Kon Tum: Ai bảo kê cho các lò gạch không phép?

Du Nghĩa

Suốt 10 năm trời, hàng chục lò gạch hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường và gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia. Lạ ở chỗ, chính quyền sở tại biết nhưng chỉ... “nhắc nhở, tuyên truyền”.

Hàng chục lò gạch “hành" dân 10 năm trời

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã có nhiều cụm công nghiệp chuyên sản xuất gạch và ước tính có hàng trăm lò gạch thủ công đang ngày đêm hoạt động. Việc xuất hiện các lò gạch thủ công đã gây nhiều hệ lụy xấu đến môi trường và thất thoát tài nguyên đất.

Thời gian vừa qua, Doanhnhan.vn liên tục nhận được thông tin phản ánh của nhiều hộ dân sống gần cụm công nghiệp sản xuất gạch thủ công, nằm trên địa bàn thôn Thanh Trung (phường Ngô Mây, TP.Kon Tum).

Theo các hộ dân cho biết, không hiểu các lò gạch thủ công này được cấp phép hay chưa nhưng suốt 10 năm nay, mọi hoạt động khai thác đất sét diễn ra tràn lan và gây ô nhiễm môi trường hết sức nặng nề.

Kon Tum: Ai bảo kê cho các lò gạch không phép? - Ảnh 1

Hàng chục lò gạch không phép "hành dân". (Ảnh: Doanhnhan.vn / Du Nghĩa) 

Để làm rõ những thông tin trên, chiều 9/3, phóng viên đã có mặt tại cụm công nghiệp sản xuất gạch thủ công đặt tại thôn Thanh Trung để tìm hiểu thực trạng.

Cụm công nghiệp sản xuất gạch thủ công nằm cách Quốc lộ 14C (đường mòn Hồ Chí Minh) chỉ khoảng 500m, nơi đây có nhiều hộ dân đang sinh sống và phải “gánh” hậu quả từ các lò gạch này suốt nhiều năm trời.

Có mặt tại xưởng sản xuất gạch của một ông chủ tên Tuấn, theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều đống đất sét đã được chủ lò khai thác từ nơi khác đưa về đây để phục vụ cho việc nung gạch. Rất nhiều công nhân được phân chia làm các giai đoạn để đưa gạch vào lò nung. Nằm trong khuôn viên này, nhiều lò nung đang “nhả” khói đen nghi ngút không khác nào một ống rồng được chọc thẳng lên trời.

Kon Tum: Ai bảo kê cho các lò gạch không phép? - Ảnh 2

 Ô nhiễm môi trường trầm trọng tại các lò gạch thủ công. (Ảnh: Doanhnhan.vn / Du Nghĩa)

Theo ghi nhận, trong cụm công nghiệp này có hàng chục lò gạch thủ công đang hoạt động hết công suất, bất chấp việc ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, các chủ lò gạch còn ngang nhiên khai thác đất sét ngay gần khu vực sản xuất gạch. Nhiều đồi núi đã bị những chủ lò gạch này “băm nát”.

Việc sản xuất gạch thủ công hoạt động như chốn không người. Tuy nhiên, chúng tôi không hề thấy bóng dáng một cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý hoạt động các lò gạch thủ công này.

“Cháy nhà mới ra mặt chuột”.

Liên quan đến hàng chục lò gạch thủ công “hành dân” suốt nhiều năm trời, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hạnh (Phó Chủ tịch phường Ngô Mây) thừa nhận: “Tại cụm công nghiệp nói trên, hiện có khoảng 40-50 lò gạch thủ công, 1 lò sản xuất gạch Tuynel và các lò gạch này hoạt động từ năm 2007 cho đến nay. Tất cả các lò gạch thủ công đều hoạt động không phép”.

Khi phóng viên thắc mắc vì sao các lò gạch hoạt động không phép lại không bị đình chỉ và xử lý? Ông Hạnh cho biết: “Chúng tôi có biết là các lò gạch thủ công hoạt động không phép, nhưng chỉ nhắc nhở và tuyên truyền bà con. Việc xử lý ngoài tầm của địa phương và chúng tôi cũng chỉ phối hợp chứ không thể làm gì hơn(?)”.

Kon Tum: Ai bảo kê cho các lò gạch không phép? - Ảnh 3

Chính quyền biết nhưng chỉ... nhắc nhở. (Ảnh: Doanhnhan.vn / Du Nghĩa)

Khi chúng tôi làm việc với lãnh đạo TP.Kon Tum thì mới được hay tin, vừa qua, các sở, ban, ngành của tỉnh Kon Tum đã xuống kiểm tra và đã phát hiện hầu hết các lò gạch đang hoạt động đều chưa được cấp giấy phép.

Theo kết luận từ Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kon Tum: “Qua công tác kiểm tra đã phát hiện Công ty TNHH Hòa Nghĩa; hộ gia đình ông Nguyễn Bắc Thái và hàng chục hộ gia đình, cá nhân sản xuất gạch nung lò thủ công hoạt động gây ô nhiễm môi trường và đang tiến hành khai thác đất sét nguồn tại chỗ trái phép, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản”.

Trước vấn nạn trên, Sở Tài nguyên & Môi trường đã gửi văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cấp và lực lượng chức năng ngăn chặn việc san ủi, khai thác đất sét trái phép và hoạt động sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, khi phóng viên quay lại cụm công nghiệp trên thì mọi hoạt động khai thác và sản xuất vẫn diễn ra bình thường.

Phải chăng trong vấn đề này không thể xử lý triệt để các cơ sở vi phạm hay có sự “bao che” từ các cấp chính quyền?

Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!