Kon Tum: "Núp bóng" phục vụ xây dựng nông thôn mới, “Cát tặc” oanh tạc trong vùng biên

Du Nghĩa

Khoảng 900m3 cát được khai thác trái phép trong khu vực biên giới. Chủ mỏ cát đã lợi dụng việc xây dựng nông thôn mới để hút cát, sau đó còn cung cấp cho nhà máy Thủy điện Blu 1 (huyện Đăk Glei)

“Núi cát” giữa vùng biên giới

Thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum cùng các lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh cương quyết đấu tranh để “xóa sổ” các điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn toàn tỉnh theo những thông tin, bài viết mà báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải trước đây.

Tuy nhiên, khi lãnh đạo tỉnh Kon Tum càng cương cương quyết bao nhiêu thì chính quyền cấp xã lại buông lỏng, “làm ngơ” bấy nhiêu. Hàng ngày, hàng giờ, nguồn tài nguyên cát vẫn bị các đối tượng xấu “rút ruột” hàng trăm m3, thất thoát rất lớn nguồn tài nguyên.

Kon Tum:

Đoàn công tác "đột kích" bãi cát "khủng" (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa). 

Từ nguồn tin riêng, Phóng viên Doanhnhan.vn đã bí mật theo dõi hoạt động khai thác cát của 1 mỏ cát “khủng” tại thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).

Trong những ngày theo dõi tại đây, chủ mỏ cát hoạt động hết sức tinh vi. Từ chập choạng tối, chủ mỏ cát tổ chức cho hút cát xuyên đêm để tránh người lạ phát hiện. Sau khi hút được cát thì tập kết thành 1 bãi cát, rồi buổi ngày dùng máy múc lên xe ben chở đi các điểm để tiêu thụ. Cứ như thế, mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe ben chở cát lậu được bán ra thị trường để kiếm lời.m

Kon Tum:

Ông Võ Thanh Hải (Phó Giám đốc Sở TN&MT) làm tổ trưởng đoàn công tác (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa). 

Sau nhiều ngày theo dõi tại bãi cát này, chúng tôi phát hiện một điều hết sức bất ngờ. Ngoài một lượng nhỏ cát được cung cấp để xây dựng công trình nông thôn mới tại xã thì một lượng lớn (hàng trăm khối cát-PV) được cung ứng cho nhà máy thủy điện Blu 1 đang thi công, đặt tại thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong.

“Đột kích” bãi cát “khủng”

Sáng 4/11, Phóng viên Doanhnhan.vn đã phối hợp với ông Võ Thanh Hải (Phó Giám đốc Sở TN&MT -  trưởng đoàn công tác), ông Trần Công Hậu (Chánh Thanh tra Sở TN&MT), ông Phùng Mạnh Trung (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Kon Tum), ông Mai Văn Tuấn (Chuyên viên phòng khoáng sản) tiến hành “đột kích” mỏ cát tại thôn Đăk Nhoong.

Quan sát tại mỏ cát, một khối lượng lớn cát đã được vận chuyển đi nơi khác, nhưng tại hiện trường vẫn còn một khối lượng cát “khủng” được tập kết thành bãi. Ngay tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện một máy múc hiệu Komatsu PC200, 1 bè được kết với nhau với 4 phuy sắt, 1 máy nổ Jiangong, 1 đầu bơm hút cát, 20m ống nhựa gắn thiết bị hút cát. Lúc đoàn kiểm tra bãi cát, chủ mỏ cát đã không có mặt.

Kon Tum:

Sau khi bấm tọa độ, khu vực khai thác cát trái phép nằm trong khu vực biên giới (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa). 

Ngay sau đó, đoàn liên ngành của Sở TN&MT đã tiến hành mời lãnh đạo huyện Đăk Glei và xã Đăk Nhoong ra để tiến hành lập biên bản sự việc. Về phía xã Đăk Nhoong, anh A Pêm (cán bộ địa chính xã Đăk Nhoong) cho biết: “Chủ mỏ cát tên là Dương Đình Tân, trú tại thôn Đăk Nhoong. Mỏ cát mới bơm trong tuần nhưng xã không kiểm tra nên không biết”.

Trước những chứng cứ mà phóng viên Doanhnhan.vn cung cấp, anh A Pêm khẳng định: “Ngoài một khối lượng nhỏ cung cấp để xây dựng nông thôn mới thì chủ mỏ cát đã lợi dụng để cung cấp cho Thủy điện Blu 1 thuộc Thủy điện Sông Đà 13”.

Anh A Phôn (Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong) cho biết: “Bãi cát mới bơm 2-3 hôm nay, nhưng do lãnh đạo xã bận công việc khác nên không biết. Nhiều lần trước, xã đã mời chủ mỏ cát lên làm việc và yêu cầu dừng hoạt động nhưng chủ bãi cát không nghe”.

Lát sau, ông Đỗ Sum (Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei); ông Nguyễn Văn Diệu (Trưởng phòng TN&MT huyện Đăk Glei) cũng có mặt tại hiện trường. Sau khi kiểm tra, đoàn xác định, mỏ cát hoạt động từ năm 2016 đến đầu năm 2017 thì sau đó ngưng hoạt động một thời gian. Đến đầu tháng 10 cho đến nay thì mỏ cát bắt đầu hoạt động trở lại.

Kon Tum:

Đoàn công tác tiến hành đáng giá mức độ của vụ việc (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa). 

Tại buổi làm việc, đoàn liên ngành của Sở TN&MT, lãnh đạo huyện Đăk Glei và xã Đăk Nhoong nhận định, số cát còn lại tại bãi là 900m3. Trong đó có 500m3 là cát tồn, còn 400m3 là cát mới vừa được hút lên.

Trao đổi với Phóng viên Doanhnhan.vn, ông Đỗ Sum (Phó Chủ tịch huyện Đăk Glei) cho biết: “Sau khi lập biên bản sự việc, huyện cũng đã yêu cầu xã đưa các máy móc, thiết bị về UBND xã Đăk Nhoong để cất giữ, tránh việc tang vật bị tẩu tán. UBND huyện sẽ có văn bản giải trình với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về sự việc”.

Điều đáng nói, tại vị trí mỏ cát hoạt động chỉ cách UBND xã Đăk Nhông và nằm sát con đường bê tông (hướng đi xã Đăk Blô) nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại không hề hay biết?

Chính điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn về việc chính quyền cấp xã đang cố tình “làm ngơ” để cát tặc ngang nhiên hoành hành trong khu vực biên giới, đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia?

Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục đi tìm sự thật về vụ việc!