Trước Covid-19, sếp Vietnam Airlines nhận trung bình 90 triệu đồng/tháng

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Trong năm 2019, trung bình mỗi lãnh đạo cấp cao tại Vietnam Airlines nhận 1,08 tỷ đồng/người/năm, tương đương 90,3 triệu đồng/người/tháng.

Theo báo cáo tài chính thường niên mới được công bố gần đây, Vietnam Airlines cho biết đến ngày 31/12/2019, tổng số lao động hợp nhất của Tổng công ty này là 21.255 người, trong đó lao động của Vietnam Airlines là 6.409 người.

Trong năm 2019, Vietnam Airlines đã triển khai 02 đợt tăng lương đối với riêng phi công (từ 01/6/2019, 01/9/2019). Bình quân thu nhập (sau thuế) của phi công Việt Nam đã bằng 65-75% thu nhập của phi công nước ngoài (tùy từng chức danh và đội bay) hiện đang khai thác cho Vietnam Airlines và cao hơn gấp 5 lần so với giai đoạn trước năm 2008. Tính từ năm 2016 đến nay, mức tăng thu nhập tiền lương của người lao động đạt từ 5% đến 20% tùy theo chức danh công việc.

Tăng lương cho người lao động nhưng Vietnam Airlines lại giảm thu nhập của thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát. Nếu năm 2018, tổng chi trả thù lao cho nhóm lãnh đạo cấp cao đạt 15,5 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số chỉ còn 13 tỷ đồng. Như vậy, với tổng cộng 17 thành viên, trung bình mỗi lãnh đạo cấp cao tại Vietnam Airlines nhận 1,08 tỷ đồng/người/năm, tương đương 90,3 triệu đồng/người/tháng.

Trước Covid-19, sếp Vietnam Airlines nhận trung bình 90 triệu đồng/tháng - Ảnh 1

Dự kiến trong năm 2020, thu nhập của ban lãnh đạo Vietnam Airlines sẽ bị cắt giảm sâu hơn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Hồi tháng 2/2020, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo của Tổng Công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. 

Dù dịch bệnh khiến Vietnam Airlines phải để phần lớn máy bay nằm tại sân đỗ, nhưng công ty này vẫn có kế hoạch mua sắm thêm đội bay, với 50% nguồn vốn đầu tư dành riêng cho lĩnh vực này. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, đây là chiến lược mua và cho thuê lại mà nhiều doanh nghiệp ngành hàng không trong nước cũng như nước ngoài áp dụng, làm giảm chi phí sử dụng máy bay, tăng lợi nhuận gián tiếp.

Dù vẫn giữ được thị phần tối đa trên thị trường hàng không Việt Nam (50,1%), nhưng hệ số sử dụng ghế của hãng trong năm 2019 giảm còn 81,2%, trong khi hai năm gần nhất (2017, 2018) đều đạt 81,7%. Trong năm 2019, Vietnam Airlines phục vụ tổng cộng 22,9 triệu lượt khách, tăng 4,6% so với 2018. Trong đó, khách trong nước đạt 13,8 triệu người, khách quốc tế đạt 8,2 triệu người, cùng tăng 5,5%. 

Tin Cùng Chuyên Mục