Tiếp bài trường Hai Bà Trưng (Vĩnh Phúc): Cơ sở nào để tiến hành sáp nhập trường?

Ngọc Tiến - Châu Long

Nhìn vào những con số “biết nói”, nhiều cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy nuối tiếc khi biết trường Hai Bà Trưng sẽ bị sáp nhập vào với 1 trường khác. Thế nhưng, họ vẫn đang chờ đợi câu trả lời cuối cùng của các ban ngành chức năng khi năm học mới 2017-2018 sắp đến gần.

Xáo trộn vì đâu?

Đến thời điểm này, việc thực hiện tách, sáp nhập Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng (gọi tắt là trường Hai Bà Trưng) với trường THPT Phúc Yên vẫn đang đi tìm “phương án tối ưu”. Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện quyết định trên có phần chủ quan, nóng vội và gây ra sự phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh, thậm chí là ý kiến không đồng tình của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường.

Được biết, sau khi UBND thị xã Phúc Yên tham mưu cho cấp trên về các nội dung tách, sáp nhập tại trường Hai Bà Trưng, thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, gần đây nhất là Công văn số 4939/UBND-VX2 ngày 3/7/2017.

Theo đó, công văn trên đã chỉ đạo như sau: “Thị xã Phúc Yên: Sáp nhập hai trường Hai Bà Trưng và THPT Phúc Yên. Địa điểm đặt tại trường THPT Phúc Yên (đảm bảo về diện tích). Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Chuyển số học sinh khối THCS của trường Hai Bà Trưng về Phòng GD&ĐT của thị xã Phúc Yên quản lý theo quy định về phân cấp quản lý giáo dục. Bàn giao nguyên trạng cơ sở vật chất của trường Hai Bà Trưng cho UBND thị xã Phúc Yên quản lý để sử dụng vào mục đích giáo dục”.

Tiếp bài trường Hai Bà Trưng (Vĩnh Phúc): Cơ sở nào để tiến hành sáp nhập trường? - Ảnh 1

Báo cáo của thị xã Phúc Yên nêu lý do “xóa sổ” trường Hai Bà Trưng.

Trước đó, trong Báo cáo số 63/BC-UBND ngày 4/5/2017, UBND thị xã Phúc Yên đã đưa ra những căn cứ cụ thể là: Mô hình Trường THPT Hai Bà Trưng (liên cấp 2, cấp 3) không nằm trong cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông quốc dân và gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo trong việc thực hiện một số hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, về vấn đề này ông Nguyễn Minh Tuấn (Hiệu phó trường Hai Bà Trưng) cho biết, đến thời điểm này nhà trường vẫn làm rất tốt công việc của mình. Trước đó, nhà trường cũng không nhận được bất kỳ một phản ánh nào của cơ quan quản lý về việc nhà trường gây khó khăn trong công tác quản lý. Cùng với đó, đại diện Sở GD&ĐT cũng khẳng định, đơn vị này không thấy bất cứ khó khăn nào trong công tác quản lý trường Hai Bà Trưng.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND thị xã Phúc Yên thì ngôi trường này có diện tích nhỏ không đủ đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn Quốc gia, giao thông không thuận lợi. Bên cạnh đó, một lý do khác mà UBND thị xã Phúc Yên đưa ra là, vì dự kiến theo thống kê đến năm 2021 trên địa bàn thị xã số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT dao động khoảng 1.000 học sinh, do đó chỉ cần đến 3 trường THPT là đủ đảm bảo tuyển hết số học sinh trên.

Tuy nhiên, theo Đề án 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục tỉnh, cho phép thị xã Phúc Yên được có tối đa 4 trường THPT trên địa bàn. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho hay, quy mô số trường THPT hiện tại là đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thị xã Phúc Yên, không cần phải giảm và vấn đề ở đây là sắp xếp mạng lưới sao cho phù hợp.

“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là con em mình được đi học ở một ngôi trường tốt, chất lượng giáo dục cao. Cùng với đó là có đội ngũ giáo viên giỏi, tận tình và cơ sở vật chất đầy đủ. Nếu nói về diện tích học tập, giao thông đi lại gây khó khăn cho con em mình thì chúng tôi không hề thấy. Bây giờ “xóa sổ” ngôi trường giàu truyền thống và con chúng tôi đang học rất tốt ở đây liệu có hợp lý hay không?”, một phụ huynh thì bức xúc cho biết.

Những con số “biết nói”!

Được biết, Trường Hai Bà Trưng được thành lập từ năm 1992 (trên địa bàn phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên) thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu trên địa bàn thị xã Phúc Yên.

Liên tục qua các năm từ khi thành lập, trường có hàng ngàn em học sinh tham gia các kỳ học sinh giỏi và đạt giải cao. Trong kỳ THPT Quốc gia năm 2015, 2016, 2017 học sinh của nhà trường thi đạt điểm số cao đứng vào Top 3 trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ đỗ ĐH, CĐ là 100% chỉ đứng sau trường chuyên Vĩnh Phúc, nằm trong Top đầu của toàn tỉnh.

Tiếp bài trường Hai Bà Trưng (Vĩnh Phúc): Cơ sở nào để tiến hành sáp nhập trường? - Ảnh 2

Phụ huynh học sinh lo lắng khi sáp nhập Trường Hai Bà Trưng 

Đơn cử như năm học 2016-2017, về kết quả 2 mặt giáo dục: Toàn trường có 1.004 học sinh, trong đó 64,84% học lực giỏi, 34,06 % khá, toàn trường không có học sinh yếu kém. Về kết quả giáo dục mũi nhọn và năng khiếu: Toàn trường đạt 1.800 giải/1.004 học sinh trong đó 788 giải cấp trường, 591 giải cấp thị xã, 409 giải cấp tỉnh, 31 giải quốc gia và 4 giải quốc tế (1 vàng, 1 bạc, 2 đồng).

Đặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, trường có tỷ lệ đỗ ĐH, CĐ là 100%. Đặc biệt, năm 2016, với những thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học năm 2015-2016, trường THCS-THPT Hai Bà Trưng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, theo tìm hiểu thì Trường THPT Phúc Yên nơi mà Trường Hai Bà Trưng sẽ sáp nhập vào được thành lập từ năm 2009. Ngoài diện tích được UBND thị xã Phúc Yên đánh giá là rộng hơn thì so với Trường Hai Bà Trưng về chất lượng giáo dục đều kém hơn. Số lượng học sinh giỏi, số lượng học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi đều thua xa. Đặc biệt, tỷ lệ đỗ ĐH,CĐ của Trường THPT Phúc Yên chỉ đạt con số khiêm tốn là 40% (năm học 2016-2017).

Nhiều phụ huynh cũng cho biết, họ lo lắng rằng khi tách, sáp nhập Trường Hai Bà Trưng thì việc dạy, học và tâm lý của con em mình sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi, mục tiêu lớn nhất của ngành giáo dục là nâng cao chất lượng, đào tạo ra những nhân tài cho đất nước. Điều này, rõ ràng khi mọi người nhìn vào những con số “biết nói” trên thì bất kỳ ai cũng có thể thấy rõ được tính hiệu quả mà ngôi trường 25 năm tuổi kia đã làm được.

Những quan điểm, ý kiến đề nghị của các bậc phụ huynh cũng cần được các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Phúc xem xét thấu đáo. Có như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước vừa đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Ảnh 2: