Nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường thực hiện công tác bồi thường nhà nước

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Chiều 24/10, Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Toạ đàm “05 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN)”. Tham dự Toạ đàm có ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (BTNN), Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp Hà Nội; Luật sư Đào Ngọc Lý – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý.

Đến nay, sau hơn 05 năm triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017, hiệu quả của công tác BTNN trên cả nước ngày càng chuyển biến tích cực: hoạt động giải quyết bồi thường được thực hiện kịp thời hơn, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ được thực hiện nghiêm túc hơn, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan cũng được thực hiện chặt chẽ hơn với sự đồng thuận cao trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các cơ quan nhà nước trên phạm vi cả nước. 

Chia sẻ rõ hơn về hiệu quả hoạt động công tác BTNN, Phó Cục trưởng Lê Thái Phương cho biết, từ khi Luật có hiệu lực ngày 01/7/2018 đến ngày 30/6/2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên toàn quốc đã thụ lý, giải quyết trên 164 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, số vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là gần 100 vụ việc, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trong các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật hơn 70 tỷ đồng. 

Phó Cục trưởng Cục BTNN Lê Thái Phương phát biểu tại Tọa đàm
Phó Cục trưởng Cục BTNN Lê Thái Phương phát biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, có thể nói, luật đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, người thi hành công vụ.

Theo đó, ý thức trách nhiệm của đội ngũ người thi hành công vụ ngày càng được nâng cao, ý thức sâu sắc hơn về những hệ quả pháp lý có thể xảy ra nếu thi hành công vụ không đúng quy định pháp luật và những trách nhiệm mà mình có thể phải gánh chịu khi để xảy ra sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; gián tiếp góp phần nâng cao chất lượng của nền công vụ nói chung cũng như chất lượng hoạt động thi hành công vụ của từng cán bộ, công chức nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phát biểu tại Tọa đàm
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phát biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh những kết quả đạt được đã nêu trên, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác BTNN, nhất là công chức thực hiện công tác BTNN chủ yếu là kiêm nhiệm, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cũng như chưa có điều kiện được nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ; công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về thực hiện công tác BTNN chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục…

Qua đó, để triển khai có hiệu quả hơn các quy định Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND Thành phố trong việc quản lý nhà nước về bồi thường, sẽ tiếp tục tham mưu UBND những văn bản, chỉ đạo để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Luật này đến các chủ thể là lãnh đạo cũng như các cán bộ thực thi công vụ trên địa bàn Thành phố; tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến văn bản, chương trình, kế hoạch liên quan đến quản lý nhà nước về công tác BTNN, các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của công tác bồi thường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các quy định pháp luật về BTNN sâu rộng hơn, đến nhiều đối tượng hơn; tham mưu phối hợp với các cơ quan ngành dọc trên địa bàn Thành phố; kiện toàn lực lượng công chức, viên chức thực hiện công tác BTNN; tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đồng thời nâng cao năng lực của cán bộ, công chức để việc khiếu nại, tố cáo không để bị kéo dài, đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân…  

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN và hoàn thiện hơn các quy định của Luật trong thời gian tới, Luật sư Đào Ngọc Lý đề nghị, các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tiến hành tố tụng phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của cơ chế, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Đặc biệt, đội ngũ luật sư là “cầu nối” giữa cơ quan nhà nước và người dân, do đó Cục BTNN và các đơn vị có liên quan cần quan tâm phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức các buổi giao lưu, Tọa đàm, tập huấn Luật. Ngoài ra, Luật sư Đào Ngọc Lý cho rằng, cần thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật TNBTCNN để mọi đối tượng trong xã hội đều có cơ hội nắm rõ các quy định của pháp luật.

Luật sư Đào Ngọc Lý – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý phát biểu tại Tọa đàm
Luật sư Đào Ngọc Lý – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý phát biểu tại Tọa đàm

Phó Cục trưởng Lê Thái Phương ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Luật sư Đào Ngọc Lý về việc hướng tới trọng tâm, nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực cho đội ngũ luật sư - những người trực tiếp và thường xuyên thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân, nhằm lan tỏa quy định pháp luật đến người dân.

Đồng thời đánh giá cao Sở Tư pháp Hà Nội là một trong các địa phương có phương pháp tiếp cận công tác triển khai thi hành Luật TNBTCNN rất đặc biệt, đó là ưu tiên tập trung phòng ngừa, trong đó đề cao việc nâng cao ý thức pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, mỗi cán bộ công chức tự nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, không để xảy ra sai sót trong khi thi hành công vụ.

Phó Cục trưởng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tham mưu cho Cục trưởng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc định hướng các nhiệm vụ tiếp theo về công tác bồi thường của nhà nước khi tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng nghiệp vụ công tác BTNN cũng như phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật TNBTCNN; tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ công tác BTNN, giữa các ngành cần có sự trao đổi để nắm bắt vướng mắc riêng của từng ngành, từ đó có biện pháp giải quyết thích hợp. 

Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, lên dự kiến kế hoạch cụ thể để tổng kết, đánh giá thực tiễn; nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài cũng như đề xuất phương án, chính sách cụ thể để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật TNBTCNN hiện hành… 

Tin Cùng Chuyên Mục