗ Duy Thái nhận định, đầu năm 2024, thị trường thép có thể khởi sắc nhờ đầu tư công, nhưng tiêu thụ tăng nhiều lắm là chỉ 15-20% vì nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản. Nhìn bất động sản cũng có thể biết được diễn biến của ngành thép, nhất là thép xây dựng.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính hiện nay, sức cầu sử dụng thép sẽ chỉ hồi phục chứ không có sự bứt phá, khiến giá thép năm nay sẽ chỉ biến động nhẹ theo giá nguyên vật liệu đầu vào và khó có thể bật tăng mạnh trở lại.

Ban lãnh đạo Pomina cũng cho biết khả năng hoạt động liên tục của công ty sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dòng tiền trong tương lai và sự hỗ trợ về mặt tài chính của ngân hàng cũng như nhà đầu tư chiến lược.

Trong một diễn biến khác, Pomina đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản là Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Pomina cũng dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Pomina 3, đồng thời vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng.

Với số tiền thu về, Pomina sẽ khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty và kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục