'Ông lớn' ngành gạo Angimex (AGM) ôm lỗ lớn, tiếp tục chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty con

Giang Phạm

Khấu trừ chi phí, giá vốn, Công ty báo lỗ sau thuế 14,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 17,9 tỷ đồng. Đà lỗ quý I/2024 tiếp tục nâng mức lỗ luỹ kế của AGM lên hơn 175 tỷ đồng.

Chuyển nhượng 100% vốn góp tại AGM Agritech

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã ck: AGM) mới đây thông qua kế hoạch bán 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Angimex (AGM Agritech).

Phương thức chuyển nhượng 100% vốn góp tại AGM Agritech này sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, Angimex và AGM Agritech thực hiện giao dịch mua bán tài sản. Trong đó, Angimex thực hiện mua 4 Drone của AGM Agritech gồm 3 thiết bị XGA P40 và 1 thiết bị DJI T30.

'Ông lớn' ngành gạo Angimex (AGM) ôm lỗ lớn, tiếp tục chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty con - Ảnh 1

Giai đoạn 2, Angimex chuyển nhượng 100% vốn của Angimex tại AGM Agritech cho đối tác.

Giai đoạn cuối cùng, Angimex thực hiện bán nhà kho và máy móc thiết bị tại Phân xưởng Cống Vong cho AGM Agritech, đồng thời cho AGM Agritech thuê lại đất tại phân xưởng Cống Vong.

Qua tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Angimex được thành lập ngày 26/1/2022, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ trồng trọt. Tại thời điểm 31/3/2024, Angimex đầu tư 5,4 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Angimex, trích lập dự phòng 3,22 tỷ đồng.

Liên tục chuyển nhượng loạt vốn công ty con, công ty liên kết

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 6/11/2023, Angimex thông qua việc chuyển nhượng vốn tại 4 công ty con bao gồm Công ty TNHH Lương thực Angimex, Công ty TNHH Angimex Furious, Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Angimex và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Angimex.

Cùng với đó, Angimex cũng chuyển nhượng 4 công ty liên doanh, liên kết gồm Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty TNHH TM Sài Gòn - An Giang, Công ty cổ phần Golden Paddy và Công ty TNHH Thương mại Louis Angimex; và chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản là các nhà máy gồm Nhà máy Bình Thành, Nhà máy Đa Phước, nhà máy Đồng Tháp 3 và Nhà máy Định Thành.

Lý giải về việc chuyển nhượng các dự án đã đầu tư, Angimex cho biết, nguyên nhân là do Công ty đang thiếu hụt dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng, nhà đầu tư và không có nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, đồng thời nhằm giải quyết nhu cầu về vốn giúp Công ty vực dậy tình hình tài chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Gần đây nhất, vào ngày 8/3, Angimex thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex - Kitoku (AKJ). 

Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo, vốn điều lệ 8 tỷ đồng, trong đó Angimex sở hữu gần 33% vốn. Giá chuyển nhượng do bên nhận chuyển nhượng là Công ty cổ phần APC Holdings đề nghị.

Lỗ lũy kế lên hơn 175 tỷ đồng

Về kết quả kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm, Angimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 58,7 tỷ đồng, giảm mạnh 63% so với quý I/2023.

'Ông lớn' ngành gạo Angimex (AGM) ôm lỗ lớn, tiếp tục chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty con - Ảnh 2

Giá vốn ghi nhận tại 61,2 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 150,4 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm 2,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính và các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp đều giảm so với trước, nhưng vẫn ở mức cao. 

Khấu trừ chi phí, giá vốn, Công ty báo lỗ sau thuế 14,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 17,9 tỷ đồng. Đà lỗ quý I/2024 tiếp tục nâng mức lỗ luỹ kế của AGM lên hơn 175 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, Angimex có tổng tài sản là 1.243 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền, các khoản tương đương tiền tăng nhẹ lên mức 7.418 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 8,8 tỷ đồng lên mức 13,6 tỷ đồng, chủ yếu là khoản chứng khoán kinh doanh, ghi nhận ở 4,8 tỷ đồng, trong khi thời điểm đầu năm không có. 

'Ông lớn' ngành gạo Angimex (AGM) ôm lỗ lớn, tiếp tục chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty con - Ảnh 3

Hàng tồn kho tăng gần gấp 2 lần so với hồi đầu năm, lên mức 47,8 tỷ đồng. 

Về cơ cấu nợ, Angimex có tổng nợ phải trả 1.236 tỷ đồng, trong đó 1.203 tỷ đồng nợ ngắn hạn, chủ yếu là khoản mục “vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn” hơn 955 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chiếm phần lớn trong khoản nợ ngắn hạn là trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả trị giá 560 tỷ đồng và vay ngắn hạn ngân hàng gần 374 tỷ đồng.

'Ông lớn' ngành gạo Angimex (AGM) ôm lỗ lớn, tiếp tục chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty con - Ảnh 4

Về khoản vay ngân hàng, Angimex vay ngắn hạn (4 tháng từ ngày giải ngân) tại BIDV - chi nhánh Bắc An Giang với số dư tính đến cuối quý I/2024 là 373,9 tỷ đồng và khoản nợ dài hạn đã bị chuyển sang nợ ngắn hạn có số dư 15,2 tỷ đồng tại Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM.

Mới đây, Angimex công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi tính đến ngày đáo hạn của gói trái phiếu mã AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, đáo hạn ngày 9/11/2023.

Theo doanh nghiệp cho biết, do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên hiện chưa sắp xếp được nguồn thanh toán gốc và lãi tính đến ngày đáo hạn của gói trái phiếu này. Angimex đang tích cực đàm phán với Ban đại diện chủ sở hữu trái phiếu AGMH2123001 để xin gia hạn thanh toán, tương tự như lần mất khả năng thanh toán kỳ 5 lô trái phiếu AGMH223001 từ ngày 14/6/2023 và phải khất nợ các trái chủ.

Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý I chỉ ghi nhận tại 6,8 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm con số này là 21,8 tỷ đồng. 

Việc thua lỗ liên tiếp trong năm 2022 và năm 2023 với khoản lỗ lần lượt là 234 tỷ đồng và 207 tỷ đồng đã đẩy lỗ lũy kế lên hơn 150 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Điều này khiến cổ phiếu AGM bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 5/4/2024.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 28/5, cổ phiếu AGM tăng 1,6%, dừng ở vùng thị giá 4.830 đồng/cổ phiếu.

Tin Cùng Chuyên Mục