Sau 7 năm gửi hồ sơ, hơn 40 triệu cổ phiếu Cảng Quy Nhơn (QNP) sẽ chào sàn HOSE, giá tham chiếu 19.100 đồng/đơn vị

Linh Anh

Với giá tham chiếu 19.100 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp được định giá 772 tỷ đồng khi lên sàn chứng khoán.

Kiên trì niêm yết cổ phiếu QNP trên HOSE sau gần 7 năm gửi hồ sơ

Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã: QNP) thông báo nhận được quyết định chấp thuận niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 29/12/2023. 

Qua đó, ngày chính thức giao dịch 40,4 triệu cổ phiếu QNP trên sàn HOSE là ngày 18/1. Với giá tham chiếu 19.100 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp được định giá 772 tỷ đồng khi lên sàn chứng khoán. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên +/- 20% so với giá tham chiếu.

Qua tìm hiểu, Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HOSE từ tháng 12/2016. Tuy nhiên, HOSE đã yêu cầu Cảng Quy Nhơn bổ sung hồ sơ nhưng doanh nghiệp không thực hiện. Do đó, cơ quan này đã thông báo dừng xem xét hồ sơ vào cuối tháng 12/2017.

Các năm sau, HOSE tiếp tục nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Cảng Quy Nhơn. Tại những lần này, Sở đều yêu cầu công ty bổ sung hồ sơ liên quan đến thanh tra cổ phần hóa nhưng công ty chưa bổ sung đầy đủ theo quy định.

Phải đến năm 2023, sau 7 năm, công ty mới hoàn thành được quá trình niêm yết và sẵn sàng lên sàn chứng khoán.

Qua tìm hiểu, Cảng Quy Nhơn là cảng lớn tại miền Trung, được thành lập từ 1976. Năm 2013, công ty cổ phần hóa và duy trì mức vốn điều lệ 404 tỷ đồng đến nay. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) là công ty mẹ với tỷ lệ nắm giữ 75,01% vốn. Doanh nghiệp có một công ty con sở hữu 100% là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Logistics Cảng Quy Nhơn và nắm 20% vốn Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghiệp Hàng Hải.

Bên cạnh hoạt động chính khai thác cảng cung cấp dịch vụ bốc xếp hàng hóa, doanh nghiệp còn cung cấp dịch vụ vận tải bộ và đại ký kinh doanh xăng dầu. Trong đó, mảng khai thác cảng đem lại doanh thu và lợi nhuận chính. 

Gần đây nhất, Cảng Quy Nhơn đã quyết định chi gần 195 tỷ đồng cho dự án đầu tư cần trục quay đa năng trên bến số 1. Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào khai thác trong năm 2025.

Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, cảng Quy Nhơn sẽ được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha, gấp 3 lần hiện nay, với các phân khu chức năng và công nghệ, thiết bị chuyên dùng để đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 18,6%

Về bức tranh tài chính, theo báo cáo kinh doanh hợp nhất, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, QNP ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 697 tỷ đồng, giảm 18,5 % so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 25%, lùi về hơn 542 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 13% lên hơn 153 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 10% lên hơn 22 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay, còn lại là lãi cổ tức, lợi nhuận được chia và lãi chênh lệch tỷ giá.

Chi phí bán hàng tăng 20% lên hơn 10 tỷ đồng, do tăng chi phí cho nhân viên. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 3% còn hơn 54 tỷ đồng.

Khấu trừ giá vốn, chi phí, QNP ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 18,6% lên 89,2 tỷ đồng. 

Năm 2023, QNP đặt mục tiêu 1.278 tỷ đồng doanh thu và 135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 54% mục tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.

Tổng tài sản đến cuối quý III/2023 còn hơn 1.323 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp đôi đầu năm, ghi nhận gần 160 tỷ đồng. 

Sau 7 năm gửi hồ sơ, hơn 40 triệu cổ phiếu Cảng Quy Nhơn (QNP) sẽ chào sàn HOSE, giá tham chiếu 19.100 đồng/đơn vị - Ảnh 1

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại ngày 30/09/2023 chỉ còn gần 20.4 tỷ đồng, trong khi đầu năm gần 251 tỷ đồng.

Nợ phải trả của QNP là hơn 471 tỷ đồng, tăng 52,92% so với đầu năm, bao gồm 290,8 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 180,57 tỷ đồng nợ dài hạn.

Tin Cùng Chuyên Mục