TP HCM: Trước 15/4 phải gỡ vướng cho 61 dự án nhà đất bị ‘ngâm’ hồ sơ

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Năm 2020, trên địa bàn TP HCM có 61 dự án bất động sản đã nộp hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không dự án nào được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP HCM để chấp thuận. Trong văn bản mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành tháo gỡ vương mắc cho các dự án này trước ngày 15/4.

Cụ thể, UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Tổ công tác đầu tư thành phố xem xét giải quyết 61 hồ sơ dự án do Sở Xây dựng chuyển sang để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Sở Xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho Sở Kế hoạch và đầu tư thực hiện.

Chủ tịch UBND TP HCM cũng giao ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách mảng xây dựng làm việc với các sở, ngành liên quan và Hiệp hội bất động sản TP HCM để giải quyết cụ thể từng nội dung kiến nghị. Sau đó báo cáo cho Thường trực UBND TP HCM xem xét giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với các nội dung ngoài thẩm quyền thành phố sẽ báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch và Kiến trúc quan tâm nội dung vướng mắc về chỉ tiêu quy mô dân số trong quá trình tham mưu về quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chung TP HCM.

Được biết, trong số 61 dự án được Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo gỡ khó có những dự án nằm trên khu đất vàng thuộc quận 1, thành phố Thủ Đức... Đơn cử như các dự án ở khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son gồm các lô HH1, HH2, HH4-1, HH4-2, HH4-3. Dự án khu căn hộ tại quận 7 của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát.

Dự án chung cư Sông Đà (Songda Riverside) do Công ty cổ phần bất động sản Hiệp Phúc làm chủ đầu tư (Công ty cổ phần bất động sản Hiệp Phúc do LDG Group sở hữu 99% vốn). Dự án khu thương mại, thể thao, giải trí thuộc khu chức năng 2C trong khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty cổ phần Tập đoàn BRG làm chủ đầu tư...

Trước đó, tại hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP HCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngày 27/2, các sở ngành liên quan đã giải thích về vấn đề của 61 dự án này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết những dự án này do nhà đầu tư nộp hồ sơ tại sở để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Trong 61 dự án có hai dự án bị trùng và ba dự án không phải là hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư. Còn lại 56 hồ sơ nhà đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho 56 dự án theo Luật Đầu tư 2014.

Trong 56 dự án này có 17 dự án đã trình báo cáo thẩm định đề nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư; 18 dự án chưa nhận đủ ý kiến của các sở - ngành; 20 dự án đã yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhưng chưa nhận được hồ sơ bổ sung và một dự án nhà đầu tư rút hồ sơ.

Những hồ sơ được Sở Xây dựng chuyển sang trong tháng 1/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy thành phần hồ sơ và việc lấy ý kiến các sở - ngành đang thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, không sử dụng theo biểu mẫu quy định của pháp luật về đầu tư.

Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn tạm thời của BộKế hoạch và Đầu tư không có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục sử dụng thành phần hồ sơ hoặc sử dụng ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan đã gửi cho Sở Xây dựng để tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hướng xử lý đối với các dự án do Sở Xây dựng chuyển sang. Theo đó, đơn vị này sẽ có văn bản đề nghị nhà đầu tư nộp lại hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Với ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan mà cơ quan đó đã đồng thuận thì đơn vị này tiếp tục xem xét hồ sơ, không lấy lại ý kiến. Nếu có ý kiến chưa đồng thuận, đề nghị nhà đầu tư giải trình hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 thì sẽ có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư giải trình bổ sung và lấy lại ý kiến của các cơ quan chưa đồng thuận. Trường hợp cơ quan nào chưa ý kiến thì sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đôn đốc để cơ quan đó sớm trả lời.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục