Tiền Giang: Uy tín, danh dự của Trụ trì chùa Kim Linh bị ảnh hưởng bởi một văn bản trái thẩm quyền

Văn Khúc

(Doanhnhan.vn) - Xuất phát từ câu chuyện vay mượn tiền giữa em trai mình và một người dân, Đại đức Thích Thiện Tâm (thế danh Nguyễn Văn Thiện) - Trụ trì chùa Kim Linh (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã gặp biết bao rắc rối và phiền toái...

Những phiền toái đó bắt nguồn từ một văn bản của Trưởng ban Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Tiền Giang gửi đến các cơ quan chức năng để yêu cầu giải quyết sự việc vay mượn không liên quan gì đến Đại đức Thích Thiện Tâm.

Bỗng dưng gặp chuyện không đâu

Theo nội dung đơn Đại đức Thích Thiện Tâm gửi đến báo Pháp luật Việt Nam, từ năm 2009, sau khi tốt nghiệp cử nhân Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam thì được Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang mời về cộng tác làm giảng viên của trường. Đến năm 2010, Đại đức Thích Thiện Tâm được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Kim Linh (thị trấn Chợ Gao, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

Sau đó, đến năm 2012, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, Đại đức Thích Thiện Tâm được bầu giữ chức vụ Phó trưởng Ban Trị sự - GHPGVN tỉnh Tiền Giang, kiêm Trưởng ban Văn hóa. Sau khi được giao nhiệm vụ, Đại đức Thích Thiện Tâm đã cố gắng phụng sự công tác Phật sự, phát triển đạo tràng chùa Kim Linh, chăm lo đời sống an sinh xã hội tại địa phương.

Tiền Giang: Uy tín, danh dự của Trụ trì chùa Kim Linh bị ảnh hưởng bởi một văn bản trái thẩm quyền - Ảnh 1

Đại đức Thích Thiện Tâm đang là nguyên đơn trong một vụ kiện hy hữu. 

Đến năm 2016, xuất phát từ việc vay mượn tiền giữa bà Lai Thị Kim Chi (ngụ tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) với anh Nguyễn Văn Triệu (em trai thầy Thích Thiện Tâm) từ tháng 2/2015. Do cần tiền thanh toán vật liệu xây dựng nên anh Triệu có nhờ bà Kim Chi vay hộ số tiền 20 triệu đồng và hẹn trong vòng 3 tháng sẽ trả.

Tuy nhiên, do anh Triệu không trả được tiền nên bà Kim Chi đã đến gặp thầy Thiện Tâm để trình bày sự việc và yêu cầu thầy Thiện Tâm trả nợ thay. Thầy Thiện Tâm có hứa với bà Kim Chi sẽ động viên anh Triệu sớm trả nợ dù trước đó Thầy không hay biết hoặc liên quan gì đến việc vay mượn này. Vậy nhưng sau đó, bà Kim Chi đã làm “tường trình” vụ việc anh Triệu thiếu nợ và gửi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang cho rằng Thầy Tâm hứa trả nợ thay cho anh Triệu nhưng không trả.

Căn cứ vào đó, Hòa thượng Thích Huệ Minh (Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang) đã ban hành công văn 228/CV-BTS ngày 28/11/2016 về việc “Giải quyết khiếu nại đối với Đại đức Thích Thiện Tâm, chùa Kim Linh I” với nội dung: Ngày 29/12/2014 (Âm lịch) Đại đức Thích Thiện Tâm có đứng ra bảo lãnh cho em của thầy mượn số tiền 20 triệu đồng nhưng không hoàn trả mà còn có những lời nói khó nghe đối với bà Kim Chi.

Công văn này được gửi đến hầu hết các cơ quan ban ngành tại huyện Chợ Gạo, nơi có ngôi chùa Đại đức Thích Thiện Tâm cư ngụ và làm trụ trì. Trên cơ sở công văn 228, tại phiên họp thường kỳ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Hòa thượng Thích Huệ Minh lại thông báo sự việc trước cuộc họp, trong đó có lãnh đạo Ban Trị sự các huyện, thị, thành trong tỉnh. Tiếp đó, Đại đức Thích Thiện Nguyên (Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Chợ Gạo) tiếp tục thông báo nội dung sự việc kèm công văn 228 trong phiên họp toàn thể tăng ni, trụ trì các chùa trong huyện Chợ Gạo.

Điều đáng nói là trước khi ban hành công văn 228 và công bố trước toàn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang cùng huyện Chợ Gạo thì Hòa thượng Thích Huệ Minh không hề thông báo cho đại đức Thích Thiện Tâm sự việc bà Kim Chi gửi đơn tường trình có liên quan đến mình, cũng không triệu tập Đại đức Thích Thiện Tâm để xác minh.

Sự việc này khiến uy tín và danh dự của Đại đức Thích Thiện Tâm bị xúc phạm và tổn hại. Sau nhiều lần trao đổi với Hòa thượng Huệ Minh và bà Chi bất thành, thầy Thiện Tâm đã tiến hành khởi kiện ra TAND TP.Mỹ Tho yêu cầu xem xét giải quyết, theo hướng yêu cầu Hòa thượng Thích Huệ Minh phải xin lỗi Đại đức Thích Thiện Tâm bằng văn bản và gửi đến các cơ quan mà Hòa thượng Huệ Minh đã chuyển công văn 228, đồng thời có biện pháp thu hồi công văn đã phát hành.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Dương Thị Kim Loan (Trưởng Văn phòng Luật sư Kim Loan, bảo vệ quyền lợi cho Đại đức Thích Thiện Tâm) nhận đinh, trong việc vay mượn tiền giữa bà Kim Chi và anh Triệu, thầy Tâm là người vô can. Nếu bà Kim Chi và anh Triệu không giải quyết được thì thẩm quyền giải quyết là của tòa án. Bản thân thầy Thiện Tâm là người tu hành, không làm thêm gì khác, nếu có tiền thì cũng chỉ là tiền công đức, đóng góp của bá tánh, phật tử. Về lương tâm và đạo đức thì thầy Thiện Tâm cũng không thể lấy tiền công đức, đóng góp đó để trả nợ thay cho em mình được. 

Vậy nhưng nếu đọc công văn 228 thì ai cũng có thể hiểu rằng: Thầy Thiện Tâm đứng ra bảo lãnh cho em trai mượn 20 triệu của bà Kim Chi rồi không trả mà còn có những lời nói khó nghe... Thực tế, tờ tường trình của bà Chi không hề phản ảnh việc Thầy Tâm có bảo lãnh khi anh Triệu vay tiền và Thầy Tâm có những lời lẽ gì khó nghe với bà Chi.

Hơn nữa, bà Kim Chi chỉ gửi “Đơn tường trình” đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, vậy nhưng công văn 228 lại ghi rằng đó là “giải quyết khiếu nại đối với Đại đức Thích Thiện Tâm”. Việc này là trái với thẩm quyền của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang.

Kể từ khi vụ kiện được thụ lý, TAND TP.Mỹ Tho đã tiến hành hòa giải giữa các bên 2 lần nhưng đều không thành

Lỗi là do... người đánh máy?

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên đã gặp Hòa thượng Thích Huệ Minh nhằm làm rõ hơn về vấn đề này. Tại cuộc gặp, Hòa thượng Huệ Minh thừa nhận nội dung công văn 228 là do hòa thượng viết, nhưng thư ký giúp việc khi soạn thảo văn bản lại làm không chính xác, ghi tiêu đề “giải quyết đơn khiếu nại đối với Đại đức Thích Thiện Tâm” là sai. Thực ra nội dung là Hòa thượng Huệ Minh chỉ muốn gửi đến các cơ quan chức năng để tạo điều kiện giúp đỡ cho bà Kim Chi sớm lấy lại được tiền.

Tiền Giang: Uy tín, danh dự của Trụ trì chùa Kim Linh bị ảnh hưởng bởi một văn bản trái thẩm quyền - Ảnh 2

 Hòa thượng Thích Huệ Minh trong buổi làm việc với phóng viên.

Được biết, đến thời điểm này việc vay mượn giữa bà Kim Chi và anh Triệu đã được giải quyết xong, tuy nhiên vấn đề còn lại là vụ kiện giữa Đại đức Thích Thiện Tâm đối với Công văn 228/CV-BTS của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang vẫn chưa đến hồi kết.

Theo luật sư Kim Loan, sự việc vay mượn tiền giữa bà Kim Chi và anh Triệu không có liên quan gì đến GHPGVN tỉnh Tiền Giang, trách nhiệm của mỗi bên đã được giải quyết. Vậy nên một phiên tòa, hay một buổi hòa giải giữa nội bộ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, cụ thể là giữa thầy Huệ Minh và thầy Thiện Tâm để giải quyết vấn đề Công văn 228 là điều cần cân nhắc. Nếu phía ban hành công văn 228 có động thái đính chính, thu hồi lại văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền (hoặc do thư ký đánh máy sai) thì việc kiện tụng ra tòa sẽ là điều không cần thiết.

Đạo Phật vốn từ bi, việc kiện cáo giữa hai bên là điều không đáng có. Chia sẻ với phóng viên, Đại đức Thích Thiện Tâm cho biết bản thân đã trăn trở rất nhiều trước khi đưa vụ việc ra giải quyết ở toà, bởi một căn bệnh nếu biết mà không chữa để lâu nó còn đau đớn hơn nữa. Hy vọng sự việc sẽ sớm được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, đúng với pháp luật và phù hợp với truyền thống hòa hợp trong nội bộ, giải quyết vụ việc khiếu nại theo đúng quy định của Hiến chương GHPGVN...